Thôi miên và những bí ẩn trong thế giới tiềm thức vẫn còn nhiều nghi vấn

Thôi miên là một quá trình mà khi đó các chức năng suy nghĩ có ý thức bị bỏ qua và một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập.

Một số dấu hiệu của sự thôi miên và sự thay đổi có thể đạt được trong thời gian ngắn mà không cần tới quá trình thôi miên lâu dài có thể làm tăng tính nghi ngờ và hiểu lầm về thôi miên và trạng thái bị thôi miên. 

Nhiều người vẫn không tin tưởng vào phương pháp chữa bệnh này nhưng một số khác lại coi đây là một công việc thực sự và còn coi nó là một phương hướng điều trị mới trong tương lai.

Có hay không ý thức trong khi bị thôi miên?

Thuật thôi miên được biết đến từ những năm 1700. Trong những phát hiện gần đây, người Ai Cập cổ đại hay người Hy Lạp đã thực hiện phương pháp này trong những nghi lễ từ cách đây khoảng 3.000 năm. 

Người đầu tiên sử dụng thôi miên để chữa bệnh là bác sĩ Franz Anton Mesmer người Áo ở thế kỷ 18. 

Thuật ngữ thôi miên (hypnosis) được đặt tên bởi bác sĩ người Scotland James Braid, ông đã nghĩ có thể sử dụng thôi miên trong phẫu thuật và cho tới ngày nay nó vẫn được sử dụng bởi nhiều bác sĩ, nha sĩ, nhà tâm lý... bất chấp việc thôi miên và những người sử dụng nó trở thành đối tượng cho nhiều nghiên cứu, sự chỉ trích, nghi ngờ và cả huyền bí.

Nhiều người tin rằng người ta thường ngủ trong khi đang bị thôi miên nhưng thực tế không hẳn như vậy. Những nhà nghiên cứu cho rằng trong quá trình thôi miên, bạn rất tỉnh táo và tự kiểm soát những hành động của bản thân. Khi đó bạn hoàn toàn có thể nghe được những điều nhà thôi miên nói nếu bạn thực sự muốn và cố gắng lắng nghe. Mặc dù vậy, nhận thức của người bị thôi miên thường hướng vào bên trong chứ không phải thế giới bên ngoài. 

Chính vì vậy mà cơ thể sẽ lắng nghe một cách vô thức trong khi tâm trí của bạn có thể lang thang ở bất cứ đâu. Ngược lại với nhận thức sai lầm phổ biến, thuật thôi miên không phải là khả năng kiểm soát suy nghĩ hay năng lực thần bí nào đó. Dưới tác dụng của thôi miên, hoạt động não bộ của bạn thay đổi và chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác.

 

Dưới tác dụng của thôi miên, hoạt động não bộ của bạn thay đổi và chuyển sang trạng thái khác.


Một số bộ phận của não bộ trở nên thư dãn hơn trong lúc thôi miên, trong khi những phần khác trở nên chủ động hơn, theo nghiên cứu của tiến sĩ David Spiegel, giáo sư về tâm thần học Đại học Y Stanford. Spiegel và đồng nghiệp của ông đã chọn ra 57 người tham gia nghiên cứu này. 

36 trong số 57 người hiển thị mức độ cao của tính nhạy cảm thôi miên, trong khi những người khác dường như không xuất hiện trạng thái bị thôi miên. Hoạt động não của những người tham gia thí nghiệm được quét liên tục bằng máy cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Đây là một kỹ thuật quét nhằm đo những thay đổi trong lưu lượng máu đến não. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có những thay đổi cụ thể trong hoạt động và kết nối giữa một vài vùng não đặc thù, chẳng hạn như những vùng chịu trách nhiệm kết nối não và cơ thể. Người bị thôi miên cũng có sự gia tăng kết nối giữa các vùng vỏ não. Vỏ não trước trán giúp chúng ta lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ, trong khi thùy nhỏ giúp suy nghĩ kết nối với cơ thể. 

Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu này đã "cung cấp những bằng chứng quan trọng" giúp thuyết phục những bệnh nhân còn hoài nghi về tính khả thi của thôi miên trong trị liệu. Và qua cách thức hoạt động của não trong trạng thái bị thôi miên đã chứng minh thôi miên là một hiện tượng sinh học thần kinh khoa học chứ không phải "tiểu xảo" đầy bí ẩn.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định, một số người dễ bị thôi miên hơn người khác. Họ cũng đạt hiệu quả tốt hơn, đưa ra được những thông tin chính xác, đầy đủ hơn trong mỗi lần bị thôi miên. Trên thực tế, có một số người được coi là dễ bị "điều khiển" hơn số còn lại. 

Một nhà tâm lí học tại Đại học Stanford (Mỹ) sau khi tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận, 10-15% người lớn rất dễ bị thôi miên, tỉ lệ này là 80-85% với những trẻ dưới 12 tuổi (lứa tuổi mà chu trình xử lí của não chưa hoàn chỉnh). Có khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên.

Chữa bệnh từ… kiếp trước

Ta vẫn thường thấy trên phim ảnh thôi miên khiến con người có thể quên đi một phần ký ức nào đó. Nhưng sự thật là điều này có thể đúng chỉ khi người bị thôi miên thực sự muốn quên điều đó. Thôi miên cũng có khả năng giúp phục hồi trí nhớ trong một trạng thái hoàn toàn vô thức. 

