Cùng một chiếc vòng, chất lượng vàng chỉ 61,6% nhưng tính theo giá vàng 75% Ảnh: T.X - M.P
Mất 50% số tiền đã mua
Ngày 7.9, chị Thư (Q.7, TP.HCM) ra tiệm vàng B.N (68 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM) để bán lại một chiếc vòng tay nữ trang mua trước đó nhưng quên mang theo hóa đơn. Tính toán một hồi, nhân viên ở đây cho biết, vòng tay này có trọng lượng 8 phân và giá mua lại sẽ là gần 1,4 triệu đồng, chưa bằng 50% tổng số tiền chị đã bỏ ra trước đó.
“Chưa đầy 1 tháng mà mất 50% giá trị, còn hơn mất cắp”, chị Thư bức xúc và cho biết ngày 10.8, chị mua chiếc vòng tay kiểu 2 hoa mai bằng vàng 18K nói trên (tương đương tuổi vàng 75%) cho con gái tại quầy B.N. Trong hóa đơn có ghi rõ trọng lượng là 8,1 phân với đơn giá là 2,68 triệu đồng/chỉ. Tổng cộng thành tiền là 2,82 triệu đồng, bao gồm cả tiền công.
Bức xúc, chị Thư hỏi sao bảng giá được niêm yết giá vàng 18K cửa hàng mua vào là 2,44 triệu đồng/chỉ, với trọng lượng 8,1 phân, mà giá chiếc vòng chỉ 1,4 triệu đồng thì nhân viên giải thích: chiếc vòng này là hàng chợ, tuổi vàng chỉ là 61% (hàm lượng vàng 61%) chứ không phải vàng 75% (hàm lượng vàng 75%) nên giá mua vào chưa tới 1,8 triệu đồng/chỉ. Còn giá niêm yết 2,44 triệu đồng chỉ áp dụng cho vàng 18K nghĩa là vàng 75%. Khi chị Thư khẳng định chiếc vòng được mua tại chính cửa hàng B.N thì nhân viên quầy B.N nói thẳng, giá này áp dụng cho các loại nữ trang không có hóa đơn.
Cũng chiếc vòng đó, chị Thư đến cửa hàng X.H tại phía bắc chợ Bến Thành (Q.1), cô chủ cửa hàng này khẳng định chiếc vòng này là vàng chợ, tuổi vàng khoảng 60 - 61%, mua lại với giá 1,52 triệu đồng. Cô chủ cửa hàng X.H nói thẳng: “Không ai lấy vàng 75% để làm ra những loại trang sức như thế này đâu”.
Chiều 7.9, chúng tôi mang chiếc vòng của chị Thư đến Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) kiểm định hàm lượng vàng bằng phương pháp thử nghiệm XRF trên chiếc vòng. Kết quả, chiếc vòng có khối lượng 8 phân, hàm lượng vàng 61,6%. Đem chiếc vòng này đến một đơn vị kiểm định khác, chuyên gia của đơn vị này nhận xét chiếc vòng rỗng ruột nên muốn biết thực sự hàm lượng vàng bao nhiêu thì phải phá mẫu (tức nấu chảy). Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, theo vị này, hàm lượng vàng chỉ còn có 58 - 59%. Đủ chiêu móc túi
Dạo qua một số tiệm vàng ở chợ Bàn Cờ (Q.3) và khu vực chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) mới thấy một trận đồ bát quái trong cách ghi nhãn của các đơn vị kinh doanh vàng để móc túi người mua.
Tại một cửa hàng vàng tại chợ Bàn Cờ, khi chúng tôi yêu cầu mua một chiếc nhẫn vàng 18K, cô nhân viên đưa ra chiếc nhẫn trọng lượng 5 phân 7 có đính kèm 1 miếng giấy nhỏ ghi 610, còn phía dưới lại ghi thêm 18K và C430. Khi hỏi giá, cô này nhanh nhảu bấm máy tính và thông báo, giá bán vàng 18K là 2,48 triệu đồng/chỉ, chiếc nhẫn có giá khoảng 1,8 triệu đồng (bao gồm tiền công và đá là 430.000 đồng, C430 là tiền công và đá).
