►Nhóm nữ sinh hẹn đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook
Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt với học sinh nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 8, mạng xã hội lan truyền clip nhóm 3 cô gái đánh hội đồng, lột áo nữ sinh lớp 10 ở thị xã Sầm Sơn vì mâu thuẫn nhỏ. Trung tuần tháng 9, cư dân mạng lại dậy sóng về clip ghi hình ảnh nhóm nữ sinh Thanh Hóa dùng gậy đánh, chửi bới một nam sinh....
Mới đây, ngày 23/9, cư dân mạng xôn xao về clip quay cảnh nhóm nữ sinh hai trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa mâu thuẫn trên Facebook, hẹn nói chuyện rồi lao vào đánh nhau.
Trao đổi với Zing.vn sáng 30/9, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Pháp chế và Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - nói ông cảm thấy buồn vì sở đã có động thái quyết liệt, nhưng những vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng pháp chế và công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Dương.
- Nguyên nhân chính của các vụ học sinh đánh nhau gần đây là gì?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng thường là xích mích, mâu thuẫn lứa tuổi học trò; quan điểm sống của các em chưa chín chắn.
Thứ hai, sự phát triển của mạng Internet có ảnh hưởng xấu như phim hành động, trò chơi bạo lực không thể kiểm soát hết.
Thứ ba, một số nhà trường chưa thực sự quan tâm công tác giáo dục lối sống cho học sinh.
Thứ tư, mối liên kết giữa nhà trường, xã hội chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình chưa thật sự quan tâm con cái.
- Tại sao các vụ bạo lực gần đây lại do nữ sinh gây ra, chứ không phải học sinh nam?
- Hiện nay, nhận định về giới, nữ sinh phát triển sớm hơn nam sinh. Vấn đề nảy sinh tình cảm khác giới, các bạn nữ cũng sớm hơn. Các em cũng chịu sự tác động của truyền thông.
Những vụ đánh ghen, ẩu đả liên quan tình cảm của người lớn được tung lên mạng dễ khiến các em học theo. Vì thế, nhiều nữ sinh hung hãn, quyết liệt khi bị đụng đến quyền riêng tư.
Hai nữ sinh THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa hẹn đánh nhau ngày 23/9
vì mâu thuẫn trên Facebook. Ảnh: Cắt từ clip.
- Sau khi xảy ra các vụ ẩu đả, vì sao một số trường ngại cung cấp thông tin cho báo chí, không báo cáo vụ việc kịp thời lên cấp trên?
- Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường có tình trạng bạo lực học đường phải cáo để có phương án giải quyết. Thế nhưng, một số trường lại che giấu vì sợ tai tiếng và cho rằng đó là vụ việc nhỏ, chưa đến mức phải báo cáo.
Vấn đề này, sở đang chấn chỉnh các trường.
- Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có những giải pháp gì để phòng chống tình trạng bạo lực học đường tái diễn?
- Chúng tôi đã yêu cầu các trường thực sự quan tâm công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Trong giờ sinh hoạt dưới cờ, các tiết sinh hoạt lớp, tiết học bộ môn Giáo dục công dân, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai những nội dung giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành kỷ cương, nề nếp...
Các trường cần theo dõi sát học sinh thuộc diện cá biệt; thông báo cho các cấp ngành phối hợp giáo dục, quản lý để kịp thời ngăn chặn, tránh để xảy ra những vi phạm và bạo lực học đường.
Sở cũng yêu cầu các trường khi phát hiện có trường hợp học sinh đánh nhau phải phối hợp cơ quan chức năng kịp thời xử lý và báo cáo cơ quan quản lý; không được che giấu...
Tác giả bài viết: Nguyễn Dương thực hiện
Nguồn tin: