Toàn bộ công trình nằm gọn dưới chân núi Bánh Sữa và quay về hướng Tây Nam. Ảnh: Hoàng Dương |
Ngày 30/5, phóng viên Tiền Phong đã có buổi làm việc với ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Ông cho biết: “UBND huyện đã cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ra vịnh kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo”.
Theo báo cáo của đoàn liên ngành, từ năm 2008, UBND huyện Vân Đồn đã bàn giao đất kèm theo hợp đồng cho thuê đất và diện tích mặt nước với thời hạn thuê là 30 năm cho Cty TNHH Đỗ Tờ tại đảo Bánh Sữa. Khi bàn giao, trong hồ sơ đã có đánh dấu vị trí một số công trình như nhà chuyên gia, nhà công nhân, nhà xưởng nuôi trồng sản xuất giống. Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã có kết luận, các công trình xây dựng hiện tại trên đảo Bánh Sữa về cơ bản là theo sơ đồ giao đất ban đầu.
Các công trình trên đảo Bánh Sữa về cơ bản không phát sinh gì so với thời điểm ban đầu khi bàn giao đất, nhưng Cty này đã cho sửa chữa nhiều hạng mục như nhà ở, nhà chuyên gia... Bên ngoài thì sơn mới, bên trong thì sửa chữa. Theo xác minh của phóng viên, tại đảo Bánh Sữa hiện có một số công trình như “nhà Sao Biển” và một số tiểu tiết trên đảo đều được xây dựng mới hoàn toàn. Đặc biệt, theo một số ngư dân ở vùng này cho biết, đảo này được đổ thêm cát lấn biển để xây dựng.
Cũng theo báo cáo này, ông Đỗ Tờ có sửa lại một số phòng và nhà ở với mục đích là để khai thác dịch vụ. “Mặc dù chưa đủ bằng chứng và điều kiện để xử lý, nhưng căn cứ các bằng chứng do Cty này quảng cáo trên mạng về các loại hình tour, giá phòng thì chắc chắn là có hoạt động dịch vụ. Nhưng hoạt động dịch vụ của Cty này chưa được cấp phép” – Ông Hưng cho biết thêm.
Hiện tại, huyện Vân Đồn có 129 dự án đã và đang được phê duyệt. Trong đó có nhiều dự án trong quá trình triển khai đã phát lộ nhiều sai phạm nên đã bị đình chỉ.
Đảo Nêm cũng thuộc huyện Vân Đồn, từ năm 1997, huyện giao cho Cty Than Cao Sơn sử dụng đất với mục đích trồng rừng. Đến 2008, vì sản xuất kinh doanh không có lãi nên Cty này đã trả lại đất, sau đó huyện Vân Đồn lại giao cho Cty Hoàng Trường vào năm 2011 cũng với mục đích trồng rừng.
Trước đó, khi hoạt động trồng rừng tại đảo Nêm, Cty Than Cao Sơn đã cho xây dựng các nhà bảo vệ, nhà ở công nhân, nhà mái tôn tạm bợ. Sau đó do không sử dụng nên đã bàn giao lại cho Cty Hoàng Trường để sửa sang và chuyển đổi công năng sử dụng.
Cuối năm 2016, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động xây dựng quanh khu vực đảo Nêm thì phát hiện Cty này vi phạm quy định về xây dựng các công trình mà chưa được cấp phép. Cụ thể, Cty Hoàng Trường đã cho xây dựng một căn nhà gỗ trên đảo có quy mô 2 tầng nằm tại vị trí không được phép xây dựng. UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu Cty tự tháo dỡ công trình vi phạm vào đầu năm 2017.
“Sau khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, chúng tôi đã kiên quyết xử lý, yêu cầu Cty này tự tháo dỡ, nhưng cho đến nay Cty này vẫn chưa chịu chấp hành” – Ông Hưng nói.
“Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng các công trình này vẫn không hề bị sờ gáy mà ngày càng mở rộng quy mô. Chưa nói đến việc tàn phá cảnh quan môi trường mà còn gây bất ổn an ninh trật tự. Với chức năng giám sát nhưng thực sự chúng tôi lực bất tòng tâm”. |
Tác giả: Hoàng Dương
Nguồn tin: Báo Tiền phong
Link nội dung: https://haiphong24h.org/thien-duong-lau-tren-vinh-bai-tu-long-tung-bi-bat-thao-do-a80902.html