Ứa nước mắt với bé gái 4 tháng tuổi tứ chi co quắp vì không có tiền chữa trị

Cháu bé hơn 4 tháng tuổi bị dị tật bẩm sinh tứ chi không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Cũng do hoàn cảnh quá bi đát, nên cháu bé chỉ được thăm khám, điều trị không thường xuyên nên càng ngày bệnh của bé càng nặng thêm.


Dù mới hơn 4 tháng tuổi, nhưng cả hai tay và hai chân của bé đều bị dị tật co quắp bẩm sinh. Nhiều người nhìn cháu cũng ứa nước mắt.

Cháu bé mắc căn bệnh bẩm sinh tứ chi mà chúng tôi muốn nhắc tới là Nguyễn Thị Anh Đài (sinh ngày 15/5/2016), con gái anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1990) và chị Phan Thị Phượng (SN 1995) trú tại xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An. Bé Anh Đài sinh ra đã bị bệnh bẩm sinh khi tứ chi co quắp nhưng gia đình rơi vào túng quẫn không có tiền chạy chữa.

Trong “căn nhà” chỉ vỏn vẹn 10m2 là nơi trú ngụ của 4 con người với 3 thế hệ nghèo khó. Nói là căn nhà cho sang trọng nhưng thực chất được xây dựng tạm bằng những viên táp-lô sơ sài, không được trát vôi vữa, phía trên được che bằng Fibro-xi măng... Căn nhà chật chội, nóng bức, chiếc giường cũ chiếm gần nửa diện tích là nơi dành cho chị Phượng và đứa con gái sinh được hơn 4 tháng nằm.


Anh Hoàng, chị Phượng bên con gái tứ chi dị tật cơ quắp.

“Căn nhà được khoảng 10m2 lợp Fibro-xi măng chật chội lắm anh à. Được cái giường cũ kỹ, thì để cho vợ và con gái bị bệnh nằm. Còn em với mẹ trải chiếu dưới nền nhà ngủ. Đợt nắng vừa rồi cực khổ quá, mình còn chịu được chứ con trẻ ốm đau liên miên”, Hoàng tâm sự.

Hoàng bảo cũng muốn đưa con gái đi khám bệnh lắm, nhưng ngặt nỗi gia đình quá khó khăn nên đành nuốt nước mắt để con ở nhà trông chờ phép màu.


4 tháng tuổi, bé Anh Đài mắc căn bệnh tứ chi co quắp. Trong khi mọi thứ ở gia đình đều đã cạn kiệt nên vợ chồng anh đành phải để con ở nhà.

“Em cũng muốn đưa con đi bệnh viện Nhi ngoài Hà Nội để điều trị sớm mới mong cứu được cháu. Nhưng hiện nay tiền bạc tích góp được mấy năm qua đều đã cạn kiệt. Ra ngoài đó, tiền ăn uống, ngủ nghỉ lấy đâu ra mà dùng. Vợ em nghỉ sinh nên chưa làm được gì cả, em cũng chưa xin được việc làm mới, ông bà ngoại ở xa nhưng cũng khó khăn nên có giúp cũng có hạn. Gia đình thế này, giờ đi vay tiền cũng không ai tin tưởng để cho vay”, Hoàng nói trong bất lực.

Anh Hoàng với chị Phượng (Phượng quê ở Đắc Lắk) vốn làm cùng một công ty ở miền Nam. Sau thời gian tìm hiểu, hai người bén duyên và đi đến hôn nhân. Sau khi biết tin vui, Hoàng quyết định cho vợ về quê để dưỡng thai và sinh hạ cho tiện bề chăm sóc. Ngày lọt lòng, bé Nguyễn Thị Anh Đài chỉ được 2,4 kg và được bác sỹ kết luận “cháu bị dị tật tứ chi”, cả hai tay, hai chân đều bị khều.


Hai chân đã nhiều lần bó bột chỉnh hình nhưng tình trạng bé vẫn không tiến triển.

Sinh con được 2 ngày, anh Hoàng xin giấy chuyển cháu vào bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị. Tại đây, các bác sỹ bảo “chữa được” nhưng cháu còn yếu quá và hẹn sau 1 tháng khám lại.