Những phần ký ức đó khi bị kích thích có thể trở lại nhưng bị ngăn cản bởi việc sử dụng tiềm thức của mỗi người. Đã có nhiều người khi bị thôi miên nói rằng họ từng bị người ngoài hành tinh bắt cóc hay từng gặp quái vật... nhưng có rất ít hoặc không hề có bằng chứng nào chứng minh được những phần ký ức đó là sự kiện đã xảy ra hay do chính người bị thôi miên đang buộc bản thân tin vào điều đó.

Tạp chí Brain Research Bulletin đã công bố bài báo khoa học về mô hình hoạt động não (điện não đồ - EEG) của các tình nguyện viên bị thôi miên. Kết quả cho thấy, não có sự gia tăng đáng kể dải sóng gamma. 

Dải sóng gamma dao động ở tần số khoảng 40 Hz, thậm chí cao hơn, tương ứng với khoảnh khắc tạo cảm hứng sâu sắc. Những dải sóng khác của não, chẳng hạn như sóng theta tương ứng với trạng thái tinh thần thư dãn, hoặc đang hoạt động để giải quyết vấn đề. 

Có thể thấy sự khác biệt về nhận thức đau đớn giữa các tình nguyện viên tỉnh táo và tình nguyên viên trong tình trạng bị thôi miên. 

 

Nhà tâm thần học, giáo sư Jean M. Charcot ủng hộ việc sử dụng thôi miên như là một phương pháp để trị chứng rối loạn cảm xúc. Trong ảnh: Một buổi giảng bài của giáo sư Charcot có sự hiện diện của một nữ bệnh nhân.
 

Ở những người dễ rơi vào trạng thái thôi miên sâu, cảm giác đau giảm đáng kể nhờ sự hình dung trong suốt quá trình thôi miên và sau thôi miên. Câu hỏi đặt ra là những tình nguyện viên bị thôi miên có thực sự cảm thấy bớt đau đớn hay chỉ là sản phẩm của ý nghĩ.

Với thôi miên y khoa sẽ giúp người bệnh có thể thay đổi được nhiều hành vi xấu hoặc cũng có thể giúp họ quên đi những ký ức không đáng nhớ... Phương pháp này hướng đến một sự thay đổi vô thức trong bệnh nhân bằng cách đặt họ trong một trạng thái bị điều khiển hoàn toàn.

Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Phẫu thuật sọ não và hàm mặt, các nhà nghiên cứu tiến hành nhổ răng khôn của 24 tình nguyện viên. Mỗi bệnh nhân được nhổ một bên răng bằng cách sử dụng liệu pháp thôi miên để ngăn ngừa đau răng, trong khi răng còn lại được sử dụng biện pháp gây tê tại chỗ. 

Kết quả cho thấy, trong số những người bị thôi miên, chỉ có 2 đối tượng báo cáo xuất hiện cảm giác đau. Trong nhóm gây tê cục bộ, 8 người báo cáo bị đau. Bệnh nhân trong nhóm thôi miên ít bị đau hơn trong vài giờ đầu tiên sau khi nhổ răng.

Chuyên gia liệu pháp tâm lý nổi tiếng người Mỹ, ông Brian Vass trong một buổi chữa bệnh bằng thôi miên, hoàn toàn tình cờ ông đã đưa một nữ bệnh nhân của mình trải nghiệm cuộc hành trình về các kiếp trước của cô. 

Một nữ bệnh nhân là Catherin đã tìm đến bác sĩ Vass để than phiền về những cơn sợ hãi, nỗi ám ảnh, tính cáu bẳn của mình. Cô sợ nước, sợ bóng tối, không gian kín, sợ đi máy bay và luôn bị hành hạ bởi nỗi sợ cái chết. Sau khi áp dụng những biện pháp chữa bệnh thông dụng trong một thời gian dài, việc điều trị của bác sỹ không tiến triển. 

Thậm chí, tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu đi, các cơn sợ hãi và bất an tăng lên mỗi lúc một nhiều hơn. Sau khi suy tính, bác sĩ Brian Vass quyết định chữa trị bằng liệu pháp thôi miên vì cho rằng, nguồn gốc của những nỗi sợ hãi và ám ảnh hiện thời có thể được tìm ra khi quay trở về tuổi thơ của bệnh nhân.

Khi được bác sĩ thôi miên, Catherin thấy mình là một cô gái 18 tuổi sống trong ngôi nhà bụi bặm, nóng bức, không có nước... Cô đã miêu tả tỉ mỉ mọi thứ xung quanh và nhớ lại tên mình khi đó là Eronda. Tiếp theo đó lại là sự chuyển dịch về thời gian. 

Catherin thấy mình là một phụ nữ Tây Ban Nha 56 tuổi, mặc chiếc váy thêu đăng-ten màu đen đang nhảy múa trong một ngày hội của năm 1756... Các buổi thôi miên sau đó đã khiến bác sĩ Brian Vass kinh ngạc và bối rối vì những điều đang diễn ra. Liệu pháp thôi miên do ông áp dụng đã phải gánh chịu sự ngờ vực và lo ngại. 

Hiện nay bác sĩ Brian Vass điều hành một số khoa lâm sàng ở Mỹ và ông đã áp dụng thôi miên cùng các liệu pháp chữa bệnh truyền thống khác. Ông coi đó là cách thức hiệu quả khi điều trị các chứng bất an, nỗi ám ảnh và các thói quen có hại của người bệnh. Tuy nhiên sẽ còn phải tốn nhiều thời gian nữa để bổ sung những kiến thức mới, cụ thể hơn cho liệu pháp thôi miên để nó có thể trở nên phổ biến trong trị liệu.

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thoi-mien-va-nhung-bi-an-trong-the-gioi-tiem-thuc-van-con-nhieu-nghi-van-a58385.html