Nấp bóng trồng rừng để khai thác vàng sa khoáng trái phép

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2014 đến nay, lợi dụng danh nghĩa cải tạo đất để trồng keo lá tràm, một doanh nghiệp có trụ sở tại xã Hòa Phong, H. Hòa Vang (Đà Nẵng) do một người tên Quy làm chủ đã đưa phương tiện cơ giới (máy xúc, máy hút) vào khu vực nà Mun (tiểu khu 37, rừng phòng hộ Sông Kôn) thuộc địa bàn xã Tư, H. Đông Giang (Quảng Nam) khai thác vàng sa khoáng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường...

Mới đây, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến xâm nhập thực tế để tìm hiểu hoạt động khai thác vàng trái phép tại nà Mun, nơi giáp giới với khu vực rừng Cà Nhông thuộc lâm phận của BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa (Đà Nẵng).

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, từ trung tâm làng Láy rẽ về phía trái, men theo con đường mòn do lâm tặc mở trước đây, chúng tôi đi sâu vào rừng hơn 7 km và đến giữa trưa thì tới khu vực đào đãi vàng trái phép. Cả khu vực rộng gần 5 ha đã được san thành bình địa, trên mặt đất những cây keo lai vài tháng tuổi vừa được trồng. Bên kia suối Nước Trong có 3 chiếc xe múc, máng đãi vàng bằng sắt, hơn 20 công nhân đang nghỉ trưa trong những lán trại lợp bạt nhựa màu xanh dưới tán cây rừng.

 Máy múc, lán trại công nhân đãi vàng.

Qua tìm hiểu, được biết: Từ năm 2014, khi Vũ Văn Tam (1968, trú xã Tư, H. Đông Giang) cùng đồng bọn bị các cơ quan pháp luật TP Đà Nẵng bắt về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng thì tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực nà Mun do ông Quy tổ chức diễn ra một cách rầm rộ. Năm 2015, hành vi khai thác khoáng sản trái phép của ông Quy đã bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng phát hiện, xử phạt nhưng chấp hành việc nộp phạt xong thì công việc khai thác vàng vẫn diễn ra như cũ.

Chị N.T.A (trú H. Hòa Vang), người chuyên cung cấp thực phẩm cho người dân xã Tư, cho biết: Tất cả thực phẩm, nhu yếu phẩm dùng để nuôi đội quân đãi vàng và nhiên liệu vận hành máy móc được doanh nghiệp của ông Quy thực hiện theo chế độ "tự cung, tự cấp".

Ngoài ra, để khỏi bị phát hiện, Quy chỉ sử dụng lao động từ các tỉnh phía Bắc. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tổ chức khai thác vàng sa khoáng tại khu vực nà Mun, doanh nghiệp do ông Quy làm chủ còn tổ chức khai thác vàng đá với quy mô vừa và nhỏ tại khu vực Hang Chuột (lâm phận giáp ranh giữa 3 địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng và TT-Huế).

Theo lời nhiều người, việc khai thác vàng sa khoáng tại khu vực nà Mun diễn ra khá lâu và có nhiều người cùng tham gia. Qua thời gian, do bị thua lỗ hoặc bị các cơ quan chức năng tiến hành truy quét đã chuyển sang hành nghề khác và chỉ còn doanh nghiệp của ông Quy hoạt động cho đến bây giờ. Tuy nhiên, việc "tồn tại" lâu như vậy là nhờ vào mối quan hệ rộng rãi với các cơ quan chức năng từ xã đến huyện... Ngoài ra, ông Quy còn sử dụng bình phong là tổ chức trồng, khai thác cây lâm nghiệp nhằm che giấu hành vi khai thác vàng.

 Một khu vực rộng tại nà Mun bị san thành bình địa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng nà Mun thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Kôn. Trước đây là rừng nguyên sinh, trong những năm cuối thế kỷ XX rừng tự nhiên ở đây đã bị một số đơn vị lâm nghiệp khai thác cạn kiệt nên người dân tại xã Tư tận dụng trồng cây nguyên liệu giấy và cây công nghiệp, như: keo lá tràm, cao su...

Trên thực tế là vậy nhưng xét về quy hoạch, khu vực này vẫn là rừng phòng hộ nên các cơ quan chức năng không cấp bất cứ loại giấy tờ cho phép cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất vào mục đích trồng rừng. Do đó, mọi hoạt động khai thác khoáng sản, tổ chức trồng rừng trong khu vực nà Mun đều bị xem là vi phạm pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc, ông Hồ Văn Minh- Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, xác nhận: Rừng khu vực nà Mun do đơn vị này quản lý. Tuy nhiên, về thông tin ông Quy tổ chức khai thác vàng và xâm lấn đất rừng để trồng keo lá tràm, đơn vị sẽ cho người kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm. Ngoài ra, khi liên hệ tìm hiểu với những cán bộ có chức năng tại địa phương để tìm hiểu sự việc song chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Không biết...!

Theo chúng tôi, doanh nghiệp do ông Quy làm chủ lợi dụng danh nghĩa khai thác rừng trồng để khai thác vàng sa khoáng và trồng keo lá tràm tại khu vực nà Mun thuộc rừng phòng hộ Sông Kôn diễn ra trong thời gian dài nhưng cơ quan trực tiếp quản lý là BQL rừng phòng hộ Sông Kôn không hay biết là điều khó chấp nhận. Mong rằng các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Nam sớm vào cuộc, làm rõ những vi phạm.

Tác giả: M.T

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nap-bong-trong-rung-de-khai-thac-vang-sa-khoang-trai-phep-a81528.html