Chị V., một phụ huynh có con học lớp 1 ở Trường tiểu học Cam Hiệp Bắc (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) phản ánh, vừa qua bước vào năm học mới, nhà trường thông báo các khoản thu đầu năm, với mỗi em hơn 914.000 đồng. Trong đó, có một số khoản mà phụ huynh cho rằng thu “vượt mức”, không hài lòng. Cụ thể, tiền “nước uống” 30.000 đồng/em; “sổ theo dõi rèn luyện Nhi Đồng” 9.000 đồng/em; “Quỹ hội” 40.000 đồng/em và tiền “đóng góp quỹ xã hội hóa” 120.000 đồng/em. Chị V. cho rằng, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì tiền “Quỹ hội” là không thu; còn tiền “sổ theo dõi rèn luyện Nhi Đồng” thì có thông báo của Phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm là 4.500 đồng/quyển.
“Còn tiền nước thì thu quá mức, mỗi em 30.000 đồng thì để tắm hay sao? Các trường tiểu học khác ở gần đây thì tiền nước chỉ thu mỗi em 10.000 đồng, còn trường cấp 2 ở trong xã này chỉ thu 17.000 đồng/em”, chị V. bức xúc nói.
Trường tiểu học Cam Hiệp Bắc (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa)
Trả lời bức xúc của phụ huynh, cô Đỗ Ái Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc, cho rằng: Về tiền Quỹ hội, Thông tư 55 không phải không cho thu mà yêu cầu thu “trên tinh thần tự nguyện” từ Chi hội lớp lên Chi hội trường. “Không có một Thông tư nào mới ra đời quy định năm nay không thu, mà bao nhiêu năm nay người ta đã làm theo Thông tư 55”, cô Hằng giải thích.
Về “sổ theo dõi rèn luyện Nhi đồng”, cô Hằng cho rằng, trước mắt chưa biết giá bao nhiêu nên nhà trường thu 9.000 đồng/em. “Tới giờ phút này chưa biết giá cả bao nhiêu, không có quy định nào là 4.500 đồng cả. Đầu năm nhà trường thu 9.000 đồng, sau này khi quyết toán còn dư thì trả lại”.
Nói về tiền nước uống, phụ huynh cho rằng cao hơn các trường khác, cô Hằng cho hay do các trường đó chỉ học một buổi, còn Trường tiểu học Cam Hiệp Bắc thu 30.000 đồng/em vì học sinh học cả ngày. “30.000 đồng tiền nước là vừa đủ học sinh uống trong một năm. Đầu tuần là bảo vệ khiêng 3 bình cho một lớp, khi nào hết thì gọi bảo vệ mang lên”, cô Hằng nói.
Về tiền “xã hội hóa”, cô Hằng cho rằng nhà trường đã “làm đúng quy trình”. Cụ thể, nhà trường xây dựng kế hoạch rồi trình Phòng GD-ĐT, UBND xã phê duyệt; Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh cùng ký. Cô Hằng cho hay, tiền xã hội hóa, bao gồm nhiều khoản như: nước sinh hoạt, giấy vệ sinh, nước tẩy bồn cầu; mái nhà để xe, mái che đường ra nhà vệ sinh; sách tham khảo… Theo cô hiệu trưởng, nhà trường dự trù kinh phí xã hội hóa là hơn 32 triệu đồng.
“Như học sinh nông thôn này nếu nói tinh thần tự nguyện xã hội hóa, ai có tiền thì đóng, ai không có tiền không đóng thì người ta sẽ không đóng. Nên với học sinh nông thôn, phụ huynh học sinh thống nhất là chia đều”, cô Hằng phân trần. Theo cô hiệu trưởng, khi họp thì phụ huynh các lớp thống nhất 100% về các khoản, chỉ có một lớp là 10% phụ huynh “không có ý kiến”.
“Sau khi có chủ trương, Phòng GD-ĐT phê duyệt thì chúng tôi họp phụ huynh ngày 31/8 thống nhất mức thu. Sau đó đến 10/9, chúng tôi mới triển khai thu. Qua thời gian đó không ai có ý kiến gì”, cô Hằng thắc mắc. “Chúng tôi vẫn chỉ đạo bộ phận thu nếu có ai nói tiền xã hội hóa nhiều quá thì nói đóng bao nhiêu thì đóng, chứ không ép buộc”, cô Hằng nói thêm.
Thông báo thu đầu năm đối với khối lớp 1 - Trường tiểu học Cam Hiệp Bắc mà phụ huynh cung cấp
Liên quan đến những “nhùng nhằng” nói trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Hữu Quỳnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm, nhấn mạnh, khi việc thu đầu năm của trường có dư luận thì: “Phía trường cũng cần xem lại công tác vận động như thế nào?”. Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm cho rằng, “cái chưa đúng” của nhà trường là cách thể hiện văn bản về các khoản thu, lẽ ra với các khoản thu “tự nguyện” như: Quỹ hội, Quỹ xã hội hóa thì không nên “niêm yết” số tiền, còn tất cả các khoản khác phải ghi rõ là “thu hộ”. Tại buổi làm việc, một cán bộ Phòng này khẳng định “sổ theo dõi rèn luyện Nhi Đồng” là 4.500 đồng/quyển.
“Tiền xã hội hóa nếu phụ huynh nào khó khăn không đóng cũng được nhưng mà không ai đóng hết thì nhà trường sẽ không làm được việc, con em sẽ không được hưởng những cái đó. Xã hội hóa là tùy theo trường, trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng chỉ để phục vụ học sinh”, ông Quỳnh tâm sự.
Theo ông Quỳnh, Trường tiểu học Cam Hiệp Bắc là “trường nhỏ”, trong khi ngân sách thì phân bổ theo đầu học sinh. “Trường càng lớn thì xã hội hóa càng nhỏ vì đông học sinh nên mỗi người một ít”, ông Quỳnh chia sẻ. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm cũng khẳng định, với các khoản “thu hộ” như tiền nước… nếu cuối năm dùng không hết thì nhà trường sẽ trả lại.
Tác giả bài viết: Viết Hảo
Nguồn tin:
Link nội dung: https://haiphong24h.org/phu-huynh-to-truong-thu-vuot-muc-truong-bao-dung-quy-trinh-a31034.html