Sáng nay (18/11), trao đổi với phóng viên Dân Trí và một số phóng viên báo chí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ quan điểm về quyết tâm của Thủ tướng nhằm xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, cũng như vấn đề từ chức hay việc loại bỏ cán bộ, công chức tham nhũng, nhũng nhiễu khỏi bộ máy công quyền. Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (ảnh: BD)
Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc bãi nhiệm Bộ trưởng
Thực tế vừa qua cho thấy rằng, có những người từng nắm giữ chức vụ rất cao, đến lúc nghỉ hưu phát hiện hàng loạt vấn đề thì mới vỡ lẽ rằng: “Giá như có thể xử lý lúc đương quyền…”. Nay Thủ tướng quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và có thể lay chuyển được cả bộ máy, như vậy, quyền của Thủ tướng như thế nào với những người dưới mình?
- Không phải cơ chế không có. Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội đều quy định quyền của Thủ tướng: Thủ tướng là người có quyền trình ra Quốc hội danh sách thành viên Chính phủ để Quốc hội phê duyệt.
Tôi nghĩ, cơ sở chính trị đã có, vấn đề là Thủ tướng có quyết tâm không thôi. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi có đề cập đến việc, đối với những cán bộ tha hóa, biến chất, không có năng lực, không thể đảm đương được chức vụ hoàn thành nhiệm vụ thì có thể cho thôi chức hoặc bãi chức, không chờ đến hết nhiệm kỳ. Đó là cơ sở chính trị hết sức quan trọng mà Thủ tướng có thêm điều kiện để thực hiện thay đổi cán bộ dưới quyền.
Cùng với quy định trong Hiến pháp, với Luật tổ chức của Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng càng có thẩm quyền hơn khi chủ động đưa ra thay thế những nhân vật nào đó không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hoặc tha hóa biến chất.
Liệu có cần thay đổi về mặt cơ chế?
-Về cơ chế thì tôi thấy không cần phải thay đổi. Với Nghị quyết Trung Ương 4 thì hoàn toàn đã có căn cứ chính trị để Thủ tướng có thể sử dụng quyền của mình.
Còn về năng lực pháp lý thì Thủ tướng đã có rồi, nếu như Thủ tướng thấy rằng các thành viên trong Chính phủ do mình lựa chọn không xứng đáng thì Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc bãi nhiệm, cho thôi chức thậm chí là kỷ luật để thay thế người khác.
Hôm qua, sau phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của một số Bộ trưởng, tôi có hỏi Thủ tướng rằng: Thủ tướng có đánh giá gì về phẩm chất, trí tuệ, năng lực, khả năng hoàn thành thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng đã nói rằng, bàn tay 5 ngón có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay, ý muốn nói rằng, đây là một thể thống nhất. Có người xuất sắc, cũng có người mới tiếp cận vấn đề nhưng Thủ tướng vẫn tin rằng Chính phủ là một thể thống nhất, đoàn kết đủ sức để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Chúng ta hãy cứ tin tưởng như vậy!
Văn hóa từ chức xuất phát từ gốc rễ giáo dục
Một số đại biểu Quốc hội vừa qua đặt vấn đề về văn hóa từ chức. Thực ra không phải đây là lần đầu tiên có người nói đến điều này, nhưng việc từ chức trong suốt thời gian qua trên thực tế vẫn chưa thể hiện rõ nét…
-Văn hóa từ chức không phải là một hiện tượng pháp lý mà đây là một hiện tượng xã hội. Đã là hiện tượng xã hội thì phải do xã hội điều chỉnh.
Theo tôi, văn hóa từ chức chưa diễn ra ở nước ta là vì mấy lẽ:
Thứ nhất đó là do lòng tự trọng của con người, do sự liêm sỉ ở trong mỗi cá nhân. Chúng ta thấy rằng, xã hội đang có một hiện tượng khá phổ biến là “mua tước bán quan”, đấy là một hiện tượng đáng cảnh báo, trở thành một trào lưu. Thế nên khi anh từ chức, anh thành thiểu số.
Thứ hai, đó là do bản tính tham quyền cố vị. Họ không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ cá nhân, vì sự tham quyền, tham lợi nên không buông bỏ được, dù không xứng đáng.
Thứ ba là do cơ chế đánh giá cán bộ chưa rành mạch, không có căn cứ so sánh nên chưa tạo ra áp lực để những người giữ các chức vụ trong bộ máy thấy rằng mình không đảm đương được.
Nhiều người cho rằng họ đã được bầu lên, đã được bổ nhiệm thì đã xứng đáng, và họ thấy rằng những lời họ nói ra là đúng, những điều họ làm là đúng. Chúng ta không có cơ chế kiểm soát quyền lực cho nên chưa tạo ra được áp lực để những người không xứng đáng nhận diện được bản thân.
