Lễ khai giảng ở nhiều trược học chúng ta rất dễ thấy sự “lấn át” của các thể loại kính thưa. Nếu trường vinh dự đón lãnh đạo các cấp cao thì việc kính thưa, nhiệt liệt chúc mừng, hân hoan chào đón… có thể “ngốn” hết thời gian trong ngày lễ quan trọng của học trò. Mà ngay cả lễ khai giảng phổ biến nhất cũng dễ bị “ngộp thở” bởi… kính thưa.
Ban đầu người dẫn chương trình sẽ giới thiệu đại biểu tham dự. Nào là các cô chú đến từ quận, từ phường, rồi có thể đón các bác, các cô chú từ các ngành như công an, phụ nữ… Dàn đại biểu thuộc Ban đại diện cha mẹ học sinh rồi cả lãnh đạo nhà trường. Gần như bao nhiêu người ngồi ở khu vực khách mời thì đều được xướng tên, giới thiệu. Cứ sau tên, chức vụ, đơn vị công tác của một đại biểu là học sinh lại được vỗ tay chào đón.
Khai giảng là ngày mang nhiều ý nghĩa đối với thầy và trò
Nhỡ người dẫn chương trình lỡ sơ sót quên giới thiệu đại biểu nào đó hay tên đại biểu chưa có trong danh sách thì sẽ có người đưa giấy lên “nhắc nhở”. Kể cả khi buổi lễ đã chuyển sang một phần khác cũng có thể cắt ngang để… giới thiệu đại biểu bị bỏ sót.
Mà đâu chỉ giới thiệu một lần là xong. Khi lãnh đạo nhà trường hay mỗi khách mời lên phát biểu thì dàn đại biểu lại được gọi tên thêm lần nữa ở phần kính thư. “Kính thưa ông A, Chủ tịch UBND; kính thưa bà B, chủ tịch Hội phụ nữ; kính thưa anh C, trưởng ban đại diện phụ huynh; kính thưa bà D, hiệu trưởng nhà trường…”.
Sự góp mặt của đại biểu quan trọng đến độ, lễ khai giảng tại một trường THPT nọ, hàng ngàn học sinh ngồi chờ một vị quan khách đến muộn giờ. Có nhiều lớp, các em phải ngồi ngoài khu vực mái che, nắng chói chang. Lãnh đạo nhà trường thì tìm mọi cách trì hoãn giờ khai giảng để chờ… lãnh đạo đến phát biểu.
Cứ vậy người lớn chào đón, thưa đi thưa lại lẫn nhau. Sau phần kính thưa thường là các bài phát biểu dài lê thê.
Đến trường chúc mừng năm mới cho thầy và trò, nhiều khách mời còn soạn sẵn bài diễn văn dài nhiều trang giấy. Có người ngoài việc đọc bài soạn sẵn còn thêm cảm hứng tuôn thành lời để chia sẻ, có thể vòng từ chuyện quá khứ đến tương lai. Nếu bài phát biểu gần gũi, chạm đến tâm tư, trái tim học trò thì thật đáng trân quý nhưng hiếm lắm, bài nào cũng na ná nhau. Người lớn chúc nhau là chủ đạo.
Còn nhà trường mấy khi quên báo cáo thành tích năm học vừa rồi hoặc các năm năm trước nữa, báo cáo cơ sở vật chất. Nhiều trường còn tranh thủ “kể lể” với lãnh đạo, với hội phụ huynh về những khó khăn, thiếu thốn… trong năm học mới.
Nhà trường thì bị áp lực nếu mời khách đến mà không giới thiệu, không mời lên phát biểu là chưa xem trọng. Rồi người này thì lên phát biểu, người kia lại không thì là như là thiếu sót nên lễ khai giảng, học sinh được nghe đủ bài phát biểu. Thậm chí, các em ngồi dưới, vỗ tay rào rào mà không biết ai đang phát biểu và phát biểu về cái gì.
Học sinh ở TPHCM "trốn" ra ngoài tụ tập trong dịp khai giảng năm học trước.
Học sinh như bị tra tấn, nhiều em dự khai giảng mà ngồi dưới ngáp ngắn ngáp dài, lâu lâu lại vỗ tay để chúc mừng, để chào đón khách mời đại biểu. Trong khi, ngày này là ngày của các em, ngày mọi người chào đón các em chứ không phải các em chào đón quý vị đại biểu.
Niềm vui ngày khai giảng lâu nay đã không còn trọn vẹn với học trò khi giảng rồi mới khai. Học sinh tựu trường, nhập học trước gần cả tháng trời, như ở TPHCM các bậc học sẽ tựu trường từ ngày 15/8 và đồng loạt khai giảng sau đó 20 ngày. Trường đã quen, bạn đã cũ, mọi thứ đã chùng xuống thì các em bị “vực” dậy như thể thổi một quả bong bóng để tìm khí thế hân hoan chào đón năm học mới.
Đã vậy, người lớn còn hay “cả nể” với nhau, việc tổ chức máy móc, hình thức, phô trương làm “xén” ngày lễ của các em. Năm học mới đang về, hy vọng học sinh trong cả nước được đón một ngày khai giảng – tuy không còn đánh dấu ngày đầu của một năm học – nhưng vẫn giữ lại chút ít ý nghĩa cho kỷ niệm tuổi học trò. Đừng biến ánh mắt, nụ cười và cả những tràng pháo tay của các em thành sự vô cảm, vô hồn.
Tác giả bài viết: Hoài Nam