Tận diệt chim trời kiếm tiền triệu mỗi ngày

Mùa mưa lũ, đàn chim, cò di cư về các cánh đồng đã thu hoạch, cũng là lúc những thợ săn chim trời ở Nghệ An, Hà Tĩnh ra quân đánh bắt. Có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng chim trời cũng vì thế mà khan hiếm dần.

copy of 3 1477272410108
Tận diệt chim trời. Ảnh: HP

Dùng loa để… bẫy chim

Cánh đồng Khánh Lộc và những vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc, (Hà Tĩnh) khi nước lũ rút đi chỉ còn trơ gốc rạ. Nhiều nhóm thợ săn ở lì ngoài đồng cả ngày lẫn đêm tối để săn các loài chim như kích biển, gà lôi, quốc…

Theo anh Nguyễn Khánh, một thợ săn chim gần 10 năm kinh nghiệm ở Can Lộc thì đây là dịp chim trời trở về những cánh đồng ở miền Trung nhiều nhất trong năm. Trong khi chờ vài tháng nữa mới đến mùa trồng lúa vụ đông thì người nông dân bước vào “mùa săn chim trời”. Anh Khánh thuần thục cắm những ngọn sào dài, nhỏ, thon, thẳng xuống bờ ruộng, nói rằng một thợ bắt chim phải có ít nhất vài chục sào và vài trăm mét lưới để đón hướng chim tìm ăn.

Cũng theo anh Khánh muốn bẫy được chim trời thì phải biết giăng lưới theo hướng gió, cọc tre vít lưới cũng phải cắm đều theo chân ruộng theo hình chữ thập, khoảng 30m một cọc. Một thợ bẫy chim có thể cắm được sáu mươi chiếc cọc tre, và căng được hơn hai trăm mét lưới. Chim sẽ mắc bẫy nếu lưới được căng cách mặt đất khoảng 1,5m, lưới phải chùng và võng ở một độ nhất định.

 
2copy of 1 1477272410103 crop 1477272508923
Những cánh lưới chạy dọc bờ đê chờ chim sập bẫy.

Trước đây, thợ bẫy chim chủ yếu dùng phương pháp thủ công để dụ chim vào bẫy. Bây giờ các công đoạn đã được “cơ giới hoá” một cách tinh vi để bẫy cả những loại chim khôn ngoan nhất. Tất cả tiếng kêu của các loài chim biển, gà nước, gà lôi, quốc… đều được thu âm và qua hệ thống loa nén công suất nhỏ nhằm đánh lừa đàn chim.

“Tuy loa nhỏ, nhưng trong đêm tối âm thanh có thể bay xa nhiều km, do đó dụ được rất nhiều chim vào bẫy. Những loài chim biển thường chỉ tìm ăn về đêm; thời gian chim về nhiều bắt đầu từ 12 giờ đêm trở về sáng. Nhờ sử dụng “công nghệ cao” mà có đêm, mỗi thợ bẫy được hàng trăm con dạt biển, quốc sầu...”, anh Khánh bật mí.

Trong túp lều dã chiến bằng bạt dựng lên từ mé bờ kênh, nhóm thợ bẫy chim của anh Xuân xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang hướng cặp mắt ra cánh đồng tối đen như mực. Trước mỗi tin bão xa báo hiệu một đợt “làm ăn lớn” khi lượng chim từ biển tìm về đất liền rất đông, thậm chí chim từ miền núi cũng bị lạc xuống đồng bằng. Ngồi trong lều, nhưng chỉ cần một con chim vướng vào lưới cách đó hàng trăm mét, anh em vẫn biết. Trên mỗi cọc tre đều được treo chuông, chim bay từ xa vướng vào lưới làm cọc rung chuông sẽ kêu và thợ săn chỉ cần đến gỡ.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày
3copy of 2 1477272410106 crop 1477272467221
Chim mồi.

