Gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng nào sẽ có lãi suất cao nhất trong tháng 7 này?

Gửi tiết kiệm ngân hàng ở kỳ hạn 13 tháng của nhiều ngân hàng có sự tăng đột biến về lãi suất so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng phải gửi số tiền lớn tới hàng trăm tỷ đồng theo quy định của từng ngân hàng.

Trong gần 1 tháng trở lại đây, thị trường vàng “nóng sốt” từng ngày khiến thị trường ngoại tệ mà cụ thể là đồng USD có những phiên thăng trầm. Tuy nhiên, phải tới đầu tháng 7, lãi suất tiết kiệm mới rục rịch đi lên.

Theo VTC News, kể từ ngày 4/7, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất (lĩnh theo quý) ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt được điều chỉnh thành 5,75%/năm, 6,15%/năm và 6,6%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn được giữ nguyên so với khoảng 1 tháng gần đây. Ở kỳ hạn 37 tháng của gói tiết kiệm Tài Lộc, lãi suất vẫn là 7,9%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ nhận được mức cao hơn một chút là 7,65%/năm.

Theo báo VnExpress, cuối tuần qua, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank vừa điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Mặc dù các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp nhưng các kỳ hạn từ 5 đến 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2- 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên quanh 5,5 - 6,8% một năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng là 7,4% với kỳ hạn 36 tháng.

Một trong những "ông lớn" quốc doanh là Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng nhẹ 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng (từ 5% lên 5,1%), kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.

 

Gửi tiết kiệm ngân hàng ở kỳ hạn 13 tháng của nhiều ngân hàng có sự tăng đột biến về lãi suất so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng. (Ảnh minh họa).


Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6, thị trường cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng khối cổ phần. Như tại Viet Capital Bank, lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05-0,3% một năm.

Một số ngân hàng khác như Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1%, từ 5,4% lên 5,5%.

Động thái này của các ngân hàng phù hợp với những gì Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã dự báo. Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại nhỏ.

Thông tin trên Trí thức trẻ, ở kỳ hạn 1 tháng lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Khối ngân hàng cổ phần nhỏ đang đi đầu về mức lãi suất kỳ hạn 01 tháng khi đưa lãi suất ở mức từ 5% trở lên, mức cao nhất là 5,4% của CBBank.

Khối các ngân hàng như ACB, Sacombank hay khối ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước chi phối mức lãi suất đang từ 4,4% - 4,8%/năm.

Kỳ hạn 3 tháng cao nhất là 5,5%/năm. Nhiều ngân hàng để mức lãi suất tiền gửi VND 3 tháng ở mức trên 5%/năm, cao nhất là 5,5%/năm. Không có sự chênh lệch nhiều về lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng ở kỳ hạn này.

Bắt đầu ở kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng đã chia ra 2 nhóm khi có sự chênh lệch lãi suất và phân chia ở mức 6%/năm. Mức lãi suất cao từ 6,4% - 6,8%/năm vẫn đang duy trì ở các ngân hàng nhỏ như: VietCapitalBank, NCB, CBBank.

Lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 9 tháng ở nhiều ngân hàng vẫn để ở mức thấp, nhiều ngân hàng để bằng với mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng như: BIDV là 6,0%/năm, Vietinbank là 5,8%/năm, SCB là 6,3%/năm.

Một số ngân hàng khác chỉ điều chỉnh tăng 0,1% ở kỳ hạn này so với kỳ hạn 6 tháng.

Đã có sự phân hóa lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữa các ngân hàng. Nếu mức lãi suất thấp nhất là 6,2%/năm của Eximbank chỉ bằng với lãi suất kỳ hạn 6 tháng của một số ngân hàng khác thì đã có mức lãi suất cao nhất của kỳ hạn này là 7,4%/năm thuộc về VietCapitalBank.

Riêng kỳ hạn 13 tháng của nhiều ngân hàng có sự tăng đột biến về lãi suất so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng phải gửi số tiền lớn tới hàng trăm tỷ đồng theo quy định của từng ngân hàng.

Chẳng hạn, OCB lãi suất 13 tháng dâng tới 7,7%/năm so với mức lãi suất 12 tháng chỉ 7%/năm. Tiếp theo là LienVietPostBank 13 tháng là 7,6%/năm, cách biệt so với 12 tháng là 6,8%/năm.

Mức lãi suất kỳ hạn 13 tháng các ngân hàng đang đuổi nhau sát nút và ở mức khá cao từ 7,0% - 7,7%/năm.

Trong khi các ngân hàng khác đưa mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng quay về mức thấp hơn kỳ hạn 13 tháng, thậm chí bằng với lãi suất 12 tháng như: ABBank, NamABank, Vietcombank thì NCB lại vượt lên dẫn đầu khi dâng lãi suất lên 8%/năm.

Theo sát nút ở kỳ hạn này là OCB với mức lãi suất 7,5%/năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 1/7 kỳ hạn qua đêm ở mức 1,57%/năm, 01 tuần là 1,65%/năm, 01 tháng là 2,4%/năm, 6 tháng 4,95%/năm.

Mức lãi suất trên giảm so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, kỳ hạn 01 tuần 1,88%/năm, 1 tháng 3,29%/năm, 6 tháng là 5,08%/năm. Riêng kỳ hạn qua đêm lãi suất đã tăng khi trước đó chỉ 1,42%/năm.

Còn theo nghiên cứu phân tích của ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), trong năm 2016, lãi suất VND có lúc đạt những mức thấp kỷ lục dưới 0,5%/năm cho kỳ hạn qua đêm.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp do hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản ngắn hạn.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai

Link nội dung: https://haiphong24h.org/gui-tien-tiet-kiem-o-ngan-hang-nao-se-co-lai-suat-cao-nhat-trong-thang-7-nay-a37825.html