1. Theo thống kê của tờ Daily Mail, Man United chính là đội bóng có quỹ lương cao nhất thế giới bóng đá. Cụ thể, trung bình mỗi cầu thủ đội một nhận được tới 5,77 triệu bảng/mùa giải.
Mức thu nhập này nhiều hơn hẳn so với những đồng nghiệp đang khoác áo những CLB danh tiếng khác ở châu Âu.
Ngay cả Real và Barca – những CLB đang phải è cổ trả những mức lương không tưởng cho hàng loạt siêu sao như Ronaldo, Bale, Messi, Neymar… thì quỹ lương của họ cũng không thể sánh bằng Man United.
Hay như người "hàng xóm ồn ào" Man City với túi tiền "không đáy", luôn sẵn sàng đáp ứng những mức lương không tưởng để lôi kéo những ngôi sao hàng đầu, cũng phải chào thua kình địch cùng thành phố về khoản "hào phóng".
Theo lý giải của truyền thông Anh thì việc Man United mang về những bản hợp đồng đắt giá như Pogba hay Mkhitaryan cộng với tân binh nhận lương cao như Ibra đã khiến cho quỹ lương của họ tăng vọt. Man City là một đội bóng dùng tiền mua danh hiệu.
Nếu nhìn vào thống kê của Daily Mail, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự "bất hợp lý" đến từ cấu trúc lương của đội chủ sân Old Trafford.
Cụ thể, trong tốp 10 đội bóng trả lương cao nhất thế giới thì Man United lại đang là đội bóng có thứ hạng thấp nhất ở giải VĐQG.
Trong khi ở chiều ngược lại, những Real, Barca, Bayern, Juve, Arsenal, Man City, Liverpool, PGS hay Chelsea đều đang đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng, cạnh tranh quyết liệt cho chức vô địch.
Đó rõ ràng là một nghịch lý đáng buồn. Các Manucians có quyền hỏi rằng, rốt cuộc những ngôi sao đang tiêu tốn tới hàng trăm triệu bảng kia đã làm được gì cho đội bóng, ngoài vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Premier League và sự thất vọng mà mang tới cho khác giả?
2. Nhưng sự "vô lý" của Man United không chỉ đến từ việc họ trả lương cho đội ngũ gồm rất nhiều người "ăn hại", mà nghịch lý đó còn đến cách mua sắm vừa tốn kém, vừa không hiệu quả của đội chủ sân Old Trafford.
Người ta đã thống kê ra được, kể từ khi Sir Alex Ferguson lui vào hậu trường đến nay, Quỷ đỏ đã chi ra tới 460 triệu bảng để chiêu mộ 22 tân binh.
Daily Mail chỉ ra rằng, trong mùa hè vừa qua, đội chủ sân Old Trafford bỏ ra tới 149.55 triệu bảng để mua cầu thủ.
Trong khi ở chiều ngược lại, họ chỉ thu về được vỏn vẹn có 8.5 triệu bảng từ việc bán đi những người không còn nằm trong kế hoạch, bội chi lên tới 141,5 triệu bảng, cao thứ 2 giải đấu sau Man City (169.05 triệu bảng)
Hay như tuần trước, CIES Football Observatory - trung tâm nghiên cứu bóng đá có trụ sở tại Thụy Sỹ cũng công bố thống kê về danh sách những đội bóng thu nhiều tiền nhất từ việc bán cầu thủ kể từ năm 2010.
Man United hiện tại cũng bỏ ra khoản tiền khủng sắm cầu thủ.
Theo đó, Man United cũng là một trong hai đội bóng (cùng Man City) chi ra nhiều tiền nhất để mua sắm cầu thủ trong 6 năm qua với 750 triệu bảng. Trong khi ở chiều ngược lại, họ hoàn toàn vắng bóng trong tốp 10 đội bóng thu về nhiều nhất từ việc bán cầu thủ.
Số tiến này vượt xa tất cả những đội bóng lớn còn lại trên thế giới, nhưng số tân binh mà họ mang về chứng tỏ được giá trị chỉ đếm qua đầu ngón tay.
Đỉnh điểm của sự thất vọng có thể kể đến những trường hợp của Radamel Falcao và Schweinsteiger – những người ngốn của họ hàng trăm nghìn bảng mỗi tuần nhưng hầu như không có bất kỳ sự đóng góp nào đáng kể.
Đó có thể xem là con số điên rồ, đồng thời nó cũng tố cáo sự yếu kém của Man United trên thị trường chuyển nhượng. Thử hỏi với số tiền khổng lồ đó, Quỷ đỏ đã đổi lại được gì ngoài tấm vé dự Champions League ở mùa giải năm ngoái? Hoàn toàn không có gì cả.
Đến đây, chúng ta lại nhớ tới cái thời Man City mới bước đầu chuyển mình từ một kẻ nghèo khó thành một "thiếu gia" lắm tiền nhiều của ở Premier League.
Falcao là một trong những bản hợp đồng thất bại của Man United.
Ngày đó, để cụ thể hóa tham vọng đổi đời, "nửa Xanh" thành Manchester đã vung tiền một cách "điên cuồng" nhằm mua sắm lực lượng. Đổi lại, họ cũng từng phải đón nhận không ít sự "dè bỉu" của dư luận. Tất nhiên, sự "dè bỉu" đó không thể thiếu những người thuộc về "nửa đỏ" cùng thành phố.
Dưới con mắt của không ít Manucians, Man City đơn giản chỉ là "kẻ trọc phú" không hơn không kém. Cách dùng tiền đổi lấy danh hiệu của họ có gì để mà tự hào? Họ càng không thể so sánh với truyền thống dày cộm của những người Man United.
Thậm chí, Sir Alex Ferguson còn chế giễu đối thủ với câu nói nổi tiếng "thật không hề dễ chịu khi bên cạnh nhà bạn luôn có một gã hàng xóm ồn ào".
Rõ ràng, giữa Man United và Man City lúc đó là "đỉnh cao muôn trượng", nếu Quỷ đỏ là một "thương hiệu" nổi tiếng thì Man City chỉ là một "trưởng giả học làm sang". Họ hoàn toàn không phải là đối thủ xứng tầm để so sánh với những người hàng xóm chủ sân Old Trafford.
Nhưng đúng như người ta vẫn nói "thời thế chẳng biết đâu mà lần". Man Unietd đang từ "đỉnh cao muôn trượng" đã rớt xuống mặt đất theo một kịch bản quá bất ngờ sau khi không còn Sir Alex.
Man United có lẽ nên học cách dùng tiền mua danh hiệu như Man City.
3. Bây giờ thì người ta có quyền hỏi Quỷ đỏ rốt cuộc đang làm gì nếu không phải là "dùng tiền mua danh hiệu"? Rằng, ai mới là "kẻ hàng xóm ồn ào"? cách làm hiện nay của họ đâu khác gì Chelsea hay Man City năm xưa?
Nhưng đáng buồn hơn là biện pháp đó cũng chẳng giúp họ có được thành công nào đáng kể suốt 3 mùa giải vừa qua. Thậm chí, Quỷ đỏ đang vất đi những khoản tiền không lồ của mình một cách vô nghĩa chỉ để làm trò cười cho người hâm mộ về sự ngô nghê trên thương trường.
Dùng tiền mua danh hiệu có dễ không Man United? Có lẽ đã đến lúc, bộ máy thượng tầng ở Old Trafford nên mang theo sách vở tới Man City hay Chelsea để học cách tiêu tiền sao cho có hiệu quả, chứ đừng biến thành "gã hề" trên thị trường chuyển nhượng nữa.
Tác giả bài viết: Hà Sơn
Nguồn tin: