Năm 2015, Thái Lan đã gạt tên người Trung Quốc, Hàn Quốc để bước lên ngôi vị nhà cung cấp xe số 1 cho thị trường Việt Nam, dù năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn xếp sau các “đại gia” trên. Song liệu ngôi vị này có thể trụ vững khi một công xưởng toàn cầu mới nổi bắt đầu đẩy mạnh bán hàng tại Việt Nam là Ấn Độ với chiến lược xe giá rẻ?
Tại Việt Nam, giá xe ôtô ngày càng rẻ, tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người mua, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Đóng vai trò chủ đạo trên thị trường vẫn là doanh nghiệp nội địa, gồm các công ty trong nước như Trường Hải và các liên doanh. Tuy nhiên, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn có chỗ đứng nhất định. Báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy năm 2015 thị trường tiêu thụ gần 245.000 chiếc xe ôtô; còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số xe nhập khẩu nguyên chiếc trong năm ngoái là gần 122.000 chiếc từ 12 thị trường chủ yếu.
Chưa thể xác định trong số xe nhập khẩu này, xe giá rẻ và xe sang chiếm tỉ trọng là bao nhiêu, nhưng nếu quan sát trên thị trường, có thể nhận thấy xu hướng từ đầu năm đến nay là nhập khẩu xe sang để né thuế tiêu thụ đặc biệt bắt đầu tăng lên từ ngày 1.7.2016. Theo thống kê, các dòng xe từ các quốc gia phát triển như Anh, Đức, Nhật gần như tăng gấp đôi số lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm so với cả năm ngoái.
Chính hàng rào thuế quan cũng giúp Thái Lan củng cố vị trí tại thị trường Việt Nam. Tính chung 8 tháng đầu năm, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu về nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam cả về số lượng lẫn kim ngạch, lần lượt là 21.151 xe (tăng 43% so với cùng kỳ) và gần 391 triệu USD (tăng 64%). Đáng chú ý, ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm mạnh tới hơn một nửa, từ mức 18.868 xe xuống chỉ còn 8.369 xe.
Sau mốc thời điểm đầu năm nay, thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các quốc gia Đông Nam Á về Việt Nam giảm từ mức 50% về còn 40%. Hiện nay là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa dần ngành công nghiệp ôtô sau nhiều năm bảo hộ. Trên thực tế, thuế cao không những giúp các công ty nội địa như Trường Hải, mà còn là những liên doanh sản xuất. Các công ty này chỉ có lợi thế nếu như rào cản thuế nhập khẩu còn ở mức cao. Nếu không, nhập khẩu xe nguyên chiếc mang lại lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, tâm lý người dùng Việt Nam vẫn chuộng xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước.
Các dòng xe Ấn Độ đã được các đại lý nhập về từ lâu. Năm ngoái, số lượng xe nhập khẩu từ Ấn Độ là 25.146 chiếc, nhiều hơn Thái Lan và xếp sau Hàn Quốc, Trung Quốc. Số lượng xe nhập khẩu gắn mác 4 quốc gia này chiếm gần 85% thị trường. Ấn Độ đang nỗ lực xuất khẩu xe “Made in India” ra thế giới với lợi thế về giá. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm, người Việt chi bình quân 6.755 USD cho mỗi chiếc xe Ấn Độ nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (2,7 lần), Hàn Quốc (2,5 lần) và Trung Quốc (5,6 lần).
