Đó là những sai phạm tại các cơ sở MN cùng hệ thống như Táo Đỏ, Táo Hồng, Hươu Cao Cổ (Q.11 và Q.5, TP.HCM).
Đưa trẻ đi “trốn” đoàn kiểm tra?
Đường dây khẩn của báo Phụ Nữ nhận được phản ánh, một số điểm giữ trẻ trong cùng hệ thống như nhóm lớp Hươu Cao Cổ, Táo Đỏ có dấu hiệu xén bớt khẩu phần ăn của trẻ.
Bạn đọc còn tố những cơ sở này thường xuyên có sự di chuyển trẻ từ cơ sở này sang cơ sở kia để tránh thanh tra vì số trẻ thực tế nhiều hơn so với con số báo cáo. Trong vai một phụ huynh cần gửi trẻ ở các cơ sở của hệ thống này, chúng tôi nêu nguyện vọng được tham quan chỗ ăn ngủ của trẻ, nhưng đều bị từ chối.
Tiếp cận khu vực Trường MN Táo Đỏ, chúng tôi ghi nhận, ngày 16/11/2016, khoảng 7h30, sau khi bố mẹ đưa con đến trường thì thấy hai - ba cô dẫn một nhóm trẻ hơn 10 bé ra xe taxi 7 chỗ để chở đi. Chúng tôi bám theo xe thì thấy xe đưa các bé sang Trường MN Táo Hồng cùng hệ thống, đóng trên địa bàn Q.6.
Phụ huynh đón con ở cơ sở Táo Xanh.
Ngày 13/12/2016, chúng tôi nhận được thông tin sẽ có đoàn đến kiểm tra Trường MN Táo Đỏ. Quan sát tại đây, chúng tôi thấy một số phụ huynh đến đón con về vào giữa buổi học.
“Đúng chiều cùng ngày, có đoàn thanh tra xuống kiểm tra trường như thông tin chúng tôi được báo trước đó. Phải chăng trường biết trước lịch kiểm tra của ngành? Và vì sao khi có thanh tra thì một số trẻ phải lánh mặt?.
Ngày 28/12, trả lời phóng viên báo Phụ Nữ về những thắc mắc trên, bà Châu Lệ Lệ, chủ đầu tư hệ thống trường MN trên cho biết: “Chúng tôi chỉ chở trẻ qua cơ sở khác cùng hệ thống để tham gia hoạt động bên đó hoặc do cơ sở bên này có sửa chữa. Khi đưa trẻ đi, trường có thông báo cho phụ huynh biết. Tôi không nhớ cụ thể đó là những ngày nào”.
Tuy bà Lệ không thừa nhận việc chuyển trẻ đi nơi khác, nhưng đến khi đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục (GD) và Đào tạo TP.HCM làm việc thì hiệu trưởng Trường MN Táo Đỏ thừa nhận có chuyển bớt trẻ sang các cơ sở Táo Xanh, Táo Hồng khi có đoàn kiểm tra đến.
Vì sao phòng GD quận đi kiểm tra mà trường lại biết để đem trẻ đi giấu? Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD Q.11 cho biết: “Trước đây, chúng tôi hay kiểm tra đột xuất nhưng có nhiều ý kiến phản ứng rằng “làm vậy không tốt, như đi rình bắt tội phạm” nên sau đó lịch kiểm tra cơ sở được công khai ở phòng GD. Phòng GD kiên quyết xử lý nên kiểm tra thường xuyên, mới đây khi kiểm tra cùng Sở GD-ĐT, đã phát hiện nhiều sai phạm”.
Không chỉ mang trẻ đi “trốn” thanh tra, cơ sở này còn báo cáo vênh giữa số trẻ thực tế với sổ sách điểm danh. Cụ thể, tại Trường MN Táo Đỏ, vào ngày 20/12/2016, số trẻ đang có mặt là 134 bé, nhưng con số mà trường này điểm danh ở thời điểm này chỉ 108 bé.
Tương tự, nhóm lớp Hươu Cao Cổ đóng trên địa bàn Q.5 cũng báo cáo giữ 57 trẻ, nhưng con số trẻ có mặt tại đây luôn vượt gần gấp đôi. Khi Phòng GD Q.5 kiểm tra đột xuất vào cuối tháng 10/2016, đã phát hiện nhóm lớp này hiện diện 98 bé tại lớp (theo quy định, nhóm này chỉ được giữ khoảng 50 - 60 bé), khác xa với con số trong sổ điểm danh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng Phòng GD Q.5 cho biết: “Khi đoàn phát hiện số trẻ dư ra này, đại diện nhóm lớp không thừa nhận sai phạm giữ trẻ vượt quy định mà chỉ nhận giữ giùm trẻ từ trường khác cùng hệ thống bị cúp điện gửi, đến trưa lại đón về”. Thế nhưng, đến ngày 7/11/2016, UBND phường 11 tiếp tục tái kiểm tra thì phát hiện số trẻ có mặt tại đây vẫn là 98 bé.
Với chính sách khuyến khích xã hội hóa trường lớp nên các trường MN tư thục không bị đánh thuế căn cứ số lượng trẻ như thuế kinh doanh thông thường. Vì sao trường báo cáo không đúng số trẻ so với thực tế?.
