Đề án hơn 9.000 tỷ: "Con tôi học vậy có dùng được ngoại ngữ không"?

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi kể, có một câu hỏi của phụ huynh khiến các giáo viên thường né tránh "Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được ngoại ngữ không?". Để thúc đẩy mục tiêu thạo ngoại ngữ cho thanh niên Việt Nam, một đề án lớn với kinh phí 9.378 tỷ đồng đang được rốt ráo điều chỉnh.

Giáo viên chuẩn mà chưa "chuẩn"

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã đi được hơn nửa chặng nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu khá xa vời.

Trong các năm từ 2011 - 2015, số tiền đã chi là hơn 3.829 tỷ đồng (gồm 2.198 tỷ đồng được cấp từ ngân sách trung ương và 1.631 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của địa phương).

 

Một giờ học tiếng Anh ở Trường Marie - Curie (Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng


Cho đến năm 2015, tỷ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 23,6% (tiểu học đạt 53,3%, THCS đạt 10,2% và THPT chỉ đạt 1,3%).

Kết quả "đội sổ" của môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 cũng là một tham chiếu (điểm trung bình cả nước là 3.43; có 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình).

Đặc biệt, dù được đầu tư đáng kể để đào tạo và bồi dưỡng, nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố quyết định cho việc dạy học - so với chuẩn còn thấp.

Tại các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bạc Liêu…tỷ lệ đạt chuẩn mới từ 7 - 15%. Ở TP.HCM, tỷ lệ này gần 50%.

Kết thúc năm học 2015-2016, cả nước mới có 7.964 trong số 21.412 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, chiếm 37,19%; 12.388 trong số 33.741 giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn (chiếm 36,71%); 4.447 trong số 17.028 giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn (chiếm 26,12%).

Thậm chí, ngay cả khi "đạt chuẩn" thì thực tế còn có băn khoăn "chuẩn mà chưa chuẩn". Như tỉnh Quảng Ngãi hiện có 80% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng "chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không thì là câu hỏi lớn" - theo nhìn nhận của Phó Giám đốc sở.

Ông Trí nói vui, anh em vẫn đùa với nhau là "Đạt chuẩn một cách chưa chuẩn". Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của đề án ngoại ngữ từ nay đến năm 2020 diễn ra cuối tuần qua, ông Trí cảnh báo, nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, khả năng kết quả là  "bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn".

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế  cho rằng hiện tượng này xuất phát từ thực trạng phổ biến “hợp thức hóa trình độ giáo viên ngoại ngữ” trong nhiều năm qua. Nhiều đơn vị cấp chứng chỉ ngoại ngữ chưa đồng nhất trong đánh giá nên giáo viên có xu hướng tìm đến các cơ sở dễ dàng hoặc có biểu hiện không tích cực.

Rà chuẩn giáo viên "nội", nới lỏng chuẩn giáo viên "ngoại"

Bộ GD-ĐT đã xác định nhiệm vụ còn lại trong thời gian của đề án và định hướng dài hơi cho 10 - 20 năm sau tập trung vào 3 nhóm nội dung: bồi dưỡng giáo viên thực chất, xây dựng cơ sở học liệu bài bản và tạo ra hệ thống khảo thí quốc gia đảm bảo chất lượng.

Trong 2 tháng 9 và 10, các cơ sở giáo dục phải rà soát chuẩn trình độ ngoại ngữ của giáo viên, lên kế hoạch bồi dưỡng, gửi về Bộ GD-ĐT.

Ông Nguyễn Minh Trí góp ý, khi đã xây dựng được chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc thì phải bảo vệ, nếu không dễ rơi vào tình trạng "mình tự chấm điểm cho mình và chấm đạt chuẩn hết".

Còn ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng sắp tới khi bồi dưỡng giáo viên, nên chia các đối tượng đi học và không nhất thiết phải chi tiền để kêu gọi 100% giáo viên tham gia. Nên hướng đến những người vô cùng thiết tha với đổi mới (nếu xét ở góc độ phát triển học thì họ là những người có từ 5-10 năm thâm niên) và nhóm thứ hai là là những người muốn đổi mới nhưng chưa biết cách thức cụ thể như thế nào.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị đề án 2020 cần tập trung vào làm thật tốt khâu giáo viên theo hướng thiếu thì đào tạo thêm, yếu thì bồi dưỡng.