Thứ tư là sự giám sát của cộng đồng xã hội, phải có hiệu quả và đưa ra được những bằng chứng công khai, tạo áp lực về dư luận.
Nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất của vấn đề là giáo dục lòng tự trọng của con người. Xưa kia cha ông ta dạy con người có luân thường đạo lý, có đạo đức, liêm sỉ, lòng tự trọng. Gốc rễ của giáo dục phải đi từ đó. Một thời chúng ta đã xem nhẹ.
Nếu chúng ta nhớ lại bài thơ “Con cá chột nưa” của Tố Hữu thì mới thấy rằng, chỉ có một mình ông ấy với con cá, với chột nưa, nếu chỉ cần thỏa mãn ham muốn của ông ấy thì cũng không ai biết. Nhưng trong con người của ông ấy có một con người khác, đánh thức dậy lòng tự trọng, kỷ luật, thái độ trước Đảng, sự trung thành với Đảng, đã cảnh báo con người phàm tục nên ông ấy đã né tránh được tham lợi.
Mỗi con người cần được giáo dục và thấm nhuần đạo lý từ nhà trường, từ gia đình và từ xã hội. Khi xã hội có đầy đủ những phẩm chất đấy thì hẵng nói đến văn hóa từ chức.
Ở Nhật Bản, sở dĩ có một vi phạm của cấp dưới mà cấp trên dám từ chức là vì xuất phát từ truyền thống võ sĩ đạo, họ có lòng tự trọng rất ghê gớm.
Hay như văn hóa từ chức diễn ra ở các nước phương Tây là bởi vì văn minh nghị viện, văn minh xã hội tiếp cận sớm hơn chúng ta. Họ sống trong áp lực xã hội với lòng tự trọng và sự liêm sỉ. Con người họ được đề cao trước hết là ở lòng tự trọng chứ không phải là chức tước, từ chức thể hiện sự tự trọng của con người. Vụ việc về cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để lại nhiều suy nghĩ về vấn đề tổ chức nhân sự
Nhiều người "đầu tư" làm công chức Nhà nước là có lý do
Quan điểm của ông như thế nào về một bộ phận cho rằng cố gắng vào làm Nhà nước và khi đạt được một chức vụ nào đấy là một sự đầu tư, sau đó là để gặt hái?
-Sở dĩ có tâm lý đó là họ nhìn vào hiện trạng xã hội. Dù kinh tế có khó khăn, thiên tai có dồn dập thì thu nhập khi làm công chức, viên chức vẫn đủ sống ở mức tối thiểu nên khu vực Nhà nước an toàn hơn. Làm nông nghiệp thì thiên tai đe dọa, làm tư nhân thì phá sản đe dọa. Trong khi đó, công chức viên chức hưởng lương ngân sách một cách đều đặn, nên có những người “đầu tư” vào đó là có lý do.
Muốn thay đổi nhận thức đó thì phải thay đổi tính chất phục vụ của Nhà nước. Từ Nhà nước nặng về quản lý lãnh đạo sang Nhà nước phục vụ, lấy tinh thần phục vụ làm thước đo phẩm chất của công, viên chức Nhà nước, coi quan hệ Nhà nước với công dân là quan hệ hợp đồng, dân bỏ tiền ra để chi trả cho bộ máy Nhà nước thì ngược lại bộ máy Nhà nước phải phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Như Bác Hồ từng nói rằng, “một Chính phủ mà phản lại lợi ích của nhân dân thì dân có quyền có đuổi Chính phủ đó đi”, như vậy, thay đổi quan niệm chính là cái gốc để thay đổi mọi vấn đề.
Nói vậy nhưng để thay đổi nhận thức mọi cá nhân là rất khó, không phải trong ngày một ngày hai. Trước mắt cần làm gì để loại bỏ cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu khỏi bộ máy công quyền?
-Trung ương 4 vừa rồi xây dựng nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đồng thời cũng đề cập đến các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là một chính sách rất tích cực từ phía Đảng để mở đường cho việc sửa sang lại các chính sách phía Nhà nước.
Quốc hội cũng đã thông qua một loạt các nghị quyết có tác động rất mạnh. Đấy chính là cơ sở để cải tổ các chính sách pháp luật.
Thứ ba là sự quyết tâm của cả hệ thống. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 20 thành lập đoàn giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, dự kiến trong năm 2017, đoàn giám sát phải báo cáo với Quốc hội về tình hình sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ, tinh giản bộ máy, tạo ra năng lực mới cho bộ máy hành chính các cấp. Đấy là điểm sáng.
Nếu như có sự vào cuộc của Quốc hội giám sát bộ máy hành chính và thông qua đoàn giám sát để chỉnh đốn lại bộ máy thì tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, vòi vĩnh của bộ máy công quyền đối với các doanh nghiệp, tôi tin là sẽ bị hạn chế và bị kiểm soát.
Xin cảm ơn ông! Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: