Thú thực, cho đến lúc này, tôi mới thấm lời khuyên của mẹ cũng như chị gái tôi ngày tôi về thông báo sẽ tổ chức đám cưới với cô ấy, người vợ hiện tại của tôi: Đừng dại mà lấy vợ hoang tàn, làm bao nhiêu cũng vẫn không đủ.
Không phải ngẫu nhiên, mẹ và chị gái tôi lại ngần ngại khi thấy tôi quyết định lấy cô ấy, một cô gái mà đám thanh niên trong công ty tôi ai cũng mơ ước: Xinh đẹp, sắc sảo và có công việc ổn định. Ngay từ thuở yêu đương, cô ấy đã tỏ rõ là một người tiêu hoang.
Lần đầu về nhà tôi chơi, được phân công nấu bữa cơm trưa, cả nhà tôi đã choáng ngợp khi thấy cô ấy xách về tận hai làn đầy ắp dù nhà chỉ có 5 người. Khi giở làn thức ăn ra mọi người còn ngạc nhiên hơn khi thấy toàn là những món đồ ăn cao cấp như tôm hùm, bề bề, thịt dê, nộm rau câu… Hẳn nào, lúc vào cửa hàng, cô ấy đã không ngần ngại lấy từ ví tôi 5 tờ 500.000 đồng.
Cô ấy hay đem chuyện nhà nọ mua ô tô, nhà kia chồng tặng vợ kim cương để trêu tức tôi. Và 1 lần cô ấy còn cả gan bảo: Đàn ông mà không mua nổi nhà, xe như tôi được coi là… hèn, bất tài vô dụng. Ảnh minh họa.
Một lần khác, khi được giao trọng trách mua hoa quả về biếu giỗ đầu người bác họ nhà tôi, cô ấy lại một lần nữa khiến nhà tôi ngạc nhiên khi đặt cả một giỏ hoa quả có đến mười mấy loại được xếp theo hình công, phượng hết sức cầu kỳ. Giỏ quả tới hơn 1 triệu đồng này tuy đẹp nhưng thật chẳng phù hợp với một đám giỗ ở làng quê nghèo. Cũng vì giỏ quả này mà cả làng nhà tôi đồn ầm lên rằng tôi yêu con đại gia.
Và dù nhà tôi cách trung tâm Hà Nội có hơn 30 km nhưng lần nào về nhà tôi chơi, cô ấy cũng đòi đi bằng taxi. Cô ấy bảo đi ô tô cho sạch và đỡ mưa, đỡ nắng dù tiền taxi bằng tiền công hơn 1 ngày làm việc của cô ấy.
Bản thân tôi, cũng nhiều lần rơi vào cảnh khốn đốn vì thói chi tiêu bốc đồng của cô ấy. Có lần đi chơi, chỉ vì thích mấy đồ mỹ phẩm, mà cô ấy đã móc gần như sạch ví của tôi khiến nửa tháng còn lại đó tôi phải vay bạn tiền tiêu.
Tuy vậy, tôi vẫn quyết cưới cô ấy vì ngoài thói tiêu hoang ra, cô ấy khá sắc sảo, nhanh nhẹn, dù không phải dạng hiền lành nhưng cô ấy cũng luôn biết điều và biết đối nhân xử thế. Đặc biệt, cô ấy có vẻ ngoài khá xinh đẹp. Là đàn ông mà, ai chẳng say đắm phụ nữ đẹp.
Tuy nhiên, khi về sống với nhau rồi tôi mới thấy lấy phải người vợ tiêu hoang thật kinh khủng.
Ai đời, dù chúng tôi còn ở nhà thuê mà cô ấy tiêu pha cứ như vợ đại gia không bằng. Tuần nào theo lịch của cô ấy cũng có ngày đi mua quần áo, giày dép. Cô ấy yêu việc mua sắm đến khủng khiếp, quán nào, hãng nào cứ có bộ sưu tập mới là cô ấy biết ngay, tìm đến và mua ngay.
Cô ấy mua nhiều đến mức một tủ quần áo bốn buồng mà vẫn không thể chứa hết đồ của riêng cô ấy. Ảnh minh họa.
