Thọ Xương nằm lắt léo nối 2 con ngõ khác là Ngõ Huyện và Ấu Triệu. Không gian vỉa hè, nằm ngay đầu phố ngõ Huyện với những vật dụng đơn giản đó là chiếc ghế nhựa nhỏ vừa dung để khách làm ghế, vừa làm bàn.
Dân sành ăn ở phố cổ Hà Nội thường bảo nhau nếu muốn ăn cháo ở đây phải đi sớm, thường thì trước 5 giờ chiều không thì những quán cháo ở đây sẽ hết hàng. Cháo sườn là món ăn dân dã đơn giản ở bất cứ đâu cũng thế và chốn Ngõ Huyện cũng không nằm ngoại lệ, chỉ một nồi cháo cùng vài ba cái ghế. Bát cháo không phải ăn lấy no mà ăn cho qua cơn đói. Nhưng người Hà Thành vẫn đến vẫn ghé qua với tâm tưởng muốn tìm về dư vị của quá khứ một thời khó khăn.
Thực khách đủ loại nhưng là đám học trò là đông hơn cả. Nhiều người ăn ở đây từ thuở cắp sách đến trường và cho đến nay, họ vẫn bảo rằng những quán ăn ở đây ăn ngày còn bé, đến giờ vẫn thấy ngon, đầy đặn, quẩy giòn và cô bán hàng cũng nhiệt tình.
Quán ở đây có hai loại cháo là cháo sườn và cháo trai, cháo sườn nhuyễn mịn, màu trắng trong trong, từng miếng vừa đưa vào miệng đã thấy tan chảy ngọt lịm vị xương hầm đậm đà. Cháo phải ăn kèm với quẩy giòn, và thêm mấy sợi ruốc thịt để tăng thêm độ ngon miệng.
Khác với các nhà hàng máy lạnh ngồi ở đây có cái thú rất riêng. Vừa ăn, vừa quan sát mọi người đi lại trong ngõ với ngoài phố nườm nượp. Mùa lạnh, đám học trò thích nhất là chiều tan học về rủ nhau đi ăn cháo sườn. Các cô bán hàng rất thân thiện, mặc dù hàng cháo chiều nào cũng rất đông, chỗ ngồi cũng không nhiều nhưng các cô vẫn sắp xếp được cho đám 5-6 đứa học sinh ngồi.
Tác giả bài viết: Hữu Thắng
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chao-suon-ngo-huyen-ngon-khet-tieng-dat-ha-thanh-a69448.html