Bất ngờ với quá khứ của ca sĩ Thu Phương

"Tôi đi ra ga tầu và về một mình. 10h30 phút tối tôi về đến nhà thì30 phút sau thấy có tiếng gõ cửa, chạy xuống nhà thấy "người ấy" ôm chầmlấy mình hổn hển nói 'vừa trốn bố mẹ để đi'", Thu Phương nói.

Nỗi xấu hổ trẻ con

Tuổi thơ của tôi tới trường nghịch ngợm, đầu têu như con trai, về tới nhà (trong căn nhà 24m) là cơm nước nội trợ như chuyên nghiệp. Từ bé tôi đã phải rèn luyện đủ vai. Tôi thương những bữa cơm chiều trải chiếu ngoài sân - cái sân bé, đường đi chung của cả xóm. Người đi qua đi lại, nhà ăn uống gì cả làng đều biết. Tôi nhớ mùi hương đất, mùi nắng, mùi gió... tiếng rao bán hàng giữa những trưa hè nóng cháy rát luôn là nỗi ước ao, giá như tôi có thể được mua một món.

Tuổi thơ của tôi là những cảm nhận sâu sắc của sự nghèo khó, vất vả, hy sinh, đau khổ... Tôi ám ảnh khi chứng kiến nỗi đau của bà nội suốt nhiều năm gào khóc vật vã vì sự hy sinh của chú. Tôi vất vả làm những việc thay mẹ mình từ bé nhưng cũng có niềm hãnh diện sung sướng khi không phải tranh giành xếp hàng xếp chỗ (đặt gạch) khi mua hàng vì gia đình có người là liệt sĩ, có thẻ ưu tiên.

 

Ca sĩ Thu Phương hồi trẻ.
 

Vất vả khiến người ta thèm khát cả những điều bất hạnh khổ đau. Đứa bạn hàng xóm nói với mẹ nó: "Ước gì nhà mình có người hy sinh để được có giấy ưu tiên như nhà cái Phương gầy". Nhớ sâu sắc, mỗi năm vào dịp 27/7 kỷ niệm thương binh liệt sĩ, bà nội tôi khóc cả tuần, cả xóm mệt theo. Lúc ấy liệu người ta có còn cầu mong một cái thẻ ưu tiên?...

Tôi sợ thấy cảnh mẹ ngày nào cũng dắt xe đi làm thâu đêm suốt sáng. Rồi một ngày chiều tối mờ mịt, mẹ bơ phờ mệt mỏi đi bộ về nhà. Rã rời, mẹ làm mất xe đạp... lúc bấy giờ xe đạp đối với gia đình tôi là tài sản quý giá nhất. Thật khủng khiếp! Gia đình tôi vẫn còn mất xe đạp thêm vài lần nữa và mất cả phích nước, mất quần áo... Thật thê thảm khi tôi được các bạn ở lớp cho quần áo để mặc.

Nỗi sợ xấu hổ trẻ con của tôi đỉnh điểm là hôm mẹ nói quyết định sẽ luộc ngô mang ra chợ bán và tôi phải ngồi bán cho mẹ. Cả buổi tôi đội xụp nón và cắm mặt xuống đất. Cầu nguyện đừng gặp đứa bạn nào cùng lớp ngang qua nhìn thấy mình. Khổ thật!

Gia đình vất vả bao nhiêu bù đắp lại niềm vui cho bố mẹ là 3 anh em tôi tự mày mò đàn hát. Cứ có khách đến nhà là chúng tôi "biểu diễn", những tháng hè anh em tôi dẫn nhau đến Nhà văn hóa thiếu nhi Hải Phòng đứng ngoài cửa xem các bạn học hát học múa. Bố tôi yêu văn nghệ lắm và cố gắng nhờ quen biết xin cho anh em tôi được sinh hoạt.

 

Ký ức luôn là điều Thu Phương nhớ về.


Tuổi thơ đẹp đẽ nhưng cũng nhiều nước mắt

14 tuổi, tôi một mình lơ ngơ đứng giữa quảng trường Nhà hát Lớn TP. Hải Phòng run rẩy lo lắng, hồi hộp bước vào trong với tờ đơn xin thi tuyển diễn viên do Nhà hát Tuổi Trẻ từ Hà Nội xuống Hải Phòng tuyển sinh. Tôi khi ấy bé lắm, cất tiếng hát và không cần biết gì xung quanh.

