Điện thoại di động của bạn bẩn gấp 18 lần bồn cầu

Ngoài những vi khuẩn vô hại, điện thoại di động dễ bị nhiễm các mầm bệnh như E. Coli tiềm tàng nguy cơ gây ngộ độc.

Nhiệt độ luôn ấm áp của chiếc smartphone được xem là môi trường cực kỳ thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển.

Theo một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Standford, chiếc điện thoại thông minh của bạn có thể bẩn hơn cả bồn cầu tại các nhà vệ sinh công cộng. Sự thật này có thể khiến nhiều người cảm thấy hãi hùng khi hàng ngày, họ vẫn thường xuyên đặt nó lên mặt để nghe, gọi.

Theo nghiên cứu này, số lượng vi khuẩn trên một inch vuông của smartphone là 25.107, gấp 18 lần so với một inch vuông của bồn cầu nhà vệ sinh công cộng (1.201), gấp 14 lần bề mặt bếp ga (1.736 con vi khuẩn trên mộtt inch vuông) và gần 12 lần so với đĩa đựng thức ăn của các con thú cưng trong gia đình (2.110 con vi khuẩn trên một inch vuông).

iPhone hoặc điện thoại Android, đặc biệt là màn hình của chúng, được coi như một thỏi nam châm, thu hút hàng nghìn các loại vi khuẩn mới mỗi khi bạn chạm vào vật gì đó, sau đó chạm vào màn hình máy. Do đó, khi đưa smartphone lên mặt, bạn có thể tạo cơ hội cho hàng triệu smartphone tiếp xúc với mặt mình.

 

Các khay vi khuẩn được kiểm tra tạiTrung tâm Y tế Đại học Columbia. Ảnh:BuzzFeed.


Mọi người đều có vi khuẩn trên da. Các nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với vi khuẩn từ khi còn bé giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và duy trì vi khuẩn tốt trong đường ruột, tuy nhiên cần tránh xa các mầm bệnh như E. coli. salmonella, Ebola, cúm gia cầm...

Gắn liền với đời sống con người hiện đại, điện thoại di động bị xem là một trong những đồ vật bẩn nhất. Trang BuzzFeed đã thử kiểm tra điện thoại của 20 người ngẫu nhiên tại phòng thí nghiệm Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ) và phát hiện 100% máy chứa đầy mầm bệnh.

Dưới đây là những vi khuẩn được tìm thấy trên 20 chiếc điện thoại.

Các vi khuẩn vô hại

Hầu hết điện thoại trong cuộc thử nghiệm dương tính với 5 loại vi trùng từ da, miệng, mũi và môi trường.

Streptococcus viridans: Streptococcus viridans sống trong miệng và cổ họng. Nó được truyền sang điện thoại khi bạn nói chuyện, chạm vào sau khi vừa đưa tay lên môi hoặc ho. Streptococcus viridans thường vô hại nhưng có thể gây nhiễm trùng ở những người yếu.

Moraxella: Có nguồn gốc từ xoang, Moraxella hay thấy ở người bị viêm xoang hoặc chảy dịch sau mũi. Quá nhiều Moraxella dẫn đến viêm tai trong hoặc nhiễm trùng máu ở trẻ em và người suy giảm miễn dịch.

Staphylococcus epidermidis: Loại vi khuẩn thuộc nhóm tụ cầu trắng này hoàn toàn vô hại và dễ dàng bám lên điện thoại khi bạn chạm vào hoặc gọi điện.

Micrococcus: Tùy loại da, người ta có thể có nhiều hoặc ít Micrococcus. Tương tự như Staphylococcus epidermidis, bạn sẽ khiến điện thoại của mình dính Micrococcus nếu áp vào mặt hoặc nói chuyện thường xuyên.

Bacillus: Đây là loại vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường và là dấu hiệu cho thấy bạn vừa đi ra ngoài. Lượng Bacillus nhiều có nghĩa là điện thoại bạn rất bẩn nhưng không gây ra bệnh tật.

Các mầm bệnh nguy hiểm

Staphylococcus aureus: Staphylococcus aureus (viết tắt SA) là loại vi khuẩn xuất hiện trong mũi hoặc trên da. Hầu hết mọi người không biết mình mang vi khuẩn SA khiến nó dễ dàng phát tán rồi dẫn đến nhiễm trùng da và máu (đối với vết thương hở), mụn nhọt, ngộ độc, hội chứng sốc độc, thậm chí tử vong.

SA sống được ở các bề mặt như tay nắm cửa, nhà vệ sinh công cộng, phòng gym. Tốt nhất, bạn nên lau thiết bị phòng tập trước và sau khi sử dụng đồng thời đặt điện thoại trong một chiếc khăn để tránh bị nhiễm SA, MRSA.

Candida albicans: 2 trong số 20 điện thoại dương tính với nấm men Candida albicans. Nó không quá phổ biến nhưng có thể gây nhiễm nấm hoặc tưa lưỡi.

Nhìn chung, số lượng vi khuẩn trên điện thoại tương đối thấp nên khó gây nguy hiểm cho người lớn khỏe mạnh.

E. Coli: Thường được tìm thấy trong phân, E. Coli tồn tại trong đường tiêu hóa cùng các vi khuẩn đường ruột khác. Dù chỉ một số chủng gây bệnh, E. Coli nói chung vẫn tiềm tàng nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là tử vong.

Nó có trên điện thoại do bạn không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc mang điện thoại vào nhà vệ sinh công cộng. Cầm chiếc máy nhiễm E. Coli từ phân thực sự có thể làm bạn bị ốm.

Tụ cầu vàng kháng Methicillin: Tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh nên còn được gọi là siêu khuẩn.

 

Tụ cầu vàng kháng Methicillin. Ảnh:BuzzFeed.


Nó dễ dàng gây tổn thương nghiêm trọng ở da, nội tạng; đôi khi dẫn đến tử vong. MRSA lây lan nhanh chóng ở những môi trường như cơ sở y tế, đặc biệt nếu bạn bị một vết thương hở hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

Dưới đây là một số cách đơn giản để bảo vệ chiếc điện thoại của bạn:

1. Lau sạch mỗi ngày: Hãy lau sạch chiếc smartphone của bạn mỗi ngày bằng một loại nước lau rửa không ăn mòn chuyên dụng. Tìm đến các cửa hàng bán đồ điện tử và họ sẽ đưa ra lựa chọn giúp bạn.

2. Chú ý đến bàn phím: Nếu smartphone của bạn có bàn phím vật lý, hãy cố gắng làm sạch nó. Bạn nên bắt đầu làm sạch bằng một miếng gạc bằng cotton, nhúng với rượu pha loãng để vệ sinh. Hãy đảm bảo bạn không chà sát quá mạnh và không để rượu lọt vào bên trong điện thoại.

 

Vi khuẩn luôn tồn tại trong chiếc điện thoại của bạn


3. Rửa tay thường xuyên: Đây là một gợi ý có vẻ thừa nhưng bàn tay bẩn thỉu của bạn chính là con đường nhanh nhất đưa vi khuẩn đến với chiếc smartphone. Nhưng nên nhớ, việc bạn rửa tay sẽ là vô dụng nếu không vệ sinh chiếc smartphone của mình thường xuyên trước.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo bạn vệ sinh máy thường xuyên và rửa tay kỹ càng. Ngoài ra, đừng mang điện thoại vào toilet hoặc sử dụng trong khi ăn.

Tác giả bài viết: Cẩm Nhung

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/dien-thoai-di-dong-cua-ban-ban-gap-18-lan-bon-cau-a72953.html