Nếu như trước đây các đại lý chủ động tìm kiếm nguồn hàng để nhập xe thì nay các hãng xe Ấn Độ cũng đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Đầu tháng 9, liên doanh giữa Tata Motors (Ấn Độ) và TMT Motors giới thiệu mẫu xe tải nhỏ mới. Liên doanh này được lập giữa năm ngoái. Tata Motors là 1 trong 4 nhà sản xuất ôtô lớn tại Ấn Độ, trong khi TMT Motors chỉ lắp ráp các dòng xe thương mại (xe tải) tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Ravindra Pisharody, Giám đốc Xe thương mại Tata Motors, tính đến nay, hơn 1,5 triệu xe tải nhẹ thuộc dòng xe Ace đã được bán ra trên toàn thế giới. Có lẽ vì vậy, Tata Motors mới chỉ giới thiệu dòng xe tải tại Việt Nam dù hãng xe Ấn Độ này nổi tiếng trên thế giới với dòng xe Nano, được gán biệt danh là “xe 2.000 USD” (mức giá bằng với khi giới thiệu vào năm 2009). Theo quan điểm của ông chủ Tata, với những dòng xe giá rẻ, những người đi xe 2 bánh có thể nâng cấp lên xe 4 bánh. Ở Việt Nam, Nano dự kiến được mang về vào cuối năm 2017. Ở thời điểm mới giới thiệu, Nano có giá rẻ hơn gấp 3 lần so với dòng xe đối thủ gần nhất có thể so sánh. Các đơn đặt hàng được đưa về liên tục và do bán ra với số lượng lớn nên chi phí sản xuất bình quân cho mỗi chiếc xe tiếp tục giảm mạnh nhờ lợi thế sản xuất quy mô lớn.
Ông Rudrarup Maitra, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh và Xe thương mại quốc tế tại Tata Motors, cho biết: “Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam mang đến cơ hội lớn cho chúng tôi”. Được biết, Tata Motors thỏa thuận nhập khẩu theo cả 2 hình thức nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và lắp rắp linh kiện (CKD). Thỏa thuận này giúp Tata thử nghiệm sản phẩm phù hợp ngay cả khi chưa đủ lực để lắp ráp theo hình thức CKD.
Ở Việt Nam, liệu dòng xe giá rẻ có chỗ đứng? Giá xe chính hãng tối thiểu của một chiếc ôtô du lịch hiện nay đã giảm còn gần 400 triệu đồng/chiếc, nhưng chủ yếu là dòng xe nhỏ. Trên đường phố xuất hiện nhiều dòng xe nhỏ như Hyundai Grand I10, Chevrolet Spark, Kia Morning... Các dòng xe này đều đã lắp ráp tại thị trường Việt Nam, nhưng có dòng ráp tại Ấn Độ rẻ hơn hẳn.
Trên thực tế, chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, cách định vị sản phẩm là giá rẻ đôi khi mang lại hiệu ứng ngược, nhất là người Việt được cho là “trọng hình thức”. Rõ ràng, người Việt sẽ thích một thương hiệu không quá đắt tiền từ Thái Lan, Hàn Quốc hơn là thương hiệu giá rẻ từ Trung Quốc và thậm chí có thể là cả Ấn Độ.
Nano của Tata cũng vướng phải bài toán marketing tương tự. Ngày nay, Nano nâng cấp các phụ tùng, tăng giá bán và bắt đầu đổi khẩu hiệu truyền thông, thay vì “giá rẻ nhất” thành “xe tuyệt vời”. Ấn Độ cũng gặp một bài toán khác về giá. Người Ấn có sản phẩm giá thành rẻ nhưng không có lợi thế về thuế như các quốc gia mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do. Ôtô không nằm trong danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (AIFTA) trong khu vực Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2018, đồng nghĩa với thuế suất ở quanh mức 68%. Đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu một số dòng xe CBU (tỉ lệ nội địa hóa 40%) trong khu vực ASEAN sẽ là 0%, đem lại lợi thế cho các nhà sản xuất xe ôtô như Thái Lan.
Thuế cao nhưng giá vẫn rẻ hơn so với thị trường, xe Ấn Độ dự kiến sẽ vẽ lại thị trường tiêu dùng ôtô Việt nhưng có làm nên chuyện lớn hay không thì còn phải chờ thời gian. Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm, số lượng nhập khẩu từ Thái Lan lại tăng vọt trong 8 tháng đầu năm nay (bằng 84% lượng nhập khẩu trong năm ngoái), nhiều hơn so với Ấn Độ (37%), Hàn Quốc (49%) còn Trung Quốc là 31%.
Tác giả bài viết: Thiên Phong
Link nội dung: https://haiphong24h.org/oto-gia-re-vao-vong-dua-moi-a74997.html