Bài hát "Chỉ có một trên đời" chắc cũng đã rất khác bình thường. Sau này tôi mới biết rằng lúc đó vì tôi chưa được 15 tuổi và gầy bé nên hội đồng tuyển sinh không nhận vì sợ không phát triển làm sao đào tạo. Chú ca sĩ Hồng Kỳ là người đã thuyết phục hội đồng nhận tôi vì chú bảo tôi đặc biệt và có năng khiếu.

Quyết định của bố mẹ để tôi lên Hà Nội khi nhận được giấy trúng tuyển vào Nhà hát Tuổi Trẻ tôi biết chắc chắn vô cùng khó khăn. Để rồi sau đó là tiếng gọi tên tôi thương xót của bố mỗi khi đoàn tầu rời sân ga trong những lần tôi về thăm nhà, những ngày tháng phiêu bạt, nỗi buồn, nỗi nhớ... và là tôi của ngày hôm nay.


Hà Nội với tôi chỉ toàn nỗi buồn, ngày thì vất vả bươn chải, tối thao thức nước mắt chứa chan. Ừ thì cũng có phải đâu riêng mình buồn khổ, phần lớn người người, nhà nhà đều khổ. Thời kỳ bao cấp mà. Có chăng vì sống xa nhà khi còn bé quá mà lại là con gái nữa.

Tôi vẫn nhớ tuổi 14, tôi gầy guộc đen nhẻm, lơ ngơ trong chợ Hôm với những tem những phiếu. Lúc đói lê la với chú hàn dép, ngồi quạt lò để nướng que hàn cho đến bữa một nón bỏng ngô với trà đá là xong. Có khi tắp sang bên sạp đậu phụ mơ nướng, cuối ngày cũng được một miếng chấm nước tương.

 


Khi ấm bụng lang thang gí mắt vào tủ kính ước mơ có hộp phấn con đầm, mơ có mét vải hoa về sẽ tự cắt tự khâu rồi cũng thành quần thành áo. May vá thêu thùa nữ công gia chánh cũng từ đó mà ra, thời của lấy công làm lời của cái khó ló cái khôn. Thời của mua bán chịu, ăn nhờ ăn ké, vay mượn... đều phải có "kỹ thuật ".

Người bạn thân trốn tàu về với Thu Phương trong đêm

Tôi có đứa bạn thân cùng xóm lúc đó kém một tuổi. Tôi ở tầng 5, nó tầng 3. Có khi sáng sớm nó đi bộ cùng tôi vào đến tận trường Nhạc Viện ở Ô Chợ Dừa, ngồi sân trường chờ tôi học xong rồi đi bộ về 23 Ngô Thì Nhậm. Nó đi cùng để tôi đỡ buồn.

Thỉnh thoảng nhà có đồ gì ngon nó lấy trộm mang lên cho tôi. Khi tôi hết gạo hết tiền, nó mang cơm và bát nước mắm bỏ thêm chút mỡ, thế là xong bữa. Nó thương tôi.

Tôi nhớ mãi một lần nó muốn đi cùng tôi về Hải Phòng nhưng xin bố mẹ không cho. Tôi đi ra ga tầu và về một mình. 10h30 phút tối tôi về đến nhà thì 30 phút sau thấy có tiếng gõ cửa, chạy xuống nhà thấy nó ôm chầm lấy hổn hển nói "tớ trốn bố mẹ để đi".

Nó bảo nghe tôi nói bố đóng cho cái chạn mang lên Hà Nội và sợ tôi không có ai phụ giúp nên đi về. Chỉ ngủ một đêm ở nhà chiều hôm sau 2 đứa trẻ lễ mễ vác theo cái chạn lên Hà Nội, về đến nhà nó bị bố đánh một trận no đòn. Tuổi thơ của người bạn ấy gắn liền với những ngày khó khăn của tôi.

Thời của sự khó khăn khiến người lớn đôi khi dã man mới trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ bốn đứa trẻ lơ ngơ cầm tiền dành dụm của bố mẹ cho từ Hải Phòng lên Hà Nội chỉ mong đến được Bách hoá tổng hợp Tràng Tiền mua dép nhựa Tiền Phong nhưng bị một người phụ nữ lừa mất hết.

Hà Nội với tôi thỉnh thoảng có niềm vui. Là khi đầu tháng lĩnh học bổng, lĩnh gạo, là khi lên đến Tràng Tiền hay gặp được những người tử tế làm thay đổi cuộc đời mình, khi được bước lên sân khấu cất tiếng hát. Khi biết nao lòng với hoa sữa với mùa thu và khi bắt đầu cảm nhận được tình yêu với Hà Nội.

(còn nữa)

Tác giả bài viết: Ca sĩ Thu Phương

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bat-ngo-voi-qua-khu-cua-ca-si-thu-phuong-a41011.html