Vì sao cháu Phó Thủ tướng không làm cơ quan nhà nước?

Nhà khoa học trẻ Phạm Gia Vinh từng làm chấn động dư luận và giới khoa học Việt khi thiết bị bay tự chế đã bay thành công vào vùng cận vũ trụ ở độ cao 23km. Người cháu họ của nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã lựa chọn về Việt Nam làm việc sau nhiều năm học tập tại nước ngoài tuy nhiên lại không muốn làm trong cơ quan nhà nước.

Điều chưa biết về nhà khoa học 8x với ý tưởng "điên rồ"
 

Clip 1: Gia Vinh nói lý do không làm ở cơ quan nhà nước.
 


Clip 2: Gia Vinh chia sẻ về máy bay mô hình và những dự định táo bạo.
 


Xem toàn bộ chương trình về nhà khoa học Phạm Gia Vinh.

Nhà báo Hà Sơn: 7 năm học điều khiển tự động bên Pháp nhưng bạn lại quyết định về Việt Nam làm việc. Vì sao vậy?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Trong 7 năm học tôi có gần một năm đầu học tiếng Pháp. Sau đó tôi thi vào Học viện khoa học ứng dụng quốc gia Pháp và theo học 5 năm cộng thêm một năm nâng cao. Quyết định quay về nước của tôi là do gia đình. Từ bé tôi được giáo dục dù có đi đâu, làm gì phải cố gắng quay về phục vụ đất nước. Tôi vốn thích cái mới, tò mò muốn nâng cấp cái này, cái kia mà bên Pháp không có chỗ có đất.

Bên cạnh đó, tính tôi khó đi làm công làm thuê vì hay nói thẳng. Không thích tôi hay nói luôn nên nếu làm thuê có khi bị kỷ luật, đuổi sớm. Hơn nữa tôi thấy lĩnh vực của mình khá mới. Thời điểm về nước, máy bay không người lái với tôi và đại đa số mọi người rất mới. Nhưng tôi nghĩ rằng tại sao mình lại không mang những kiến thức, những hiểu biết xây dựng, đặt những viên gạch đầu tiên.

Nhà báo Hà Sơn: Nhưng tại sao bạn không đầu quân vào một cơ quan nhà nước? Phải chăng vì thu nhập thấp?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Khi quyết định làm nghiên cứu khoa học và theo đuổi đam mê, tôi luôn xác định thu nhập xếp thứ 2. Tôi muốn được đầu tư tâm huyết, thời gian, tiền bạc để làm điều mình muốn mà không phải điều người khác muốn. Tôi nghĩ mình không phù hợp với cơ quan nhà nước khi tính cách thẳng thắn dễ gây nên những xung đột không cần thiết.

Nhà báo Hà Sơn: Bạn hẳn nhận được sự hậu thuẫn về tinh thần, vật chất từ những người thân khi theo đuổi đam mê nghiên cứu?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Đúng vậy. Tôi có sự động viên rất lớn từ gia đình. Gia đình tôi truyền thống về ngoại giao, ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác đều làm nhà nước nhưng khi tôi quyết định theo con đường nghiên cứu khoa học và thành lập công ty riêng mọi người đều ủng hộ. Nhà tôi mọi người đều làm ngoại giao, tiếp xúc với nhiều nước trên thế giới với các nền văn hóa khác nhau nên cởi mở và tôn trọng nhau, không áp đặt.

Khi quyết định nghiên cứu khoa học tôi được sự hậu thuẫn lớn về tinh thần còn tài chính gia đình không phải khá giả tất nhiên không khó khăn. Khi theo đuổi khoa học tôi có nguồn vốn cá nhân trong thời gian học bên Pháp, đi làm thêm và trước khi về nước làm tại một công ty và được chia cổ phần kinh doanh. Sau đó tôi đầu tư vào công ty riêng, sản xuất, xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài và trong nước tạo nguồn vốn đầu tư vào nghiên cứu.

