Ngôi làng như đóa sen nở giữa hồ

Điều đặc biệt của làng cổ Hahoe (Hàn Quốc) là không xây giếng trong làng và các bức tường chủ yếu làm từ đất.


Bao quanh ngôi làng cổ 600 năm tuổi ở tỉnh Andong là dòng sông Nakdong uốn lượn hình chữ S, tạo nên cái tên Hahoe (ha nghĩ là sông, hoe nghĩa là bao quanh). Một số người khác lại cho rằng địa thế như vậy khiến làng giống như đóa sen nổi trên mặt nước hay con thuyền bồng bềnh trên sông.
 

Để đến làng, du khách sẽ phải gửi xe ở ngoài và đi bộ trên con đường xuyên giữa hai hàng cây thẳng tắp. Vào mùa hè, lối đi xanh mát rợp bóng cây nhưng thu đến, con đường trở nên lãng mạn với những tán lá vàng đỏ. Du khách vừa đi vừa tận hưởng không gian thanh bình và dừng lại nghỉ chân khi mỏi gối.
 

Đây là nơi sinh sống của dòng họ Ryu và là cái nôi ra đời hai nho sĩ nổi tiếng dưới triều đại Joseon: Ryu Unryong và Ryu Sengryong. Trải qua hàng trăm năm, những mái lợp ngói, lợp rơm ở đây vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
 

Những ngôi nhà ở đây cũng được phân cấp và du khách có thể dễ dàng nhận ra thông qua kiến trúc tường bao, mái ngói, sân vườn. Nhà của giới quý tộc nằm ở vị trí trung tâm, xung quanh là nhà của tầng lớp thấp hơn.
 

Thông thường những ngôi làng ở Hàn Quốc nhà quay mặt về hướng nam hoặc đông nam. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở làng Hahoe là các ngôi nhà đều hướng mặt ra sông. Do được ví là đóa sen nở giữa hồ nên trong làng người dân không được đào giếng. Họ quan niệm rằng nếu có giếng nước trong làng sẽ khiến "nước trong hồ cạn kiệt". Người dân xưa kia cũng kiêng kỵ xây tường đá quanh nhà thay vì tường đất. Ngày nay, chỉ cần nhìn vào tường bao, du khách có thể phân biệt được những ngôi nhà nguyên thủy (tường đất) và những ngôi nhà được phục chế lại (tường đá).
 

Hiện có rất nhiều con cháu của dòng họ Ryu vẫn sinh sống trong làng. Dù sắm sửa thêm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống, nhưng nếp nhà xưa vẫn được các thế hệ giữ gìn. Trong làng còn có riêng tuyến xe buýt phục vụ người dân đi lại.
 

Trung tâm làng là cây cử (zelkova) cổ thụ. Tương truyền cây là nơi ngự của nữ thần Sam Sin phù trợ việc sinh sản, nuôi dưỡng trẻ em trong làng. Du khách khi đến đây có thể ước nguyện bằng cách viết lên giấy có sẵn (đặt gần đó) và buộc lên dây quấn quanh cây. Hướng dẫn viên ở đây cho biết mỗi năm, các tờ giấy ghi nguyện ước được đốt một lần và dây mới sẽ được treo lên.
 

Biểu diễn múa mặt nạ là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến làng. Tại đây, các nghệ sĩ sẽ sắm vai những nhân vật tiêu biểu để kể về các câu chuyện điển hình trong làng. Bạn có thể hình dung các nhân vật này giống như lý trưởng, mõ, Thị Nở, Chí Phèo... đại diện cho các tầng lớp trong xã hội.

Dù các nghệ sĩ dùng hoàn toàn bằng tiếng Hàn nhưng buổi diễn thu hút rất đông khách quốc tế và ngôn ngữ được truyền tải khéo léo qua các động tác hình thể. Một ngày sẽ có khoảng 8 suất diễn, kéo dài từ 12h đến 15h40.
 

Nếu muốn nếm thử đặc sản của vùng, bạn nên tìm món Jjim-dak trong chợ truyền thống Andong, cách làng khoảng 30 phút đi xe. Đây là món gà được tẩm gia vị, chế biến cùng khoai tây, miến và ninh nhỏ lửa.

Trong chợ truyền thống Andong có con phố chuyên bán món này mang tên Jjim-dak Golmok. Bạn sẽ cảm nhận được sự nổi tiếng của món ăn cũng như con phố khi thấy hàng dài khách đứng ngoài cửa chờ đến lượt phục vụ.

Tác giả bài viết: Vy An - Ảnh: Trang Lê - Vy An

Link nội dung: https://haiphong24h.org/ngoi-lang-nhu-doa-sen-no-giua-ho-a67658.html