Trong quá trình nấu đồng để đổ vào khuôn đúc, một số phật tử đã phát tâm bằng cách bỏ vào bông tai bằng vàng hoặc nhẫn vàng với tổng giá trị mà những phật tử này đóng góp lên đến cả chục triệu đồng.
Tương tự, trong lễ đúc chuông chùa Chí Linh (Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng có một số phật tử bỏ vàng vào lò nấu đồng với tâm nguyện là đã làm được việc có ích. Ngoài ý nghĩa tâm linh ra thì họ còn cho rằng, chuông chùa nếu được bỏ vàng vào thì tiếng chuông sẽ hay hơn, ngân vang hơn và ý nghĩa hơn.
Ông Nguyễn Văn Giai, nghệ nhân đúc đồng, là trưởng đoàn đúc chuông ở chùa Bảo Lâm. Ông Giai cũng là con trai trưởng của ông Sở, chủ cơ sở đúc đồng đã truyền nghề bốn trăm năm ở thành phố Huế. Khi được hỏi: “một số phật tử cho rằng, việc cho vàng vào đồng trong quá trình đúc chuông sẽ khiến chuông kêu hay hơn, ngân hơn là có đúng không?”, ông Giai đã bác bỏ hoàn toàn và ông cho rằng việc chuông kêu hay hay không, tiếng kêu có ngân vang hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật đúc, chất lượng đồng nguyên liệu và độ lớn hay nhỏ của chuông chứ không liên quan gì đến việc bỏ vàng vào. Việc đó là lãng phí không cần thiết.
Không chỉ hai chuông chùa đã nói ở trên mà hiện nay và trong quá khứ, đã có rất nhiều người phát tâm bằng cách bỏ vàng vào chuông chùa trong quá trình đúc đồng, có khi mỗi quả chuông có cả cây vàng bị cho vào lò nung đồng rất lãng phí.
Ông Giai cho biết: - Có trường hợp bỏ vào ba chỉ vàng, tôi khuyên họ nên dành tiền đó làm từ thiện như đóng góp vào quỹ “nạn nhân chất da cam” hay quỹ “trái tim cho em” thì hơn. Nghe lời tôi, có người đã thôi không bỏ vàng vào nữa. Xét một góc độ nào đó thì việc cho vàng vào chuông chùa là làm tăng giá trị về mặt vật chất của chuông chùa, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thiện nguyện của phật tử, nhưng việc đó sẽ có ý nghĩa hơn nếu họ lấy số vàng đó vào việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và cũng là làm việc có ý nghĩa theo lời khuyên của triết lý nhà Phật.
Tác giả bài viết: Phan Xuân Hậu