"Còn thầy cô nào yếu quá không phù hợp thì tạm thời chuyển làm công tác khác, tránh tình trạng đứng lớp mà không chuẩn, thậm chí xa chuẩn, ảnh hưởng đến lớn đến việc học ngoại ngữ nền tảng của các học sinh".

Việc đào tạo lại cũng sẽ được tiến hành khác với cách thức "tập huấn" truyền thống, trong đó tăng cường đào tạo trực tuyến. Chẳng hạn, để đạt được chuẩn giáo viên cần học 300 giờ, trong đó sẽ có 50 giờ học tương tác trực tiếp, số giờ còn lại có thể học online.

Cùng với việc nâng chất giáo viên trong nước, Bộ GD-ĐT xác định "mở cửa" hơn với đội ngũ giảng viên nước ngoài, thu hút tình nguyện viên quốc tế tới giảng dạy. Theo đó, các "chuẩn" đối với giảng viên nước ngoài sẽ được nới lỏng hơn.

Chọn sách giáo khoa nước ngoài, nhập khẩu chương trình quốc tế
Ở góc độ vĩ mô, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tới 2 giải pháp quan trọng khác là củng cố cơ sở học liệu bài bản và xây dựng hệ thống khảo thí đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Giáo dục cho biết, tránh tình trạng "tự biên tự diễn" không cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn bộ sách giáo khoa tiếng Anh chất lượng của một nước tiên tiến rồi chỉnh sửa cho phù hợp, thống nhất đưa vào chương trình giảng dạy 10 năm.

Đối với các trường ĐH, CĐ thì khuyến khích dùng trực tiếp giáo trình các môn khoa học, kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường học liệu hỗ trợ như các video clip để hỗ trợ việc học mọi lúc, mọi nơi.

Liên quan tới chuyện sách giáo khoa, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nhắc nhở: "Chúng ta đang thực hiện lộ trình viết bộ SGK mới, vì vậy làm sách cần đảm bảo liên thông, tránh lãng phí.

Đề xuất tiêu chuẩn đầu vào ngoại ngữ khi tuyển sinh

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra sáng 17/9, đại diện các sở GD-ĐT và các trường đại học cho rằng một trong những lý do khiến việc học ngoại ngữ chưa như kỳ vọng là do mục tiêu của người học không rõ ràng. Để tạo động lực, các đại biểu đã đề xuất nên áp dụng điều kiện đầu vào trong khi tuyển sinh.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng cần quy định ngoại ngữ là môn bắt buộc khi tuyển sinh đầu vào ở các trường đại học. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sắp tới đây yêu cầu đối với bậc học thạc sĩ, tiến sĩ cũng sẽ điều chỉnh theo hướng không để thí sinh "nợ" đầu vào ngoại ngữ nữa mà phải đạt tới trình độ sử dụng được cho việc học chuyên ngành.

Đề án 2020 chỉ là "cú hích"

Đề án ngoại ngữ 2020 xác định xây dựng chương trình 10 năm cho các môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, trong đó, năm học này đã thí điểm dạy tiếng Nhật như ngôn ngữ thứ nhất từ lớp 3, tiếng Hàn như ngôn ngữ 2 từ lớp 6. Các tiếng Nga, Trung Quốc cũng sẽ được thí điểm từ năm sau.

Riêng với tiếng Anh, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 sẽ phổ cập trong trường phổ thông. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quan niệm: "Nếu bây giờ không đặt ra lộ trình xây dựng tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được. Ở Singapore, từ khi Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành "ngôn ngữ thứ 2", phải mất gần 40 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh".

Nhìn nhận tổng thể, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, trong giai đoạn còn lại của đề án, mục tiêu và phương thức thực hiện sẽ cần tính thực tế hơn. Cũng không nên xem đề án 2020 sẽ giải quyết được mọi tham vọng về thành thạo ngoại ngữ, mà chỉ là cú hích để toàn dân có động lực học ngoại ngữ tích cực hơn. Nguồn ngân sách Nhà nước sẽ đóng ở những nhiệm vụ trọng tâm, phần còn lại cần huy động từ xã hội.

Tác giả bài viết: Hạ Anh - Thanh Hùng

Link nội dung: https://haiphong24h.org/de-an-hon-9000-ty-con-toi-hoc-vay-co-dung-duoc-ngoai-ngu-khong-a31335.html