Những cánh đồng của rẻo đất đồng bằng miền Trung nhỏ hẹp này đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân giăng bẫy bắt chim trời. Những cánh đồng vốn trồng lúa, nay thay vào đó là bãi bẫy chim trời làm bằng nhựa thông, lưới, xốp giăng phủ kín. Anh Nguyễn Công ở xã Quỳnh Thanh đang đi săn bắt chim, cò trên một cánh đồng cho biết, mùa mưa nhiều cánh đồng nước lợ ngập nước đang chờ vụ mới. Nước ngập nhiều tôm, cá nên các loại cò, cói, vạc, diệc... bay đến kiếm ăn. “Ở đây, bẫy chim trở thành phong trào. Có đêm cá biệt, có người bẫy được cả chục con diệc, kiếm cả triệu đồng. Nhưng may mắn trúng vào đàn chim mới được, còn bình thường cả ngày săn chim cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Số tiền đó cũng hơn trồng lúa rồi”, anh Công so sánh.

Săn bắt chim trời vào dịp cuối thu đầu đông đã thành nghề diễn ra tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Hàng chục ngàn chim trời đã bị giết thịt.

Theo quan sát của chúng tôi, bẫy chim được người dân giăng khắp cánh đồng, bờ biển, mép sông. Các loại chim trời sau khi người dân bắt được đều bày bán ở các chợ quê, chợ huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, chim trời hiện được coi là thực phẩm sạch, là đặc sản của những quán nhậu lớn ở Nghệ An, đặc biệt là tại TP Vinh và huyện Hưng Nguyên. Thậm chí, có những quán nhậu ở Hà Nội cũng nhập về. Chị Tú một đầu mối nhập chim trời ở Diễn Châu tiết lộ, mỗi ngày, có quán nhậu làm thịt hàng trăm con chim trời. Những đầu nậu thu mua như chị Tú kiếm lãi gần như gấp đôi khi thu mua tận đồng sau đó đem về nướng rồi nhập ra Hà Nội, thông qua xe khách đường dài.

Không chỉ bắt các loại chim di trú vào mùa mưa, trong những năm gần đây, nhiều người còn bỏ nghề làm nông để chuyên tâm sắm đồ nghề săn chim. Mùa nào săn chim mùa đấy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một tay thợ cừ khôi có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ vào việc bẫy chim. Mỗi con cò nhập tại đồng cho đầu nậu có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/con; chim chiện 4.000 đồng/con; én 3.000 – 4.000 đồng/con; chim sẻ 5.000 – 6.000 đồng/con; chim quốc có hai loại: quốc bạc má 40.000 đồng/con, quốc mồng đỏ có giá cao hơn, khoảng 70.000 – 75.000 đồng/con; vàng anh trống là 40.000 đồng/con; vàng anh mái 15.000 đồng/con, cói có mức giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/con. Cùng với nguồn thu mang lại từ việc săn chim trời cũng là khi các loài chim về đây ngày càng ít đi.

Hiện nay, mùa săn chim trời ở Nghệ An, Hà Tĩnh mới chỉ bắt đầu và kéo dài cho đến hết năm. Đây cũng chính quãng thời gian, những thợ săn dùng đủ các loại đồ nghề từ hiện đại đến thô sơ đua nhau đi “tận diệt” chim trời. Và cứ thế mỗi năm đàn cò, chim quốc, chim chiền chiện, chim sẻ, chim én… càng về ít hơn.

 
Anh Xuân cho biết, mỗi mùa chim, anh và các thợ săn chim khác chủ yếu chỉ ở ngoài lều, ít khi về nhà. Trong mỗi túp lều dã chiến của thợ săn đều bố trí giường, chăn màn và các đồ sử dụng thiết yếu khác để họ có thể ở đó vài ngày. Trong đêm trăng muộn ngày cuối tháng lần theo bờ ruộng, túi lưới của anh Xuân đã có hơn chục con gà nước.
 
 

Tác giả bài viết: Hà Phương

Link nội dung: https://haiphong24h.org/tan-diet-chim-troi-kiem-tien-trieu-moi-ngay-a35644.html