Bà Châu Lệ Lệ khẳng định: “Tôi thuê cơ sở rồi mở trường, khoán cho hiệu trưởng, nhóm trưởng làm nên họ báo cáo bao nhiêu trẻ thì mình nghe thôi. Cái sai của tôi là không rành chuyên môn, để nhân viên làm không đúng”.
Cơ sở Táo Hồng tiếp nhận trẻ từ cơ sở Táo Đỏ chuyển qua giữa buổi học
Lý giải vấn đề này, một cán bộ quản lý GD phân tích: “Cá nhân tôi nghĩ, việc họ giấu bớt trẻ có khả năng là để bớt khẩu phần ăn. Vì vậy, khi có kiểm tra, buộc lòng họ phải giấu trẻ cho phù hợp số thức ăn. Có lẽ họ nghĩ việc này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của trẻ, nhưng việc thiếu dinh dưỡng lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, trí thông minh của trẻ. Hơn nữa, việc chở trẻ đi giấu ngay trong giờ học rất dễ xảy ra những sự cố ngoài mong muốn”.
Thu tiền ăn 35.000đ, chi chưa đến một nửa
Các cơ sở MN cùng hệ thống này còn tự ý cắt xén tiền ăn, khẩu phần ăn và sữa của trẻ. Cụ thể, vào ngày 21/10, Phòng GD Q.5 phát hiện nhóm lớp Hươu Cao Cổ thu tiền ăn của trẻ 35.000 đồng nhưng chi mua thức ăn chỉ có 17.000 đồng. Đó chỉ là con số trên hóa đơn giấy tờ, khi kiểm tra thực tế thức ăn của trẻ thì số lượng thậm chí còn không đúng như trên hóa đơn.
Cơ sở này còn “quên” cho trẻ uống sữa và ăn chuối buổi trưa như trong thực đơn. Đáng nói, họ còn cắt xén khẩu phần ăn của trẻ, chỉ “kê chợ” (mua thức ăn) cho 57 trẻ, trong khi có đến 98 trẻ ăn hôm đó.
Chưa hết, lớp mẫu giáo này chưa trang bị đủ cơ sở vật chất, điều kiện an toàn cho trẻ như chưa trang bị đủ bàn ghế ngồi ăn, chăn gối ngủ trưa, thiết bị đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí chưa đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ trong việc nấu ăn, không lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Khu vực bếp ăn để đồ hóa chất, nồi nấu, vật dụng không đảm bảo vệ sinh; nhiều trẻ đang nằm trên nền nhà ngủ; giáo viên còn tổ chức dạy tiếng Hoa và chữ Việt trong giờ hoạt động của trẻ.
Chưa hết, khi được cấp phép, nhóm Hươu Cao Cổ chỉ có ba lớp học nhưng hiện nay đã tự ý mở thêm ba lớp nữa tại lầu 2 và 3. Trao đổi với chúng tôi, bà Hương cho biết, Phòng GD Q.5 đã gửi hồ sơ và các biên bản vi phạm của nhóm lớp Hươu Cao Cổ qua Phòng Tư pháp để tham mưu UBND Q.5 ra quyết định xử phạt; nếu sau khi xử phạt, trường vẫn không chấp hành đúng quy định, sẽ xem xét ngừng hoạt động.
Giáo viên cơ sở Táo Đỏ chuyển trẻ qua cơ sở Táo Hồng để "trốn" đoàn kiểm tra.
Trường MN Táo Đỏ cũng kê thực đơn cho trẻ uống sữa nhưng lại… quên cho uống. Để qua mắt cơ quan quản lý, trường chuẩn bị hóa đơn giao hàng có sữa cho trẻ nhưng thực tế, hiệu trưởng đã thừa nhận những đứa trẻ học tại đây không được uống sữa.
Các số lượng thịt, trứng trong hóa đơn đều vênh với thức ăn thực tế cho trẻ ăn. Trong ngày 20/12/2016, trường có 134 trẻ nhưng chỉ được mua 71 quả trứng, số trứng này được “hô biến” thành 100 quả vào giấy tờ, sổ sách; nồi canh nấu thịt nhưng nước nhiều, thực phẩm ít.
Những đứa trẻ học tại đây còn phải ăn với một khẩu phần bị cắt xén, vì số trẻ có mặt để ăn nhiều hơn số trẻ trong danh sách 26 bé... Bà Châu Lệ Lệ thừa nhận: “Tôi đã bị phòng GD Q.11 mời làm việc, yêu cầu tìm hướng khắc phục, sẽ bồi hoàn số tiền bị cắt xén này cho phụ huynh. Tính từ tháng 10/2016 đến nay, chỉ riêng cơ sở Táo Đỏ, tôi ước lượng bồi hoàn khoảng 70 triệu đồng bằng cách trả lại sữa cho trẻ đem về”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Việt Liên, quyền Trưởng phòng GD MN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, do tính chất nghiêm trọng của sai phạm trong thu chi tiền ăn của trẻ nên vụ việc đã được chuyển sang phòng thanh tra của Sở để tiếp tục xử lý.
Tác giả bài viết: Tiêu Hà
Nguồn tin: