Theo đó, nếu cố định một năm, LS là 7,5%/năm, cố định hai năm là 8,5%/năm và 9,5%/năm nếu cố định ba năm. Dù mức LS này khá “mềm” so với mức LS chung cùng thời điểm, nhưng tìm hiểu kỹ chị Ngân phát hiện NH đưa ra rất nhiều điều kiện ràng buộc.
Cụ thể, trong khi một số NH khác cho trả nợ trước hạn mà không tính phí trả nợ trước hạn, NH này yêu cầu khách vay không được trả nợ trước hạn hai năm nếu chọn gói cố định LS một năm. Tương tự, với gói cố định LS hai năm, không được trả trước hạn ba năm.
Nếu trả trước hạn, ngoài việc phải trả LS phạt, người vay còn bị thu hồi toàn bộ ưu đãi đã hưởng trước đó. Do mức LS cho vay thông thường với khách hàng cá nhân của NH này là 10,5-11%/năm, số tiền bị thu hồi sẽ không phải ít.
Chưa kể, thay vì chỉ tính tỉ lệ nhất định nhân với số tiền trả nợ trước hạn, NH này còn nhân thêm với số kỳ trả nợ trước hạn dẫn đến số tiền phạt trả nợ trước hạn sẽ cao hơn. Ngoài ra, người vay vẫn phải mua bảo hiểm cho khoản vay, phải làm thẻ để hằng tháng nộp tiền trả nợ và đăng ký Internet banking... làm phát sinh thêm chi phí.
Theo chị Ngân, nhân viên tư vấn hầu như chẳng đả động gì đến những ràng buộc này cho đến thời điểm ra công chứng hợp đồng. “Nếu tính đầy đủ những khoản này, mức LS thực tế sẽ cao hơn so với quảng cáo” - chị Ngân nói.
Thực tế với LS huy động liên tục tăng, các NH buộc phải tìm cách “tự bảo vệ” mình, đẩy rủi ro LS cho khách hàng. Nhiều NH đưa ra LS cho vay ban đầu rất thấp nhưng chỉ cố định trong vòng ba tháng đầu, sau đó LS được áp theo mức LS huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ do NH quy định, thay đổi mỗi ba tháng một lần.
Đặc biệt, biên độ cộng thêm hiện lên tới 4-5%, thay vì phổ biến ở mức 3,5% như trước. Nhiều NH còn tự thay đổi biên độ cộng thêm mà không thông báo trước. Theo các chuyên gia, ngoài LS do NH chào mời, người dân nên tìm hiểu kỹ các điều kiện kèm theo để tránh bị rơi vào tình huống “bút sa gà chết”, chịu rủi ro về LS sau khi đặt bút ký hợp đồng.
Tác giả bài viết: Ánh Hồng