Giảng viên 20 năm 
phải học lại nghiệp vụ sư phạm

Câu chuyện khó tin của một giảng viên ĐH, đã giảng dạy được 20 năm, nhưng nay lại phải đi học về nghiệp vụ sư phạm vì một quy định của Bộ GD-ĐT.

Tranh: NOP


Tôi tốt nghiệp khoa ngoại ngữ ĐH Sư phạm Huế năm 1995, làm công tác giảng dạy tại ĐH Nông lâm TP.HCM sau khi lấy bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh năm 2004 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tôi đã vào ngạch giảng viên. Tính ra đến nay tôi giảng dạy ở đây cũng được 20 năm.

Vừa rồi tôi được nhà trường lên danh sách đi học nghiệp vụ sư phạm vì trong diện đủ điều kiện thời gian, bằng cấp để dự thi thăng hạng nghề nghiệp, từ giảng viên lên giảng viên chính. Tôi rất bất ngờ và nghĩ chắc có nhầm lẫn, vì không lý gì có bằng cử nhân sư phạm chính quy, thạc sĩ về phương pháp giảng dạy lại phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm?

Hỏi phòng tổ chức cán bộ nơi tôi công tác thì được trả lời “quy định của Bộ GD-ĐT”. Lên mạng tìm “quy định của Bộ GD-ĐT” thì đúng là có công văn số: 2102/BGDĐT-NGCBQLCSGD về việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), giảng viên chính (hạng II) năm 2016.

Trong công văn này, ngoài những điều kiện khác, để thăng hạng có khá nhiều mục, trong đó người muốn thăng hạng phải “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên”. Những tưởng quy định đó được áp dụng cho những đối tượng không tốt nghiệp từ trường ĐH sư phạm.

Nhưng xem tiếp mục hồ sơ đăng ký thì lại có “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên”. Như vậy phòng tổ chức cán bộ trường tôi đúng là đã làm theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hỏi thêm đồng nghiệp mới biết trường hợp của tôi không phải là cá biệt, đồng nghiệp tôi cũng tốt nghiệp ĐH sư phạm Huế, TP.HCM... nhưng tất cả đều phải đi học do “chưa thấy thông báo văn bằng, chứng chỉ thay thế”. Những đồng nghiệp lớn tuổi vốn đã là TS, PGS-TS... cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười, vì rất nhiều vị đi học cái mình đã và đang dạy.

Vậy là tôi đi học nghiệp vụ sư phạm, học những cái mà tôi đã mất 4 năm từ cơ bản đến lồng ghép chuyên sâu, học những kiến thức mà hơn 20 năm nay, hằng ngày tôi vẫn thực hành về tâm lý dạy học ĐH, lý luận dạy học, về giáo dục ĐH thế giới và Việt Nam...

Tôi không những phải tốn tiền (vì trường nơi tôi công tác chỉ hỗ trợ 75% học phí) mà còn tốn thời gian. Có cần thiết bắt chúng tôi phải lấy chứng chỉ đó không?

Để ý mới thấy thời gian gần đây trên Internet xuất hiện nhiều thông báo chiêu sinh lớp học “nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên ĐH - CĐ”. Chuyện đi học nghiệp vụ được rầm rộ bàn tán khắp các giảng đường, nơi có đơn vị muốn đăng ký cho giảng viên thăng hạng.

Chuyện vô lý này không những làm khổ giảng viên mà vô tình còn giúp cho nhiều nơi trục lợi vì mở lớp nghiệp vụ sư phạm tràn lan. Những chuyện bất hợp lý trong ngành chúng tôi bao giờ mới bỏ được?

 

Bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề nói trên, ông Nguyễn Hải Thập - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT - khẳng định: để trở thành giảng viên ĐH, CĐ thì người tốt nghiệp ĐH hay thạc sĩ, tiến sĩ đều bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Cụ thể, điều 77 Luật giáo dục năm 2005 (được sửa đổi năm 2009) quy định giáo viên từ cấp THCS, THPT đến giảng viên CĐ, ĐH, ngoài bằng tốt nghiệp chuyên môn ở các trình độ phù hợp còn bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Riêng cơ sở giáo dục muốn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải được Bộ GD-ĐT cho phép.

Ngoài ra, năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành thông tư về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH, hướng dẫn thực hiện chương trình đối với các đối tượng khác nhau: chưa qua đào tạo sư phạm và chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH; đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH, hay đang giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH.

Ông Thập lý giải theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục ĐH phải quán triệt quy định về việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trước khi được giao giảng dạy ĐH, CĐ.

Mỗi chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm có mục tiêu, nội dung đào tạo cụ thể cho mỗi đối tượng, trong mỗi khóa đào tạo, để sau khi tốt nghiệp làm công việc cụ thể, phù hợp với mục tiêu và nội dung của chương trình đã được đào tạo.

“Kể cả những người đã là giảng viên ĐH hoặc tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm cũng phải có chứng chỉ này, bởi lẽ mục tiêu, nội dung của chương trình đào tạo ĐH sư phạm mới là đào tạo giáo viên để dạy phổ thông, còn chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên nhằm bồi dưỡng cho đối tượng làm nhiệm vụ giảng dạy bậc ĐH trở lên, ở các chuyên ngành khác nhau” - ông Thập giải thích.

Theo ông Thập, bất cập hiện nay là “chỉ đến khi có kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì nhiều giảng viên mới vội vàng tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, dẫn đến tình trạng quá tải ở các lớp bồi dưỡng, gây bức xúc dư luận”.

Bộ GD- ĐT ghi nhận những ý kiến còn băn khoăn của các thầy cô giáo, và sẽ tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện những quy định hiện hành, hiệu quả của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để lên phương án trình Quốc hội sửa đổi Luật giáo dục, đưa vào kế hoạch ban hành Luật nhà giáo.

 

NGỌC HÀ

Tác giả bài viết: Lan Hoàng

Link nội dung: https://haiphong24h.org/giang-vien-20-nam-phai-hoc-lai-nghiep-vu-su-pham-a31942.html