Nhà báo Hà Sơn: Có sự trả giá nào không khi bạn dồn đam mê cho khoa học?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Trả giá nhiều lắm. Đã làm nghiên cứu khoa học tức là chấp nhận hi sinh. Một anh tổng giám đốc từng nói rằng đa phần các nhà khoa học đều cô đơn. Nhìn lại trong lịch sử các nhà nghiên cứu khoa học lớn cuối cùng đều cô đơn. Tôi nghĩ rằng mình sẵn sàng chấp nhận khi theo đuổi đam mê vì nó phục vụ mục đích lớn chứ không phải cho cá nhân hay gia đình nhỏ của mình.

Gia đình chấp nhận lựa chọn của tôi. Thực tế, mỗi lần tôi đi công tác cũng cả tháng về chỉ 1, 2 tuần rồi lại đi. Sau 7 năm về nước và đầu tư vào lĩnh vực khoa học tôi tự tin nói rằng đích mình chọn đã gần đến.

Tôi nói với mọi người trong gia đình cho tôi 5 năm, tất nhiên đã vượt kế hoạch này sang kế hoạch 5 năm lần thứ 2 nhưng ít nhiều tôi đã gặt hái được nhiều thành quả, được bạn bè trên thế giới trong lĩnh vực này tin tưởng và khách hàng cũng tin tưởng vào khả năng của công ty.

Nhà báo Hà Sơn: Có khi nào bạn thấy cô đơn vì lĩnh vực theo đuổi rất hẹp?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Cô đơn để xấu não thì không mà cô đơn để đặt câu hỏi: Tại sao tìm một người cùng chí hướng và đứng cùng mình sao khó thế? thì đã có rồi. Nhưng tôi đều tự nhủ có lẽ do điều mình lựa chọn khá mới, lĩnh vực nghiên cứu khắt khe nên cần thời gian.

Nhà báo Hà Sơn: Ngoài sở thích nghiên cứu khoa học bạn còn chơi máy bay mô hình. Thú chơi này giúp ích cho bạn điều gì?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Tôi được tiếp cận với bộ môn máy bay mô hình từ những năm 92, 93 khi theo bố mẹ sang Đức. Về VN tôi may mắn tìm được CLB hàng không ở VN. Bộ môn mô hình hàng không đa ngành để tham gia chơi nhiều người nói phải có tài chính nhưng không phải vậy.

Thành viên CLB của tôi có những người đang làm bảo vệ, lái xe bus, giáo viên, giám đốc công ty, chủ tịch tập đoàn, nhà báo,... và đều có chung đam mê. Họ sẵn sàng không nhậu nhẹt buổi chiều, không mua xe máy hoặc điện thoại xịn để đầu tư cho đam mê. Máy bay điều khiển từ xa - bộ môn vừa giải trí vừa thể thao song song với nó mình có thể thử nghiệm những ý tưởng "điên rồ" trong hoạt động nghiên cứu.

Nhà báo Hà Sơn: Là người trẻ có nhiều tìm tòi và sáng tạo quyết tâm theo đuổi đam mê. Làm thế nào bạn liên kết những người cùng đam mê với mình?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Khi còn học bên Pháp, tôi tham gia một diễn đàn dành cho những người đam mê bộ môn máy bay điều khiển tự động từ xa. Bắt đầu từ bài viết trên diễn đàn tôi kết hợp với bạn bè trong nước thành lập một diễn đàn chuyên về máy bay mô hình. Đấy là điểm khởi đầu thu hút những người cùng đam mê. Đam mê không chỉ về máy bay điều khiển tự động từ xa mà còn đam mê về kỹ thuật.

Mọi người đến với nhau chịu một quy định phải tôn trọng tiếng Việt, tôn trọng lẫn nhau và cuối cùng xây dựng tất cả mọi thứ trên niềm đam mê và chia sẻ kiến thức. Đến bây giờ các thành viên đều yêu quý, tôn trọng nhau và sẵn sàng chia sẻ tất cả những kiến thức mình biết và luôn luôn tìm cách quy nạp thêm thành viên.

