Thông qua một người quen có quan hệ khá rộng và thân thiết với nhiều cô giáo dạy lớp 1 tại một trường trọng điểm của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tôi đã xin được ba suất cho con mình và hai bé con của bạn vào một lớp luyện chữ trước khi vào lớp 1. Cô giáo rất tạo điều kiện cho các phụ huynh nên đã thuê một địa điểm gần trường mình đang dạy, bởi nhu cầu cho con luyện chữ của các phụ huynh sinh sống tại khu vực gần trường sẽ cao hơn những nơi khác. Căn phòng khoảng chừng 30m2 được kê san sát các dẫy bàn được làm bằng các thanh ván và ghế băng tận dụng lại của các năm học trước. Trước buổi học, các bé sẽ được cô cho xem phim hoạt hình để đỡ căng thẳng. Lớp được mở vào đầu tháng 6 với lịch học gắt gao, liên tục các ngày trong tuần với 3 tiếng mỗi buổi. Chỉ trong vòng vài ba ngày sau khi mở lớp, căn phòng được cải tạo thành lớp học đã đầy kín học sinh (khoảng gần 40 cháu). Tôi và nhiều phụ huynh không khỏi giật mình lo lắng về việc cô nhận nhiều học sinh như vậy thì sẽ dạy thế nào khi các con đang rất cần những sự uốn nắn kỹ lưỡng ngay từ những bước đầu tiên làm quen với chữ cái, học cách ngồi viết sao cho đúng tư thế.
Không ít cô giáo đã quên lớp 1 là chương trình dành cho trẻ chưa biết chữ. Ảnh: P.T
Với lịch học dầy đặc, các con được dạy tập viết các chữ, được làm toán, được dạy đọc chữ cái và ghép vần. Sau hai tuần học căng thẳng, dù về nhà, cháu nhà tôi cũng được bố mẹ rất quan tâm sửa tư thế ngồi học, cách cầm bút sao cho đúng. Nhưng chỉ cần tới lớp sớm và quan sát, hầu như các cháu ngồi sai tư thế, bút đưa đến đâu người ngả theo đến đấy. Hơn nữa, vì bàn ghế là bàn tận dụng, không đúng chuẩn theo quy định, ghế cao bàn thấp, ghế thấp bàn cao nên tình trạng các cháu bò ra bàn để viết là điều thường xảy ra, mà lớp thì đông quá nên cô không thể lúc nào cũng đi sửa cho từng cháu. Nhưng điều khiến tôi và nhiều phụ huynh của lớp không khỏi sốc trước câu hỏi sau 2 tuần học của cô giáo: Ở nhà các phụ huynh chưa hề dạy con bảng chữ cái và con số à?! Đến lớp, các con đều chưa biết gì?! Cô hỏi gì cũng chỉ lung tung”. Tôi thực sự hoang mang, bởi hơn ai hết, tôi là người nắm rõ các quy định của Bộ GD&ĐT về việc không nên dạy chữ trước cho trẻ. Ở trường mẫu giáo các con theo học, hầu hết đều chấp hành đúng theo quy định này, các con chỉ được làm quen với chữ cái và con số như một trò chơi thú vị chứ không phải là một sự học ép buộc. Ở nhà, nếu phụ huynh nào có can đảm dạy con thì cũng chỉ dám dạy những điều cơ bản về nền nếp học, về cách ngồi, cách cầm bút. Chứ đến cách phát âm bảng chữ cái sao cho đúng với quy định của lớp 1 rất nhiều phụ huynh còn lúng túng thì sao có thể thay nhà trường dạy được con. Mà có chưa biết gì thì mới cần tới sự dạy dỗ của cô giáo.
Điều đáng buồn và gây sốc hơn cả là ở chỗ, cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1 cũng là điều bần cùng bất đắc dĩ. Vì lo lắng khi con vào học chính thức, cháu sẽ không theo nổi các bạn đã biết đọc vèo vèo, viết chữ nhoay nhoáy và làm toán thoăn thoắt. Nhưng hóa ra, lo lắng không hề là thừa. Ở lớp luyện chữ trước khi vào lớp 1, các cô giáo còn đặt câu hỏi: Tại sao phụ huynh chưa dạy con trước ở nhà, thì đến khi vào năm học chính thức, sẽ có bao nhiêu cô giáo trông chờ vào việc các phụ huynh đã dạy chữ cho con trước hay chưa thay vì sẽ chuyên tâm vào dạy các cháu những nét chữ đầu tiên, những cách đọc đầu tiên, những phép toán đầu tiên.
Anh bạn tôi, vì quá lo lắng, nên đã xin cho con sang một lớp luyện chữ tại một trung tâm được quảng cáo trên mạng về các phương pháp khoa học được áp dụng để luyện chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ở đó, trang thiết bị và cơ sở vật chất tương đối tốt, các giáo viên cũng được quảng cáo là toàn giáo viên dạy giỏi, đương nhiên, học phí cũng khá cao. Nhưng, chỉ sau ba buổi tới lớp, con của anh đã cự tuyệt việc đến lớp, cháu kể, cô bắt viết và bắt đọc rất nhiều, nếu không đọc đúng, viết đúng, cô sẽ phạt khiến cháu sợ không muốn tới lớp. Có lẽ, chính các cô cũng bị áp lực khi kí cam kết với phụ huynh, sau khóa luyện chữ, con của các vị sẽ đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1 nếu không sẽ hoàn trả học phí, nên không ép không được.
Tình trạng của nhiều lớp 1 trong năm học mới vài năm trở lại đây không hiếm cảnh những em đã biết đọc, biết viết không còn hứng thú nghe cô dạy, lúc cô gợi mở tư duy không thèm nghe. Trong khi đó, những em không học trước dễ lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng, khi thấy các bạn đọc ào ào các em dễ khủng hoảng ngay từ những ngày đầu tiên đi học. Thậm chí, rất nhiều cô giáo có tư duy giống cô giáo đang luyện chữ cho con tôi, các con phải biết chữ trước khi đến gặp cô. Rồi cũng chính tổng kết năm lớp 1 của đội ngũ giáo viên (từ hiệu trưởng tới cô giáo chủ nhiệm): “Số các cháu chưa từng học gì cả trước khi vào lớp 1 khiến chúng tôi khá vất vả” khiến các vị phụ huynh dù có hoang mang lo lắng, tốn kém vẫn phải cố gắng chạy khắp nơi tìm lớp luyện chữ cho con. Phía Sở GD&ĐT Hà Nội khi kết luận việc kiểm tra, xử lý kỷ luật giáo viên ở một trường tiểu học dạy sai quy định khiến những học sinh chưa được đến lò học trước không theo kịp chương trình, cũng cho rằng, do phần đông cha mẹ cho con học trước nên đã xảy ra tình trạng giáo viên lớp 1 dạy không đúng phân phối chương trình, không dạy kỹ theo yêu cầu vì nghĩ rằng học sinh đã biết rồi.
Nhưng lỗi đâu chỉ ở phía phụ huynh, mà cả ngành giáo dục và các cô giáo cũng phải xác định rõ rằng: “Chương trình lớp 1 là dành cho trẻ chưa biết chữ”.
Tác giả bài viết: Xuân Thanh