PGS nói về đề xuất dạy chữ Hán: "Sao bắt con em ta học tử ngữ?"

"Việc đề xuất dạy chữ Hán là thiếu căn cứ khoa học, sẽ gây tác hại khôn lường cho nhiều thế hệ, không chỉ gây ra tổn hại kinh tế mà còn đè lên vai trẻ gánh nặng quá sức chịu đựng".


img 4751 1472740947443 51 0 392 670 crop 1472740975791
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt.

"Thiếu căn cứ khoa học"

Xung quanh ý kiến về việc có cần dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông hay không, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH QGHN).

PV: Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phổ thông phải học chữ Hán. Do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy sớm cho học sinh. Cá nhân PGS có đánh giá như thế nào về ý kiến này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi rất kính trọng những người giỏi, am hiểu chữ Hán, chữ Hán Nôm nhưng tôi không đồng tình với ý kiến trên.

Trước hết, chúng ta muốn dạy cho con em chữ gì thì phải xem mục đích của việc dạy nó để làm gì? Rất nhiều người có sự nhầm lẫn đáng tiếc, cứ cho rằng, dạy tiếng Hán là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng tôi cho rằng, đó là sai lầm.

Bởi họ chưa hiểu được bản chất của vấn đề. Đầu tiên, ta phải hiểu, chữ Hán là chữ của dân tộc nào, của ngôn ngữ nào? Và tại sao phải học chữ Hán mới dùng tiếng Việt được một cách trong sáng?

Chữ Hán vốn là chữ của dân tộc Hán chứ không phải là chữ của người Việt sáng tạo ra. Đây là loại chữ tượng hình, phức tạp và cho đến bây giờ, người Trung Quốc cũng không dạy chữ Hán văn ngôn mà dạy chữ Hán bạch thoại.

Có nghĩa là họ dùng loại chữ Hán giản thể, có cấu tạo đơn giản và dễ nhớ hơn chữ Hán ngày xưa. Vậy tại sao ta lại đặt vấn đề bắt con em ta phải học thứ chữ đã thành tử ngữ ấy? Thật quá vô lý!

Muốn phát triển thế hệ trẻ thì phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của họ, giúp họ có phương tiện tiếp xúc với thế giới. Học sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp… hoặc tiếng Trung hiện đại mới là nhu cầu cần thiết.

Chữ Hán có phải là sinh ngữ không? Xin thưa là không. Nó có phải là sản phẩm của tư duy người Việt không? Xin thưa là không.

 
anh32 1472741888627
Một buổi giảng dạy miễn phí chữ Hán Nôm của Giảng sư Lê Trung Kiên ở Hà Nội. Ảnh: Nhân dân.

Ai cũng biết rằng, trong lịch sử do chiến tranh, đô hộ, tiếp xúc văn hóa với phương Bắc mà ở Việt Nam, chữ Hán có một địa vị quan trọng trong việc lưu giữ các tài liệu cổ như văn bia, đình chùa, miếu mạo… Thậm chí ta còn có một nền văn học cổ được viết bằng văn tự Hán.

Thời phong kiến, trí thức Việt Nam được đào tạo theo kiểu giáo dục "văn chương cử tử" theo cách của người Trung Quốc, tức muốn làm quan lại, nho sĩ của thời đại phong kiến thì phải học chữ Hán.

Tuy nhiên, cách đây 7,8 thế kỷ, các bậc đại trí thức Việt Nam đã nhận ra mối hiểm họa lâu dài của dân tộc khi không có chữ viết riêng nên mới sáng tạo ra loại chữ của mình là chữ Nôm.

Theo các tài liệu nghiên cứu thì người có công đầu tiên là cụ Hàn Thuyên Nguyễn Sĩ Cố (thế kỷ XIII). Về sau chữ Nôm còn được phát triển đa dạng ở các vùng miền. Chữ Nôm ở miền Bắc khác chữ Nôm ở miền Nam…

Chẳng hạn cùng là chữ " Tay" có nơi lấy "bộ thủ" kết hợp với chữ "tây", có nơi lại kết hợp với chữ "tư"…thành ra, muốn biết chữ Nôm thì trước hết lại phải biết chữ Hán.

Chữ Nôm là sản phẩm của người Việt: dùng nguyên liệu chữ Hán để chế tác ra văn tự mới của mình theo qui luật ngôn ngữ của tiếng Việt. Vì thế, ngay cả người Trung Quốc cũng không đọc được chữ Nôm. Đó là một thực tế.

PV: Nếu học chữ Hán là sai lầm, vậy theo thầy, chúng ta nên dạy gì cho các em học sinh để giữ sự trong sáng của tiếng Việt?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Như tôi đã nói ở trên, chữ Hán là chữ của dân tộc khác, là của quá khứ. Hiểu biết nó chỉ có lợi trong nghiên cứu chứ không có lợi cho việc giao tiếp bằng tiếng Việt hiện đại.

Cá nhân tôi thấy có điều đáng bàn là để hiểu tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ta lại rất cần dạy từ Hán Việt cho học sinh. Chìa khóa ở chỗ này. Từ Hán Việt chứ không phải là chữ Hán mới là mục tiêu cần dạy cho học sinh.

Từ Hán Việt là gì? Là các từ có nguồn gốc từ tiếng Hán du nhập vào Việt Nam, nhưng được dùng theo cách của người Việt Nam từ cách phát âm, dùng nghĩa…

Đây là vốn từ ngữ phong phú góp phần làm nên sự giàu có, tinh tế của tiếng Việt. Nhưng dạy từ Hán Việt và dạy chữ Hán là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau mà đa số mọi người lầm lẫn trộn nó làm một.

