Thủ tục hành chính đã cải cách nhưng thái độ như “mẹ chồng người ta”

“Các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng kiểm tra, giám sát nhưng nên có thái độ tôn trọng doanh nghiệp hơn. Đến kiểm tra mà thái độ như kiểu là cha, là mẹ, như mẹ chồng người ta, nói cái gì cũng phải đúng, phải nghe".

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, đại diện Công ty CP Hải Yến chia sẻ bức xúc tại diễn đàn “Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô” diễn ra sáng nay (27/9). Theo chị Lan Anh, đây là một sự bất công khi doanh nghiệp là người đóng thuế, đóng góp cho xã hội và để trả lương cho những người hưởng lương ngân sách.
 
diendan 1474960543168
Tuy còn nhiều bất cập hạn chế, nhưng sự đổi mới về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách thuế và hải quan là điểm sáng trong sáu tháng đầu năm 2016.

Không chỉ doanh nghiệp của chị Lan Anh phải chịu ấm ức mà ngay cả công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng như Công ty CP 22 cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc với cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Trương Ngọc Toán, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Giám đốc Công ty CP 22 cho biết: “Đối với Sở y tế, khi chúng tôi tổ chức tập huấn mời cơ quan có chuyên môn kiểm tra sức khỏe, cấy trùng đường ruột cho công nhân do Bệnh viện Quân y 304 thuộc Tổng cục Hậu cần thực hiện nhưng khi đưa kết quả lên Sở Y tế không chấp nhận. Bên cạnh đó, nội dung căn cứ để công bố chất lượng sản phẩm còn chồng chéo nhau gây khó khăn và mất thời gian”.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: “Sở Công Thương đã làm rất tốt việc xúc tiến thương mại và sở cũng đã tin tưởng để hội đứng ra chủ trì các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hằng năm, Sở Công Thương cũng tổ chức 2 lần lắng nghe ý kiến của các hội để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp từ đó giám sát, giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp mắc phải vẫn là tiếp cận nguồn vốn vay. Cái các doanh nghiệp chúng tôi rất cần đó là các ngân hàng có một chính sách bảo lãnh tín dụng để cải thiện môi trường kinh doanh. Và cuối cùng đề nghị Sở Công Thương giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đang vươn lên có hàng hóa có chất lượng có thể tham gia xúc tiến thương mại quốc tế”.

Tuy còn nhiều bất cập hạn chế, nhưng sự đổi mới về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách thuế và hải quan là điểm sáng trong sáu tháng đầu năm 2016 khi thực hiện nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Từ tháng 6/2016, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 02 ngày làm việc (trước 01 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp).

Trong lĩnh vực thuế, với sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Tổng cục Thuế và sự hưởng ứng của doanh nghiệp thì đến cuối năm 2015 đã cắt giảm giờ tuân thủ về thuế xuống còn 117 giờ. Hy vọng hết năm 2016 sẽ giảm giờ tuân thủ của người nộp thuế về 110 giờ so với đầu năm 2014 là 537 giờ.

Ngoài ra, thông tư 130 có hai điểm mới để bổ sung về thuế giá trị gia tăng đó là bổ sung về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và sửa đổi bổ sung những trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Về lĩnh vực hải quan, thời gian trả kết quả giảm từ 3-5 ngày so với trước đây, giảm thời gian lưu kho bãi, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm, kinh tế, môi trường và tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu thông thoáng, tập trung theo cơ chế một cửa liên thông.

Về bảo hiểm xã hội, xây dựng hay điện năng cũng đều có nhiều cơ chế mở, rút ngắn thời gian, tiền bạc và công sức cho các doanh nghiệp.

Tác giả bài viết: Thế Hưng

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thu-tuc-hanh-chinh-da-cai-cach-nhung-thai-do-nhu-me-chong-nguoi-ta-a36133.html