Con riêng của vợ có được mang họ của cha dượng không?

Theo luật sư, con ngoài giá thú mà cha đẻ không nhận thì pháp luật quy định mang họ của người mẹ. Chỉ khi cha dượng nhận đứa trẻ là con nuôi thì mới đủ điều kiện để đứa trẻ mang họ của cha dượng.

Câu hỏi:

Bạn tôi ly hôn đã được 3 năm và quyết định đi thêm bước nữa và cưới một cô gái kém 5 tuổi. Mặc dù cô ấy chưa kết hôn lần nào nhưng đã có một con riêng 8 tháng tuổi và chưa làm khai sinh. Sau khi cưới bạn tôi muốn khai cho đứa trẻ mang họ của bạn tôi. Tôi nghe mọi người nói là con riêng của vợ không được mang họ của bố dượng trong giấy khai sinh. Tôi xin hỏi điều này có đúng không? Và tôi phải làm những thủ tục gì?

 Ảnh minh họa.

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp,PV đã trao đổi với luật sư về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, theo quy định, con chỉ được mang họ của cha hoặc mẹ đẻ

Theo điểm e, khoản 1, Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì, việc xác định họ và quê quán khi đăng ký khai sinh cho trẻ được thực hiện như sau:

Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.

Như vậy, trong trường hợp của bạn thì con riêng của không được mang họ của bố dượng.

Thứ hai, nếu muốn đứa trẻ mang họ thì phải làm thủ tục nhận con nuôi

Theo Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi, được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ, thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước thuộc UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi, thì UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Theo khoản 1, Điều 21 Luật Nuôi con nuôi, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Theo điểm b, khoản 1 và khoản 2, Điều 27 Bộ Luật Dân sự và khoản 2, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người dưới 14 tuổi.

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cha dượng cư trú. Sau khi đăng ký nuôi con nuôi đối với con riêng của vợ, cha dượng có thể yêu cầu UBND cấp xã ra Quyết định về việc thay đổi họ cho trẻ (đã được đăng ký khai sinh theo họ mẹ đẻ) sang họ của cha dượng.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

Link nội dung: https://haiphong24h.org/con-rieng-cua-vo-co-duoc-mang-ho-cua-cha-duong-khong-a82768.html