Cùng lúc, một khách hàng nữ mang một chiếc vòng vàng cùng phiếu mua vàng đến bán lại, nhân viên báo giá mua 2 triệu đồng. Vị khách hàng tức giận cho rằng mức giá quá thấp so với giá hơn 3,5 triệu đồng trước đó nhưng cuối cùng đành bỏ đi sau cái lắc đầu không tăng thêm một xu của cô nhân viên cửa hàng này. Các cửa hàng vàng bên cạnh, mỗi cửa hàng niêm yết một giá vàng 75% ở mức giá khác nhau, nơi thì giá bán là 2,75 triệu đồng/chỉ, nơi thì 2,55 triệu đồng/chỉ, nơi thì chỉ có 2,3 triệu đồng/chỉ... Đáng nói là, dù hầu hết các miếng giấy nhỏ đính kèm sản phẩm mà chúng tôi xem đều ghi vàng 610 nhưng lại được tính theo giá 750 (tức 75%). Họ vẫn công khai móc túi khách qua việc ăn gian tuổi vàng như vậy.
Một chiêu móc túi quen thuộc là trừ tiền công. Với vàng nữ trang, chỉ cần bước một chân ra khỏi cửa hàng rồi quay lại, khách hàng cũng bị trừ ngay tiền công khi bán lại. Tiền công ở mỗi cửa hàng tính một giá khác nhau nhưng phổ biến ở mức 500.000 - 600.000 đồng. Trong khi theo tiết lộ của chủ cửa hàng T.X, công thực tế chỉ 100.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.
“Cân đá tính giá vàng” cũng là một kiểu móc túi mới được phát hiện tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (BTMC). Đó là trường hợp ông H.Đ (Hà Nội) đến cửa hàng của BTMC mua một chiếc nhẫn vàng có gắn đá với tổng trọng lượng 5,964 chỉ, trong đó trọng lượng vàng là 5,771 chỉ, trọng lượng đá là 0,193 chỉ hồi cuối tháng 8 vừa rồi. Nhân viên nói viên đá không có giá trị và trên hóa đơn không thể hiện giá trị của viên đá. Tuy nhiên, giá chiếc vòng lại được tính trên trọng lượng của cả vàng và đá là hơn 24 triệu đồng cho 5,964 chỉ.
Theo như giấy đảm bảo, chiếc nhẫn có hàm lượng vàng 75%, đơn giá hơn 4 triệu đồng, khách hàng được giảm 1,44 triệu đồng nên số tiền thanh toán hơn 22,6 triệu đồng. Thay vì tính giá vàng trên trọng lượng vàng 5,771 chỉ, BTMC tính tổng trọng lượng cả vàng và đá 5,964 chỉ làm cho số tiền ông H.Đ phải trả cao hơn khoảng 700.000 đồng.
Cách tính giá tiền trên tổng trọng lượng sản phẩm nữ trang gắn đá được một số tiệm vàng hiện áp dụng, nhất là đối với những sản phẩm ngoại nhập. Thế nhưng khi người tiêu dùng bán lại, tiệm vàng chỉ thu vào theo trọng lượng vàng.
Lực bất tòng tâm
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chất lượng vàng nữ trang được chia làm nhiều loại, vàng 24K, 18K, 14K hay thậm chí 10K... Người tiêu dùng không thể nào phân biệt được nên chỉ có thể đặt niềm tin vào các cửa hàng kinh doanh. “Nắm” được điểm yếu này, nhiều cửa hàng tìm đủ mọi cách để ăn gian, móc túi khách hàng.
“Thị trường vàng trang sức không ổn định nên quy luật tất yếu là mua đâu bán đó và phải kèm theo hóa đơn. Nếu không có cơ sở pháp lý thì cửa hàng muốn nói bao nhiêu cũng được và khi đó người mua sẽ rất thiệt thòi. Còn trường hợp có hóa đơn rõ ràng nhưng vẫn tính ép giá, tính sai chất lượng vàng và tiền hậu bất nhất thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu đối chất và đưa ra quản lý thị trường”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), dẫn Thông tư 22 của Bộ KH-CN đã quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, các doanh nghiệp phải tách bạch rõ khối lượng và hàm lượng vàng, giá trị đá, tiền công... khi bán nữ trang. Vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý, chứng từ càng rõ càng có lợi khi bán lại sản phẩm đó cho tiệm vàng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, thừa nhận hiện người kinh doanh vàng chủ yếu là tư nhân với số lượng rất đông trong khi lực lượng kiểm tra chỉ ở một số điểm nên thị trường vàng nữ trang về cơ bản vẫn đang thả nổi. Trường hợp có hóa đơn rõ ràng nhưng vẫn tính ép giá, tính sai chất lượng vàng và tiền hậu bất nhất thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu đối chất và đưa ra quản lý thị trường Chuyên gia Ngô Trí Long |
Tác giả bài viết: Thanh Xuân - Mai Phương