Cô ấy mua nhiều đến mức một tủ quần áo bốn buồng mà vẫn không thể chứa hết đồ của riêng cô ấy. Cũng vì mua nhiều nên phần lớn quần áo của cô ấy cô đều không đụng đến lần thứ 3.
Đồ mặc đã vậy, đồ ăn cô ấy còn cầu kỳ hơn nhiều. Cô ấy không bao giờ có khái niệm mua thức ăn ở chợ cóc, hay các quầy trong chợ lớn. Cứ mua đồ ăn là cô ấy đến thẳng các cửa hàng đồ ngoại nhập hoặc có thương hiệu lớn mà giá cả có khi gấp đôi, gấp ba đồ ngoài chợ thông thường. Phương châm của cô ấy là: Miếng ăn vào miệng là phải an toàn nên không tính chuyện đắt rẻ.
Không chỉ mua đồ đắt mà cô ấy còn mua rất nhiều. Lần nào làm bít tết cho hai vợ chồng, cô ấy cũng phải mua đến cả cân thịt bò, mà ăn không hết là cô ấy đổ đi ngay vì bảo thức ăn ăn lại sẽ sinh bệnh. Tôi nhiều lần nhắc nhở vợ rằng mua ít đi cho đỡ lãng phí nhưng cô ấy vẫn chứng nào tật đấy.
Cũng vì thói tiêu hoang này mà nhà chỉ có hai vợ chồng son, trong khi lương tôi cũng không phải dạng thấp, tới 25 triệu/tháng và lương cô ấy 7 triệu nữa song có tháng vẫn rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, vợ chồng chia nhau 50 nghìn ăn sáng.
Chúng tôi kết hôn đã được hơn một năm, cũng chưa phải chi tiêu việc gì lớn vậy mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có nổi đồng tiền tiết kiệm nào. Thỉnh thoảng có đợt hết tiền đột xuất, chúng tôi vẫn phải vay tiền bạn bè.
Chúng tôi chưa có nhà và từ lâu tôi đã nói cô ấy tích góp tiền để mua nhà trả góp nhưng cô ấy cứ ừ hữ cho qua. Và với tình trạng này không biết đến bao giờ tôi mới có thể thực hiện được giấc mơ có nhà có cửa.
Nhưng đâu chỉ có vậy. Thời gian gần đây, chẳng hiểu a dua bạn bè ở đâu, cô ấy còn đòi mua ô tô dù thừa biết trong nhà chả có đồng dư nào. Cô ấy bảo thời nay còn đi xe máy thì lẹt đẹt quá.
Tất nhiên tôi không đồng ý chuyện này và kể từ đó cô ấy tỏ thái độ khác hẳn. Cô ấy thường xuyên đem chuyện nhà nọ mua xe nọ, nhà kia chồng tặng vợ kim cương như để trêu tức tôi. Và một lần cô ấy còn cả gan bảo rằng: "Đàn ông mà không mua nổi nhà, xe như tôi được coi là… hèn, là bất tài vô dụng". Nghĩ mà muốn nổi nóng.
Đúng là tôi chưa giỏi nhưng tôi nghĩ với cách chi tiêu của cô ấy có lẽ tôi kiếm đến cả trăm triệu/tháng thì nhà tôi vẫn cứ túng quẫn mà thôi.
Vậy nên hôm qua khi đọc bài: "Ở Hà Nội, gia đình tôi tháng nào ‘vứt đi’ cũng chi hết 50 triệu", tôi chẳng có gì ngạc nhiên. Tiền chẳng bao giờ là đủ trong tay người chi hoang, nhất là ở giữa thủ đô đắt đỏ và có nhiều thứ mê hoặc như vậy.
Chỉ có điều tôi muốn nói với tác giả bài viết, Đỗ Anh Tùng rằng sẽ có nhiều lúc bạn không thể làm ra tiền nhưng lại phải tiêu tiền rất nhiều. Vậy nên người khôn ngoan bao giờ cũng giữ những khoản tiền phòng thân cho mình, cho gia đình và cho tương lai.
Tác giả bài viết: Ngọc Thành (Hai Bà Trưng, HN)