Người thầy của hàng nghìn nhà quản trị doanh nghiệp

Không chỉ dày dạn kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, giảng viên Đoàn Hữu Cảnh còn là cố vấn đắc lực cho nhiều CEO các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Đến nhiều giảng đường truyền đạt tri thức, thầy Cảnh coi việc dạy học là một sở thích, đi giảng là làm những cái mình thích. Chưa từng có ý định theo nghề giáo nhưng với ông, công việc này lại tự đến như một cái duyên.

Yêu thích và chọn học ngành tiền tệ ngân hàng, chàng sinh viên Đoàn Hữu Cảnh năm nào tự tìm cho mình phương pháp học riêng, không tốn quá nhiều thời gian nhưng vẫn hiệu quả. Năm 2000, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh, thầy Cảnh được giữ lại trường làm giảng viên, bắt đầu hành trình chia sẻ kiến thức.

Khi nghiên cứu tài liệu nước ngoài, thầy Cảnh nhận ra ngành tài chính ở các nước phát triển rất đơn giản, thú vị nhưng không hiểu sao đây lại là một môn khô khan, khó nhằn với nhiều sinh viên Việt Nam. Ông quyết định theo nghề giáo với mong muốn truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất tới các bạn học viên. Ông cho biết lượng kiến thức mình có được hiện nay chỉ có 20% từ trường lớp, 30% tự đọc và nghiên cứu, còn lại 50% tích lũy trong quá trình đi giảng, tức là học lại từ chính các doanh nghiệp.

 

Không chỉ có những bài giảng thu hút, thầy Cảnh còn hát hay, chơi giỏi nhiều nhạc cụ.
 

Hơn 15 năm theo nghề dạy, thầy Cảnh quan niệm mỗi buổi học phải là một câu chuyện khác nhau, phù hợp với từng đối tượng học viên và mong muốn của họ. Thầy dành nhiều tâm huyết cho các bài giảng từ việc xác định đối tượng học là ai, họ cần gì. Những slide trình chiếu có thể giống nhau nhưng phương pháp, nội dung phải khác nhau hoàn toàn.

"Giảng theo đối tượng, xác định mục tiêu họ cần là gì để hướng bài giảng và phương pháp theo nhu cầu của học viên là những điều tôi luôn chú trọng mỗi lần đứng lớp", thầy Cảnh nhấn mạnh.

Điển hình, với bài giảng về tài chính doanh nghiệp, thầy Cảnh sẽ tìm hiểu tất cả thông tin về tình hình tài chính sau đó biến chúng thành những tình huống thực tế để học viên xử lý. Đi từ chính những vấn đề còn tồn tại trong doanh nghiệp, ông sẽ chỉ ra mối liên quan đến lý thuyết để học viên hiểu sâu, đồng thời dễ dàng áp dụng vào công việc thực tế. 

"Tùy từng đối tượng học, phương pháp giảng dạy sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các bài giảng đều là những bài học thực tế, đơn giản từ chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, được chia thành những tình huống nhỏ để học viên có thể giải quyết tận gốc ngay cả vấn đề đơn giản nhất. Tâm huyết cũng như phương châm giảng dạy của tôi là 'Doanh nghiệp, học viên phát tài thì chúng tôi phát triển' và mang lại giá trị xác thực cho các doanh nghiệp, học viên", thầy Cảnh chia sẻ.

Nhiều người cho rằng, những môn học về tài chính khô khan, khó học nhưng các bài giảng của thầy Cảnh đều là những câu chuyện mới mẻ, thú vị, hấp dẫn học viên. Ông chủ yếu sử dụng tài liệu nước ngoài, đặc biệt là Mỹ vì tính thực dụng, đơn giản, dễ hiểu, hướng người học đạt được mục tiêu, ứng dụng được ngay trong thực tế.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ được thầy sử dụng khá đơn giản, sát nghĩa để ngay cả học viên không đúng chuyên ngành tài chính hoặc người bình thường, không làm doanh nghiệp vẫn có thể nắm bắt. Gắn lý thuyết với thực hành, các bài giảng đều lấy thông tin doanh nghiệp, báo cáo tài chính, dữ liệu thực tế để áp dụng.

Thầy Đoàn Hữu Cảnh cho biết trong các bài giảng, ông luôn lắng nghe học viên, tạo điều kiện để họ trao đổi thoải mái. Nhiệm vụ của học viên chỉ là nghe, hiểu, hỏi. Ngoài ra, ngôn ngữ hình thể cũng rất quan trọng, giọng nói cần lúc to, lúc nhỏ để học viên không cảm thấy nhàm chán, buồn ngủ.

Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, thầy Cảnh tiếp xúc với hàng nghìn CEO của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng như nhiều thế hệ học viên từ Bắc tới Nam. Không chỉ là người thầy, ông còn là cố vấn đắc lực cho học viên sau mỗi giờ giảng.

Hiện, thầy Cảnh là giảng viên được nhiều học viên của các chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh MBA, MiniMBA, quản trị tài chính FMF tại Viện Quản trị kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT yêu thích. Thầy luôn nỗ lực đáp ứng tất cả những giờ giảng về quản trị tài chính doanh nghiệp của trường. 

Với 66 buổi giảng, điểm đánh giá trung bình 4,48 trên 5 cùng nhiều phản hồi tích cực về phương pháp, sự hỗ trợ trong và sau đào tạo, ông vừa nhận giải "Best Professor" - giảng viên có điểm đánh giá và thời lượng giảng cao nhất năm 2016 trong lễ tri ân do FSB tổ chức. Đây cũng là năm thứ 2 ông nhận giải thưởng này. 

 

Là giảng viên của chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh MBA, thầy Cảnh vừa nhận giải "Best Professor" - giảng viên có điểm đánh giá và thời lượng giảng cao nhất năm 2016.
 

"Giải thưởng là động lực thúc đẩy tôi gắn bó với nghề truyền đạt kiến thức. Nếu năm trước là sự bất ngờ thì giải thưởng năm nay lại ghi nhận sự cố gắng, luôn mong muốn thay đổi của tôi để mang đến cho học viên những kiến thức bổ ích", thầy Cảnh chia sẻ.

Hơn 5 năm làm việc tại FSB, thầy Cảnh đánh giá đây là môi trường đào tạo chuyên nghiệp để các học viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Đa phần các học viên ở đây đều là những người cầu tiến, cần kiến thức thực sự và mong muốn áp dụng trong chính doanh nghiệp của mình. Ngoài những bài giảng của chuyên gia, học viên còn được gặp gỡ nhiều CEO của tập đoàn lớn và học hỏi bài học thực tế từ chính các doanh nghiệp này.

Tác giả bài viết: Huệ Chi

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nguoi-thay-cua-hang-nghin-nha-quan-tri-doanh-nghiep-a30290.html