Nhà báo Hà Sơn: Sau 6 năm theo đuổi nghiên cứu khoa học nếu tổng kết bạn ước tính mình đã hao tốn bao nhiêu tiền bạc?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Ôi. Câu hỏi này quá khó và chắc tôi phải hỏi kế toán. Có được gọi điện cho người thân trợ giúp không chị? (cười).Nhưng tôi nghĩ rằng nếu cứ ngồi tính toán tốn bao nhiêu tiền, lợi nhuận thế nào chắc không làm được khoa học.

Làm khoa học theo tôi trước hết phục vụ lợi ích đồng bào. Tất nhiên làm khoa học hay bất cứ điều gì phải có hiệu quả về tài chính. Mình làm ra một đề tài, một sản phẩm khoa học đầu tư trí óc nhưng không có ứng dụng thực tế, không phục vụ mục đích dân sinh hay bất kỳ mục đích nào thì đề tài vô dụng, không phải là đề tài khoa học nữa.

Nhà báo Hà Sơn: Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực hẹp và khó. Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ khi chuẩn bị bước vào ngã rẽ của cuộc đời muốn lựa chọn một ngành nghề theo đuổi, bạn sẽ nói gì?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Tôi nghĩ mình khuyên các bạn trẻ hãy nhìn vào gương và tự đặt câu hỏi đam mê của mình là gì. Đam mê rất quan trọng bởi có nó mới theo đuổi, quên ăn, quên ngủ và hi sinh nhiều thứ như không cần mặc đẹp, xe máy đẹp để đầu tư cho đam mê. Để làm khoa học tôi nghĩ điều quan trọng phải luôn đặt câu hỏi bởi câu hỏi đúng sẽ tìm ra giải pháp đún. Đã đến lúc các bạn trẻ tự nhìn vào năng lực, sở trường, sở đoản và quan trọng hơn phải tự đi tìm đam mê để tiếp lửa cho mình. Không ai tiếp lửa cho bạn, tự bạn đi tiếp lửa cho bạn thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Gần đây bạn đã đưa những con chuột cùng với thiết bị bay lên không gian. Vậy khi nào bạn sẽ đưa người?

Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Tôi đính chính một chút khi nói không gian nhiều người sẽ nghĩ đến vũ trụ. Nhưng vũ trụ rất xa và còn lâu mình mới với tới. Những gì tôi đang làm nó được định nghĩa ở vùng cận vũ trụ (near space) khoảng trên 20km - 100km. Khu vực đó hiện giờ cũng là khu vực quốc tế. Mà khu vực quốc tế có những quy định như để đưa động vật sống lên có nhiều quy định ngặt nghèo. Lần vừa rồi tôi đưa chuột lên riêng hộ chiếu của 3 con chuột cũng dày hơn cả hộ chiếu của tôi.

Sơ yếu lý lịch của con chuột phải tường tận như bố mẹ ở đâu, sinh ra như thế nào, nuôi dưỡng ra sao và được viện nào tiêm chủng. Vì thế để chuẩn bị đưa người lên chúng tôi phải trải qua những bước ấy. Trong đó, phải chứng minh công nghệ đảm bảo an toàn duy trì môi trường sống, các điều kiện an toàn cho động vật. Chúng tôi cũng đang tiến hành các bước để đưa người lên ngoài mục đích nghiên cứu khoa học cũng muốn phục vụ mục đích du lịch. Việc này sẽ được thực hiện sớm thôi chị ạ.

- Cảm ơn Phạm Gia Vinh về cuộc trò chuyện!

Tác giả bài viết: Sơn Hà - Xuân Phúc - Xuân Quý - Văn Hiệp

Link nội dung: https://haiphong24h.org/vi-sao-chau-pho-thu-tuong-khong-lam-co-quan-nha-nuoc-a33083.html