Việc đề xuất dạy chữ Hán trong nhà trường là một hướng suy nghĩ thiếu căn cứ khoa học, sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường cho nhiều thế hệ bởi nó gây ra nhiều tổn hại kinh tế và đè lên vai trẻ thơ một gánh nặng quá sức chịu đựng.

Chưa kể, việc đề xuất dạy chữ Hán sẽ lại làm nảy sinh thêm một lượng lớn cán bộ, như giáo viên giảng dạy cho hàng chục ngàn trường phổ thông… Nó sẽ đè nặng lên ngân sách của Nhà nước trong khi không mang lại lợi ích phát triển kinh tế xã hội.

Đa phần bạn học chữ Hán Nôm viết tiếng Việt kém hơn học các ngoại ngữ khác

PV: Từ thực tế quá trình giảng dạy, tiếp xúc với những học trò học tiếng Hán Nôm, thầy có đánh giá như thế nào về năng lực của họ so với những người không học?

PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt: Thực tế qua 40 năm giảng dạy ở trường Đại học, tôi dạy rất nhiều thế hệ học sinh Hán Nôm thì thấy, cũng có những người rất giỏi nhưng đa phần các bạn học chữ Hán Nôm thì viết tiếng Việt thường kém hơn các bạn học các sinh ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp…

Thậm chí có giáo sư nổi tiếng ngành Hán Nôm viết một cuốn chuyên luận mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đọc xong phải viết một bài phê phán gọi là giáo sư không "rành" tiếng Việt đăng trên báo Người Hà Nội cách đây vài năm.

Trước đây, ở khoa Ngữ Văn của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ) có một thầy giỏi chữ Hán thuộc hạng nhất nhì nước mà ai cũng gọi là cây từ điển bởi thầy có thể giải nghĩa được tất cả các chữ Hán một cách làu làu, thông tuệ. Vốn chữ Hán của thầy không mấy ai sánh được.

Nhưng viết một văn bản tiếng Việt hiện đại thì thầy bối rối vô cùng, thậm chí diễn đạt còn sai nữa…Điều đó, chứng tỏ, học chữ Hán là một cản trở lớn đối với tư duy tiếng Việt hiện đại.

Nguyên nhân của việc này chính là do chữ Hán Nôm là chữ tượng hình, nhiều nét, nhiều chữ nên người học phải trầm ngâm, suy nghĩ, phải nhớ, phải học… mất rất nhiều thời gian trong khi tiếng Việt hiện đại - chữ Quốc ngữ lại giản tiện về nét viết nên thông thoáng, tư duy nhanh hơn nhiều.

PV: Có ý kiến cho rằng, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi nghĩ là đây là hai vấn đề khác nhau, cách đi của mỗi nước khác nhau và phải xem xét bởi đang có sự nhầm lẫn.

Người Việt dùng chữ Quốc ngữ là thứ văn tự được xây dựng theo hệ chữ cái La-tinh từ thế kỷ thứ 17, gọi là chữ viết ghi âm, nhưng người Hàn Quốc và người Nhật hiện nay vẫn dùng chữ khối vuông - loại chữ tượng hình.

Chữ khối vuông của Hàn và Nhật mượn nét của chữ Hán vẫn còn nhiều, thậm chí nhiều chữ vẫn để nguyên theo chữ Hán như hai chữ "Nhật Bản" chẳng hạn. Vì vậy, họ có yêu cầu phải biết bao nhiêu chữ để đọc văn bản hiện đại của họ.

Còn chữ chúng ta là chữ La – tinh chẳng có liên quan gì đến nét chữ của chữ Hán thì cần gì phải bắt con em ta nhớ hàng nghìn chữ để khổ ra và không có tích sự gì cả. So sánh như thế là râu ông nọ cắm cằm bà kia, ông chẳng bà chuộc chữ không phải là so sánh trên cơ sở khoa học.

Cũng cần nói thêm, ở Nhật hay Hàn Quốc họ phát triển đâu phải do chữ Hán, mà là do họ tiếp xúc sớm với văn minh phương Tây.

Nếu áp dụng theo cách Nhật Bản hay Hàn Quốc, ta có thể theo cách thế này: người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 từ Hán Việt, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 từ Hán Việt.

Nhất thiết, chúng ta không nên lấy con trẻ của mình ra làm cuộc thí nghiệm. Không cẩn thận, chính chúng ta sẽ dẫn con mình đến chỗ khốn đốn nếu học chữ Hán.

Trong tương lai, theo chiến lược của Nhà nước, chúng ta dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai giống như Singapore. Phấn đấu được như vậy là rất tốt. Nếu bắt học trò học thêm chữ Hán nữa thì có phải là quá nặng và rất quá sức với lớp trẻ không?

Còn nếu có dạy chữ Hán thì chỉ cũng nên dạy ở một số trường đại học trong một số chuyên ngành thôi. Hãy làm một thống kê thử xem, bao thế hệ sinh viên ngành Ngữ văn học chữ Hán suốt cả 3 - 4 năm nhưng đến nay số thực tế sử dụng được chữ Hán là mấy, thì sẽ rõ ngay.

Tôi cũng xin cung cấp thêm, khi tôi sang giảng dạy ở Trung Quốc thì PGS.TS Phùng Siêu, ở Bộ môn Việt ngữ học, trường ĐH Ngoại ngữ Thượng Hải cũng nói là người Trung Quốc từ năm 60 đã có nhiều Hội nghĩ bàn về cách La-tinh hóa chữ Hán nhưng không được.

Trong khi ta lại muốn làm ngược lại. Chả lẽ ta muốn quay ngược bánh xe lịch sử sao?

Tác giả bài viết: Hoàng Đan

Link nội dung: https://haiphong24h.org/pgs-noi-ve-de-xuat-day-chu-han-sao-bat-con-em-ta-hoc-tu-ngu-a31622.html