Anh Lê Thái - một phụ huynh học sinh (HS) lớp 2; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho hay khác với trước đây, HS chỉ cần một bộ sách giáo khoa (SGK) theo từng lớp để học thì nay, HS có rất nhiều sách, như SGK, sách bài tập. Nhiều phụ huynh cũng không phân biệt được sách nào bắt buộc, sách nào chỉ dùng để tham khảo.
Khổ vì các loại sách
Anh Thái cho biết mỗi môn học đều kèm theo sách bài tập, như vở bài tập toán 1, 2; vở bài tập tiếng Việt 1, 2; vở bài tập tự nhiên và xã hội, vở bài tập đạo đức, vở luyện viết… Điều đáng nói là những cuốn sách này được thiết kế theo hình thức để HS có thể viết hoặc làm bài tập luôn. Nếu như trước đây, HS phải chép sang một cuốn vở khác để làm thì nay làm bài ngay trong sách. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), HS từ lớp 1 đến lớp 3 chỉ có 6 cuốn sách bắt buộc, lớp 4 và 5 có 9 cuốn sách bắt buộc. Quy định này hoàn toàn không yêu cầu mua sách bài tập.
Phụ huynh hiện phải mua nhiều sách - đặc biệt là sách tiếng Anh - bổ trợ, bài tập đi kèm Ảnh: TẤN THẠNH
Mới đây, nhiều phụ huynh HS lớp 7 tại quận 3, TP HCM ngỡ ngàng khi nhà trường thông báo thay bộ SGK tiếng Anh. Theo một phụ huynh, chương trình bậc THCS đã có SGK theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, những HS học tăng cường tiếng Anh với ngoại ngữ 4 (tiếng Đức hoặc tiếng Pháp) thì không học sách này mà có giáo trình riêng, đó là bộ “Solution grade”. Sách này do Công ty Đại Trường Phát độc quyền phát hành, giá gần 300.000 đồng/bộ, dành cho 2 lớp 6 và 7. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học này, Công ty Đại Trường Phát thông báo giáo trình “Solution grade” hết hiệu lực, hết bản quyền, phải chuyển sang giáo trình “Access grade”!
HS mua bộ giáo trình năm trước đáng lẽ học trong vòng 2 năm, nay lại phải mua giáo trình mới với giá 280.000 đồng/bộ. Nhiều phụ huynh bức xúc vì không những sách tiếng Anh quá đắt mà lý do vì sao thay đổi, nhà trường cũng không giải thích rõ ràng.
Chương trình càng thêm nặng
Theo nhiều phụ huynh, việc phát hành sách bài tập đi kèm bên cạch khía cạnh tích cực - HS đỡ tốn thời gian chép lại bài - thì lại tạo thành thói quen “ăn sẵn” cho các em.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng do trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày nên khuyến khích HS mua thêm sách bài tập để giảm bớt thời gian chép lại các bài tập cần thực hành. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn cho HS, phụ huynh các loại bút, mực có thể viết vào sách.
Một vị phụ trách giáo dục tiểu học ở một phòng GD-ĐT cho biết các trường tự thống nhất với phụ huynh có mua sách bài tập hay không vì sách này là tự nguyện. Riêng quan điểm của phòng là với HS tiểu học, việc làm bài tập trong SGK là đủ. Cần phải cá thể hóa việc học, HS cần có thời gian để ở nhà học những môn mình thích.
Theo vị này, thay vì thiết kế sách bài tập, các nhà xuất bản nên nghiên cứu để có những cuốn sách ngoại khóa, sách kỹ năng cho HS. “Việc đưa sách bài tập vào chương trình sẽ làm nặng nề thêm việc học và gây lãng phí lớn nếu không sử dụng chúng” - ông băn khoăn.
Không quý trọng sách, vở Theo một chuyên gia giáo dục, phụ huynh có tâm lý sợ con thua kém bạn bè nên cứ có sách gì là mua hết mà hiệu quả thật sự đến đâu cũng không biết. Việc giảm tải bằng cách làm sách mẫu và HS điền vào như hiện nay khiến các em không cảm thấy quý trọng sách. Mỗi cuốn sách giống cuốn vở nên cũng khó có thể khuyến khích các em đọc sách. |
Tác giả bài viết: Đặng Trinh
Nguồn tin: