► Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước!
Không ít người trong cuộc chia sẻ thực tế về những CBCC "cắp ô", gây ứ thừa về lao động, tạo gánh nặng cho ngân sách khi họ tồn tại trong các cơ quan dưới cái ô "biên chế".
Bạn đọc Phạm Quang Vinh kể, trong 3 năm làm việc tại phòng Thẩm định đầu tư của Sở KHĐT một tỉnh lớn, anh chứng kiến một số người là CBCC của sở nhưng chưa làm được một văn bản, không viết hết một cây bút bi.
Công việc của 1 phòng chức năng với số cán bộ từ 4-6 người nhưng thực tế chỉ cần 2 người làm là đủ, có phòng ban quanh năm ngày tháng công việc chính là "ngồi chơi xơi nước và buôn dưa".
"Tôi nói điều này là sự thật. Vì vậy theo tôi nên phải giảm ít nhất 50% số CBCC như hiện nay", anh Vinh nêu ý kiến.
Anh Trần Sỹ Vấn (Thái Bình) có 17 năm làm công chức văn phòng cũng thốt lên rằng thực sự bộ máy CBCC quá cồng kềnh, chỉ cần khoảng dưới 50% CBCC là đủ. Có người làm không hết việc nhưng đa số không có việc làm và không làm việc, cứ hưởng lương theo ngạch bậc, bằng cấp.
Ảnh minh họa: Theo báo Nhân dân
"Chính phủ hãy sớm xem xét vấn đề này, khẩn trương giảm biên chế, tăng mức trách nhiệm gắn liền với lương để đội ngũ CBCC làm việc hiệu quả hơn, chất lượng hơn", anh Vấn đề nghị.
Bạn đọc Trancongly chỉ ra nhiều vị "sáng cắp ô đi tối cắp về" phần lớn là sếp lương cao, quyền lớn. Trẻ tuổi thì đến cơ quan để tán gẫu chát chít, lướt mạng... thậm chí có cả lăng nhăng chuyện tình cảm, chia bè phái tranh giành quyền lợi...."Tội cho ngân sách nhà nước, tội cho dân quá", anh viết.
Ai có gan bỏ biên chế?
11 triệu người hưởng lương từ NSNN nhưng hiệu quả làm việc lại cực thấp là điều thật khủng khiếp. Bạn đọc vanchungdinh than rằng: "Đất nước nghèo và không phát triển được cũng phải thôi" .
Đến giờ này bỏ biên chế là đã muộn. Bạn đọc Thanh Minh cho hay, dù muộn thì càng cần phải làm ngay.
"Biết được thế, hiểu được thế và dám nêu ra như thế là giỏi lắm rồi. Chứ còn bảo phải thực thi "tức là bỏ biên chế" thì quả là quá khó. Ai mà có gan trời để làm chuyện đó", bạn đọc Phạm Công Thành nêu câu hỏi tranh luận.
Xót xa cho ngân sách nhà nước hàng ngày phải trả lương cho số "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", độc giả Nguyễn Văn Thăng cho rằng, Chính phủ cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để xử lý vấn đề này.
Bạn đọc Tuấn phân tích, xét về khía cạnh lịch sử chính trị của đất nước, thì việc bỏ (hoặc hạn chế phần lớn) việc các tổ chức chính trị - xã hội phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là không phù hợp.
Thi tuyển cán bộ, công chức ở Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Để bảo vệ cho chế độ Đảng cộng sản Việt Nam, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các tổ chức như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Tổng Liên đoàn là rất cần thiết.
Không thể áp mô hình của các nước tư bản sáng rập khuôn cho VN được, ngay cả Trung Quốc, học vẫn phải duy trì các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn... để bảo vệ cho chế độ chính trị của họ.
Có chăng cần tinh giản bằng cách gộp các tổ chức chính trị - xã hội này ở cấp xã, một phần cấp huyện, cấp tỉnh", anh Tuấn nêu ý kiến.
Là một công chức, bạn đọc Trần Hải cho rằng, nên tinh giản bộ máy trung gian như cấp huyện và một số đầu mối ở tỉnh.
Bạn đọc Lê Huy Hiệu mạnh dạn nêu ý kiến nên lấy người dân làm khách hàng, giải quyết được nhiều công việc cho dân thì trả lương cao, làm theo năng lực, hưởng theo sản phẩm, có thế mới mong câu nói của Bác Hồ thành hiện thực "Người cán bộ phải thực sự là công bộc của nhân dân".
Bạn Hoàng Anh thì cho rằng, trước mắt giảm các tổ chức hội, đoàn không cần thiết, chỉ chi 1 phần ngân sách cho các đoàn thể, còn lại là để tự nguyện (áp dụng từ xã đến trung ương).
"Không tuyển mới nữa. Khi cần việc thì hợp đồng. Trong số đã biên chế yêu cầu giao nhiệm vụ khoán, nếu không hoàn thành thì cho nghỉ", chị nêu ý kiến.
"Tôi cũng là một CBCC, nếu tự nhiên nghĩ đôi khi lại có người nói mình hâm. Nếu có một chính sách cụ thể về vấn đề này, tôi xin tiên phong", bạn đọc Thất Nhân Tâm gửi bình luận chia sẻ.
Tác giả bài viết: Linh Thư
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bien-che-co-can-bo-so-viet-mai-khong-het-cay-but-bi-a38316.html