Khi bé Anh Đài tròn tháng, hai vợ chồng ôm con, dắt díu nhau vào TP Vinh để mong chữa trị dị tật cho con gái được lành lặn. Lần này, các bác sỹ cho bó bột 2 chân và hẹn 1 tuần sau quay lại tiếp tục khám.

Cũng vì sức khỏe quá yếu, để tiện bề chăm sóc, đi lại đỡ vất vả, vợ chồng anh Hoàng đã thuê một phòng trọ gần bệnh viện để ở chờ ngày tái khám. Sau gần 2 tháng chữa trị tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chân trái bé Anh Đài đã bó bột đến 6 lần, chân phải 2 lần nhưng đến nay tình trạng bé vẫn chưa có gì là tiến triển.


Vợ chồng Hoàng bảo, giờ không biết phải dựa vào đâu để vay mượn mà đưa con đi viện.

Tâm sự cùng PV, Hoàng đã khóc rất nhiều. Hoàng bảo, số phận ông trời sắp đặt rồi chắc không có lối thoát.

Anh Hoàng buồn bã nói: “Em không có cha nên hai mẹ con nương tựa nhau, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng đầm ấm. Càng hạnh phúc hơn khi gia đình em có thêm thành viên mới. Chỉ thiệt thòi cho con gái là sinh ra nó đã bị dị tật bẩm sinh, tứ chi co quắp. Nếu con gái không sao, có lẽ vợ chồng em đã đưa nhau vào Nam làm ăn. Nhưng giờ thì hai vợ chồng đều thất nghiệp rồi. Không có nguồn thu nhập, đưa con đi viện được mấy lần rồi gia đình cũng cạn kiệt”.

Còn bà Hoa (mẹ của Hoàng) khi nói về đứa cháu dị tật tứ chi cũng rơm rớm nước mắt. Bà kể, vốn quá lứa lỡ thì nên ở vậy không lấy chồng nữa mà sinh đứa con cho vui cửa vui nhà.


Căn nhà gác tạm trên mảnh đất anh trai của bà Hoa, nơi gia đình đang ở.

Căn nhà gác tạm trên mảnh đất của anh trai, nên tiền tích góp từ mấy lứa lợn nái cộng với khoản vay mượn thêm để làm chỗ tránh nắng tránh mưa. Vốn đã chật chội, khi Hoàng lấy vợ sinh con thì càng thêm ngột ngạt hơn. Tài sản giá trị nhất của gia đình chỉ chiếc xe máy cũ mua lại từ một người trong xóm để làm phương tiện đi lại.

Đó là chưa kể khoảng nợ 30 triệu vay ngân hàng chế độ thời sinh viên Hoàng đi học vẫn chưa trả được. Thu nhập của cả gia đình hiện nay chỉ trông chờ vào hàng nước mía của bà Hoa bán ở đầu làng và 1 sào ruộng để kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.


Đơn xin xác nhận hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng.

Bà Hoa mong ước rằng: “Tôi chỉ mong quán nước mía thật đông khách để có thêm tiền tích góp mà chữa trị cho cháu”.

Ông Nguyễn Duy Ấn - Trưởng xóm Trần Phú cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Hoa thuộc diện hộ nghèo từ 10 năm nay. Đây là hộ có hoàn cảnh khá đặc biệt, mẹ góa con côi, thu nhập chủ yếu từ hơn một sào ruộng khoán và đi làm thuê khắp nơi để sinh nhai. Không may mắn khi anh Hoàng (con trai chị Hoa) lấy vợ sinh con lại bị dị tật bẩm sinh, đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, gia đình cũng khó khăn nên không có điều kiện chữa trị cho tốt. Hy vọng xã hội vào cuộc chung tay để giúp cháu bé có cơ thể hoàn thiện hơn để giúp gia đình và cháu bé đỡ thiệt thòi”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Nguyễn Văn Hoàng, xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Điện thoại: 0967.950.791- anh Hoàng; TK: 65010001243189 (Phan Thị Phượng).

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

Nguồn tin:

Link nội dung: https://haiphong24h.org/ua-nuoc-mat-voi-be-gai-4-thang-tuoi-tu-chi-co-quap-vi-khong-co-tien-chua-tri-a77757.html