Hai trận đấu đã qua, ĐT Anh mang lại 2 diện mạo khác nhau, 2 cảm xúc khác nhau nhưng lại có chung một vấn đề. Ở trận gặp ĐT Nga, họ bị gỡ hoà phút cuối, khiến tất cả đều thất vọng. Ở trận gặp Xứ Wales, họ giành chiến thắng bằng bàn thắng quyết định cuối trận, khiến CĐV vỡ oà. Tuy nhiên, ĐT Anh vẫn cho thấy, họ còn chơi chưa kín kẽ, cách tiếp cận trận đấu chưa thật chuẩn xác và quan trọng là chiến thuật còn thô sơ.
ĐT Anh giờ vẫn có nhiều cầu thủ có thể gây được đột biến như Rooney, Sterling, Kane, Vardy… nhưng trong đội hình của họ có nhiều cầu thủ trẻ nên cách nhập cuộc còn bốc đồng. Khả năng tự điều chỉnh của các cầu thủ trẻ chưa tốt và đó là nhược điểm của ĐT Anh. Tôi cho rằng, ĐT Anh nếu chơi phòng ngự chặt, nhường bóng cho đối thủ và mình chỉ chủ động phản công nhanh để kết liễu đối thủ thì họ sẽ giành được lợi thế. Còn nếu không, rất khó cho ĐT Anh có thể đi xa được.
ĐT Anh nên chơi phòng ngự phản công
Chiến thuật của ĐT Anh thực sự rất đơn giản bởi có lẽ, các cầu thủ phần lớn chơi bóng ở Premier League – lối chơi bóng dài, thiên về thể lực. Sự biến hóa và đột biến vốn luôn mang lại hiệu quả cao chưa thấy xuất hiện nhiều trong lối chơi của ĐT Anh. Vì các cầu thủ chơi đơn giản như vậy, cần khoảng trống như vậy, tôi nghĩ, ĐT Anh càng nên thu về phần sân nhà để phòng ngự rồi bất ngờ phản công nhanh, các cầu thủ có khoảng trống để khai thác lợi thế về tốc độ và thể lực.
ĐT Anh không có hàng thủ vững chắc như Italia, không có sự đồng đều như tuyển Đức và chẳng sở hữu một bộ khung chơi với nhau lâu năm, từng chinh phục 2 chức vô địch châu Âu, 1 chức vô địch World Cup trong 8 năm qua như TBN. Trong bóng đá, bạn cần một cầu thủ để có một bàn thắng, bạn cần một hàng công sắc để có một chiến thắng nhưng bạn cần một hàng phòng ngự cực kỳ chắc chắn để chinh phục được một danh hiệu. Xét trên mọi khía cạnh từ 2 trận đầu, ĐT Anh còn nhiều hạn chế và điều này có thể trì hoãn họ chinh phục đỉnh cao vinh quang.
Tác giả bài viết: Lê Quốc Vượng