Những cách sưởi ấm nguy hiểm trong ngày lạnh

Để chống chọi lại cái rét, người dân sử dụng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, nếu không cẩn thận có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sưởi ấm bằng than, củi

Hầu như năm nào các bệnh viện cũng gặp những trường hợp bị bỏng, thậm chí tử vong vì ngộ độc khí khi sưởi ấm bằng than, củi. Đa phần tai nạn này hay gặp ở các vùng nông thôn.

Đốt củi, than hoa, than tổ ong để sưởi ấm có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ do để than củi dưới gầm giường, than bắt vào gỗ, đệm bùng cháy và ngộ độc khí CO (monocide carbon) từ khói đốt.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong cả loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh – tâm thần cao.

Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn.

Để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, người dân tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc khí sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm. Khi phát hiện có người nghi bị ngộ độc khí CO cần làm thông thoáng khí trước khi tiếp cận nạn nhân như mở toang các cửa chính, cửa sổ, quạt khí, dùng cành cây xua khí CO xung quanh nạn nhân...

 


Bỏng vì miếng dán giữ nhiệt

Đây là một trong những cách làm ấm cơ thể đang được mọi người ưa chuộng. Miếng dán giữ nhiệt hoạt động theo cách thức phản ứng oxy hóa kim loại để sinh nhiệt sưởi ấm. Các chất chính có trong miếng dán là bột sắt, muối, than hoạt tính… Phản ứng ôxy hóa bột sắt sẽ cho nhiệt độ nóng khác nhau tùy vào mức độ các chất trong đó.

Sử dụng miếng dán giữ nhiệt không đúng cách rất dễ bị bỏng. Miếng dán giữ nhiệt không phải loại da nào cũng thích ứng được, nhất là vùng da mỏng, người có da nhạy cảm. Miếng dán có tác dụng trong một thời gian nhất định, nếu liên tục lạm dụng dễ khiến các chất thấm vào da gây dị ứng. Thậm chí có trường hợp bỏng vùng da dùng liên tục.

Với trẻ nhỏ da còn mỏng, cha mẹ không nên cho con dùng. Người lớn cũng chỉ dùng khi nhiệt độ môi trường xuống rất thấp. Không nên dán trực tiếp vào da, nên dán qua một lớp áo. Nhiệt độ cơ thể chúng ta là 37 độ C nên chỉ chấp nhận được mức nhiệt độ tiếp xúc trên da dưới 40 độ C. Khi cảm thấy dấu hiệu bất thường ở vị trí dán nên nhanh chóng tháo miếng dán. Nếu bị bỏng, cần đến khám để điều trị kịp thời.

Dùng đèn sưởi nhà tắm

Thiết bị này mang lại nhiều lợi ích trong những ngày lạnh giá. Nhưng chúng cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm cho người dùng. Gần đây đã có trường hợp bỏng nặng do nổ đèn sưởi nhà tắm. Môi trường trong nhà tắm thường ẩm ướt, nhiều hơi nước dễ gây chập cháy điện, nhất là đối với các loại đèn sưởi không đảm bảo chất lượng.

Để an toàn khi dùng đèn sưởi nhà tắm, GS.TS Nguyễn Đức Lợi - nguyên cán bộ Khoa Nhiệt điện (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khuyên rằng, trước khi đưa con vào phòng tắm cha mẹ nên bật đèn sưởi trước 10 phút và biết kiểm soát được nhiệt độ trong phòng, nhiệt độ phù hợp khoảng 28-29 độ C. Chỉ dùng đèn sưởi nhà tắm trong vòng 20-30 phút không dùng quá lâu, khi sử dụng lâu bức xạ nhiệt sẽ ảnh hưởng lại với da làm da bị khô.

Nằm chăn điện, ôm túi sưởi ấm

Với trời đông lạnh giá như hiện nay nhiều người tìm đến các loại túi giữ nhiệt cho người già và trẻ em như biện pháp hữu hiệu. Túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60- 70 độ tùy loại sản phẩm. Cũng như các loại đồ điện khác, túi sưởi, chăn điện cũng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng khi thiếu hiểu biết về nó. Nguy cơ lớn nhất khi dùng túi sưởi ấm là túi phát nổ, gây bỏng.

Để đảm bảo an toàn, không nên tham rẻ mua loại túi sưởi, chăn điện không có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý: Trước khi cắm điện hay sạc pin cho túi sưởi, bạn phải kiểm tra thật cẩn thận xem túi có rách mép, rò rỉ nước không và tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện, khoảng cách an toàn khi đang cắm điện là cách xa người 2m. Để túi, chăn điện trên bề mặt phẳng khi sạc điện, không nên cắm điện quá lâu.

Quạt sưởi

Ở các thiết bị này, nhiệt năng từ dây mayxo sinh ra, đốt nóng không khí giúp nhiệt độ trong phòng tăng lên. Tuy nhiên, do không khí bị làm nóng trực tiếp nên gây khô da, thiếu dưỡng khí. Các loại thiết bị này phát ra ánh sáng nên có thể gây bất tiện khi dùng trong phòng ngủ.

Theo nhiều nghiên cứu, quạt sưởi có thể phát ra ít nhiều bức xạ điện từ, ngoài việc tác dụng lên cơ thể người còn có thể làm phân hủy, phát tán các chất độc ở môi trường xung quanh. Để an toàn nên được lắp đặt chắc chắn ở nơi khô ráo, vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên.

 

Những lưu ý để cơ thể ấm trong mùa đông

- Khi đi ra ngoài chú ý giữ ấm những bộ phận dễ bị lạnh như cổ, tai, mũi, tay, chân, lưng…đặc biệt là trẻ nhỏ.

- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong bữa ăn, cần bổ sung thêm những vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ. Dầu mỡ có thể xem là nhiên liệu tốt, cung cấp nhiều nhiệt lượng cho cơ thể chống lạnh.

- Không nên ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh.

- Không tắm khuya hoặc tắm quá lâu, tắm nơi không kín gió…

- Duy trì tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, có sức khỏe tốt hơn, phòng chống lại bệnh tật .

Tác giả bài viết: Hà My

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nhung-cach-suoi-am-nguy-hiem-trong-ngay-lanh-a58288.html