Người dân Đà Nẵng làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Với việc cải tạo đất nhiễm mặn, chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân Đà Nẵng đã vươn lên làm giàu. Để thúc đẩy nguồn lợi từ mô hình này, Đà Nẵng cũng đã quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Niềm vui được mùa tôm

Trong những ngày gần đây, niềm vui phấn khởi tràn ngập trên gương mặt của những người nông dân Trường Định (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang) trong những ngày đầu thu hoạch tôm thẻ chân trắng vụ 1 năm 2017.

Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên cho biết, với diện tích khoảng 24 ha trên khoảng 36 hộ nuôi năm 2017, tính đến thời điểm này có khoảng 15 hộ đã thu hoạch và bước đầu cho năng suất cao và lãi lớn, sau khi trừ chi phí hầu hết các hộ cho lãi đạt từ 60-70% so với doanh thu.

So với mọi năm, các hộ lãi trung bình 200-300 triệu đồng nhưng năm nay có hộ đạt lãi cao trên 500 triệu. Điển hình như hộ ông Mai Phước Chín nuôi 5 ao, đã thu hoạch 17 tấn trên diện tích 30.000 m2, doanh thu gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 700 triệu đồng.

Còn có hộ ông Nguyễn Văn Pháp trên diện tích gần 5.000 m2 thu được 3,3 tấn sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài các hộ lãi lớn, có những hộ lãi ở mức từ 50-150 triệu đồng như hộ bà Trần Thị Bông, Trương Văn Nam, ông Trần Chức, ông Đỗ Trực...

“Có được thành quả trong nuôi tôm như ngày hôm nay là sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện quy trình nuôi tôm không sử dụng hóa chất, kháng sinh của bà con nông dân tại đây. Những mẫu tôm trước khi xuất đều được nhà thu mua kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu mới thu mua và 100% các hộ đã thu hoạch đều được đánh giá tôm không có dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm tồn lưu. Bên cạnh đó, thời tiết đầu năm nay tương đối thuận lợi so với mọi năm, ít có những cơn mưa trái mùa, tuy có những đợt không khí lạnh nhưng ảnh hưởng không nhiều vì vậy tôm vẫn sinh trưởng và phát triển tốt”, ông Ngô Văn Xuân nói.

Thu nhập cao hơn 30 lần so với trồng lúa

Nói về thâm niên nuôi tôm tại Trường Định, lão nông Đỗ Trực là người có bề dày kinh nghiệm hơn cả và chưa có năm nào ông thất bại. Ông Đỗ Trực cho hay, trước đây, vùng đất này hoang hóa, trồng lúa nhưng không có nước tưới, lại bị nhiễm mặn nên gia đình ông Trực đã cải tạo đất lúa qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, gia đình ông Trực có 2 ao nuôi tôm với diện tích 0,7 ha. Mỗi vụ nuôi tôm kéo dài gần 3 tháng. Vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình ông lãi được gần 200 triệu đồng. Ngoài nuôi tôm, ông Trực còn nuôi cua gạch cũng cho thu nhập cao.

Ông cho biết: Nghề nuôi tôm mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với các nghề nông khác, nuôi tôm so với lúa gấp cả 30-40 lần. Nuôi tôm thẻ chân trắng lại càng có lợi thế hơn vì giống này thời gian ngắn, mau thu, giúp quay đồng vốn nhanh. Hơn 10 năm nuôi tôi, ông đã xây được ngôi nhà 2 tầng với nhiều đồ đạc có giá trị.

Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho biết, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây có từ lâu nhưng chưa mang lại hiệu quả do quy mô nhỏ lẻ. Bắt đầu từ năm 2014, sau những vụ thu hoạch thắng lợi với hàng chục tấn tôm, mang lại hàng tỷ đồng cho hơn 20 hộ, nông dân mới mạnh dạn phát triển mô hình. Sau khi trừ chi phí, trong nhóm 20 hộ nuôi tôm, bình quân mỗi hộ còn lãi từ 100-400 triệu đồng/năm. Hiện, số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hòa Liên đã tăng lên 35 hộ, với diện tích thả nuôi khoảng 26 ha.

Mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, người nuôi tôm đã thành lập Chi hội nghề nghiệp, gắn kết với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể. Người dân vùng nuôi tôm cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp, cung cấp con giống có chất lượng nên nuôi tôm đạt năng suất cao.

Bà con đã thực hiện quy trình nuôi tôm nghiêm ngặt từ khâu cải tạo ao đến cho ăn và chăm sóc. Trong quá trình nuôi, các hộ đã sử dụng vi sinh, khoáng chất xử lý môi trường, và sử dụng nguyên tắc "3 không" là không giấu dịch, không xả thải ra ngoài môi trường khi chưa được xử lý, không vứt xác tôm chết ra bên ngoài, trường hợp có tôm bệnh bà con mời cán bộ thú y lên kiểm tra xét nghiệm mẫu. Chính những yếu tố này đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của bà con nông dân hôm nay.

Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng hiện có gần 50 hộ nuôi tôm tập trung ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và xã Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. “Hiện Trung tâm Khuyến nông khuyến khích người dân vùng nuôi tôm đầu tư nuôi cua thương phẩm, tăng thêm thu nhập. Trung tâm đã hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề, ứng dụng mô hình nuôi luân canh một vụ tôm, vụ cua thương phẩm, cải thiện thêm thu nhập vụ 2 cho bà con”, bà Cương cho hay.

Mới đây, TP. Đà Nẵng vừa ban hành chủ trương quy hoạch vùng nuôi tôm Trường Định trở thành 1 trong 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố với quy mô 50 ha, bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân ở đây phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, thêm nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: chinhphu.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nguoi-dan-da-nang-lam-giau-tu-nuoi-tom-the-chan-trang-a80452.html