Chủ tịch tỉnh tịch thu ‘oan’ xe tải

Tòa nhận định việc tịch thu xe tải là sai nên tuyên trả xe cho người bị phạt.

Ngày 1-6, TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng xử phúc thẩm lần hai, tuyên hủy một phần quyết định hành chính của chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về phần xử phạt bổ sung tịch thu chiếc xe ô tô tải. Tòa tuyên trả lại chiếc xe cho ông Đỗ Minh Hoàng là người đứng tên trong quyết định xử phạt, còn việc mua bán xe giữa ông và ông Bùi Văn Hóa do hai bên tự giải quyết. Đặc biệt trong cả bốn phiên tòa đã diễn ra, phía người bị kiện đều vắng mặt.

Bị phạt, người mua xe lên tiếng

Tháng 10-2014, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với ông Đỗ Minh Hoàng. Lý do ông Hoàng là chủ sở hữu chiếc xe tải vận chuyển trái phép 26 hộp gỗ xẻ đã bị Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân lập biên bản vi phạm. Quyết định còn xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm là chiếc xe tải.

Vụ việc phức tạp hơn khi ông Hóa cho rằng ông Hoàng bán xe cho ông vào ngày 26-7-2013, vì ông còn nợ 10 triệu đồng nên hai bên chưa làm thủ tục sang tên. Cho rằng việc tịch thu xe là ảnh hưởng đến mình nên ông Hóa khởi kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt nêu trên với lý do sai đối tượng. Quá trình bị kiểm tra, xử lý, tài xế Bùi Công Hưng (là con trai ông Hóa) cũng đã kê khai với kiểm lâm việc này nhưng quyết định vẫn ghi xử phạt ông Hoàng là sai đối tượng xử phạt.

 Vợ con ông Hóa (trái) và đại diện cơ quan kiểm lâm huyện Hoài Ân, Bình Định tại tòa. Ảnh: KIỀU VŨ

Ngày 14-8-2015, TAND tỉnh Bình Định xử sơ thẩm lần thứ nhất đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Hóa, công nhận quyết định xử phạt là đúng. Tòa căn cứ vào biên bản xác minh tài sản, biên bản ghi lời khai của tài xế và ông Hoàng để cho rằng ông Hoàng là chủ sở hữu chiếc xe. Ông Hóa kháng cáo.

Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vào đầu năm 2016 tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Hóa, hủy án, chuyển hồ sơ về cho tòa sơ thẩm giải quyết lại. Tòa nhận định văn bản ghi lời khai của các đương sự thể hiện ông Hóa và ông Hoàng đã có việc mua bán xe. Vợ chồng ông Hóa đã cung cấp hợp đồng vay tiền với ngân hàng để trả cho việc mua xe. Nhưng cấp sơ thẩm đã bỏ qua các chi tiết này, không xem xét để xác định rõ ai là chủ xe làm cơ sở cho việc xem xét quyết định xử phạt. Ngoài ra, tòa không đưa vợ ông Hóa vào tham gia vụ án với tư cách người liên quan là thiếu sót.

Ngày 30-8-2016, TAND tỉnh Bình Định xử sơ thẩm lần hai tiếp tục tuyên bác yêu cầu của ông Hóa. Tòa cho rằng chiếc xe thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu nhưng tại thời điểm xét xử sơ thẩm, vợ chồng ông Hóa không xuất trình được giấy đăng ký xe. Do chiếc xe vẫn còn thuộc quyền sở hữu của ông Hoàng nên quyết định xử phạt đối với ông Hoàng là đúng đối tượng. Ông Hóa chỉ xuất trình được giấy tờ mua bán xe viết tay không có chứng thực, là chứng cứ không có giá trị.

Tịch thu chiếc xe là sai

HĐXX phúc thẩm lần hai nhận định theo các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ, việc mua bán xe vào ngày 26-7-2013 giữa ông Hoàng và vợ chồng ông Hóa là có thật.

Về việc phạt bổ sung là tịch thu chiếc xe tải, tòa khẳng định quyết định xử phạt đã sai. Tòa trích dẫn nhiều quy định của BLDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn thể hiện nguyên tắc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ áp dụng khi hành vi vi phạm là nghiêm trọng, được thực hiện do lỗi cố ý. HĐXX tuyên: “Pháp luật xử lý vi phạm hành chính và BLDS không trao cho các đơn vị, cá nhân, tổ chức nào có quyền tước đi tài sản của chủ sở hữu khi chủ sở hữu không vi phạm pháp luật”.

Theo tòa, chiếc xe tải đang được ông Hóa quản lý hợp pháp, ông Hóa đã giao cho con trai là anh Hưng với mục đích hoạt động kinh doanh. Việc anh Hưng sử dụng xe để vận chuyển khối lượng 1,585 m3 gỗ xẻ là tự ý anh Hưng. Ông Hoàng và ông Hóa không biết và không chỉ đạo anh Hưng làm việc này. Tại các văn bản làm việc của hạt kiểm lâm huyện, của UBND tỉnh và tòa án cấp sơ thẩm không có chứng cứ nào chứng minh ông Hoàng và ông Hóa có vai trò trong việc vận chuyển trái phép số gỗ nói trên. Vì thế, theo quy định tại Nghị định 157/2013 của Chính phủ thì trường hợp này thuộc trường hợp loại trừ tịch thu phương tiện vi phạm của chủ sở hữu.

Từ đó HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của ông Hóa, tuyên án như trên.

Ông Hoàng thừa nhận đã bán xe

Trong văn bản ghi ý kiến gửi đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 28-12-2015, ông Hoàng viết: “Chiếc xe tải tôi đã bán cho ông Hóa, khi kiểm lâm huyện Hoài Ân lập biên bản vi phạm đối với anh Hưng (con ông Hóa) về việc chở thuê gỗ, tôi được kiểm lâm triệu tập đến. Sau khi nghe họ hướng dẫn, tôi đã khai chiếc xe vẫn là của tôi nhưng là để nhằm được giảm tiền phạt…”.

Tác giả: Kiều Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chu-tich-tinh-tich-thu-oan-xe-tai-a80898.html