Cựu cán bộ Viện Kiểm sát “tuột xích” đem quyết định giả lừa dân

Bà Trần Thị L (SN 1959, trú thôn Trung Viên, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) vừa gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo một đối tượng có hành vi lừa đảo. Để thực hiện ý đồ của mình, đối tượng đã đưa cho nạn nhân 2 quyết định giả với nhiều sai lỗi nhưng các nạn nhân không phát hiện.

 Bà L trao đổi với phóng viên

Cầm nữ trang mong được nhận tiền bồi thường

Cuối tháng 6/2017, bà Trần Thị L gửi đến Công an huyện Nông Sơn tố cáo Hồ Quang H (SN 1984, trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của gia đình bà 60 triệu đồng.

Theo lời kể của bà L, ngày 11/10/2016, bà gặp chị Hồ Thị Bích Hiền để nhờ vả một số việc của gia đình. Tuy nhiên, chị Hiền trả lời không giúp được. Đến ngày 20/2/2017, chị Hiền bất ngờ điện thoại cho bà L hẹn ra quán cà phê để giới thiệu một người có thể giúp bà L. Mừng rỡ, bà L mang hồ sơ đến quán cà phê và tại đây bà gặp Hồ Quang H.

Để thuyết phục "khách hàng", vừa gặp nhau, H đã khoe rằng trước đây anh ta từng làm ở cơ quan Viện kiểm sát nhân dân huyện nên quen biết rất nhiều người có chức có quyền. Hiện tại, H đang làm luật sư của một văn phòng ở TP.Đà Nẵng nên anh ta nắm chắc luật để tham gia các vụ kiện tụng.

Nghe vậy, bà L tràn đầy hy vọng và đưa ra 2 hồ sơ cho H xem, một vụ của cha bà về việc yêu cầu đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi và một vụ bà đòi nợ 800 triệu đồng. Sau khi xem qua hồ sơ, H nhận vụ yêu cầu đền bù đất nông nghiệp.

Đến ngày 2/3/2017, H điện cho bà L bảo rằng đã nói chuyện với "sếp" và "sếp" bảo để giải quyết tiền đền bù cho cha bà L thì phải chung chi 30 triệu đồng. Bà L lo lắng hỏi "Đưa tiền trước nhỡ không được thì làm sao?". H trả lời dứt khoát: "Cô yên tâm đi, 99% là được mà". H sốt sắng nhắc nhở bà L bỏ bì thư 30 triệu để “bôi trơn”.

Ngày 2/4/2017, H điện thoại cho bà L nói đã làm việc xong với cơ quan chức năng và đề nghị bà L bỏ bì thư trước 15 triệu đồng, còn 15 triệu đồng lúc nào có quyết định đền bù thì H mới lấy.

Vì không có sẵn tiền nên bà L xin H thư thả vài ngày để gom góp tiền. Đến ngày 4/4/2017, H tiếp tục gọi điện thoại thúc giục bà L và yêu cầu bà giao tiền vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày tại quán cà phê Gió Đồng (xã Quế Trung). “Không có tiền để đưa cho H nên tôi đành mang nữ trang đi cầm cố để lấy tiền đưa cho anh ta”- bà L bức xúc nói.

Sau khi nhận tiền, H hứa một tháng sau sẽ có quyết định đền bù đất cho cha bà L. Giữ đúng lời hứa, ngày 4/5/2017, H mang đến cho bà L một “quyết định” mà anh ta nói rằng của UBND tỉnh Quảng Nam, số 101/QĐUBND, ban hành ngày 3/5/2017, do ông Đinh Văn Thu-chủ tịch UBND tỉnh ký.

Theo "quyết định" này, ông Trần P-cha bà L sẽ được nhận số tiền hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là 240 triệu đồng. Tuy vui mừng vì niềm mong mỏi bấy lâu đã thành hiện thực nhưng bà L vẫn cảm thấy lo lắng bởi “quyết định” mà H đưa chỉ là bản phô-tô chứ không phải bản chính.

“Tôi hỏi bản chính có dấu đỏ ở đâu thì H bảo rằng bản chính trên huyện giữ và người được đền bù chỉ nhận được bản phô-tô thôi”- bà L kể.

Một điều rất lạ là H luôn dặn đi dặn lại bà L rằng phải đích thân anh ta dẫn bà L đi nhận tiền mới được. Tuy trong lòng bắt đầu nghi ngại nhưng bà L vẫn chạy vạy đưa nốt cho H 15 triệu đồng còn lại và khấp khởi chờ đến ngày “quyết định” có hiệu lực để đi nhận tiền.

Sau 20 ngày kể từ ngày "quyết định" được ký, bà L chuẩn bị đi nhận tiền thì H ngăn cản. Anh ta viện nhiều lý do và hẹn ngày 16/6/2017 đưa bà L vào UBND huyện để nhận tiền đền bù.

 Các quyết định giả mà Hồ Quang H đã đưa cho nạn nhân.

Bán vàng cưới đưa tiền xin việc

Trong thời gian chờ nhận tiền đền bù, biết con trai lớn của bà L là anh Hồ Công L (SN 1993) đang học lái xe và chưa có việc làm nên H tiếp tục ngỏ lời muốn giúp. H nói với bà L là Viện KSND TP. Đà Nẵng đang cần tuyển lái xe và H có thể nhờ sếp mình xin việc được cho con trai bà L. Dĩ nhiên, phải có tiền để “chạy” việc và H tiếp tục ra giá 30 triệu đồng.

Ngày 27/5/2017, H gọi điện cho bà L nói đã xin được việc cho con trai bà. H còn bảo bà L chuẩn bị một phòng bì 20 triệu đồng để H đi “nói chuyện”, 10 triệu đồng còn lại H hẹn đến khi nào Hồ Công L có quyết định đi làm thì anh ta mới lấy.

Vì muốn có việc làm nên anh L đã mang vàng cưới của mình đi cầm cố và đưa cho H 20 triệu đồng. Ngày 1/6/2017, H mang “quyết định” về việc bổ nhiệm nhân viên lái xe cho anh L. Theo như “quyết định” này thì ngày 1/8/2017, anh L chính thức được “đi làm” tại Viện KSND TP. Đà Nẵng. Vui mừng vì đã có việc làm, anh L tiếp tục đưa cho H 10 triệu đồng còn lại.

Theo hướng dẫn của H, 6h sáng ngày 16/6/2017, bà L chở cha của mình đi nhận tiền đền bù. Vì H dặn phải để H dẫn vào UBND huyện Nông Sơn làm thủ tục nhận tiền nên hai cha con bà L ngồi đợi tại quán cà-phê Gió Đồng. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn không thấy H đến, bà L gọi điện thì H không bắt máy. Biết mình bị lừa, bà L làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.

“Khi gửi đơn lên cơ quan công an, qua kiểm tra ban đầu, cán bộ nói rằng quyết định đền bù đất đai và quyết định bổ nhiệm nhân viên lái xe là giả. Nghe xong, tôi rụng rời cả tay chân”, bà L xót xa nói.

 Đơn tố cáo của nạn nhân.

Chân dung đối tượng lừa đảo

Theo tìm hiểu của phóng viên, quả thật Hồ Quang H trước đây có công tác tại Viện KSND của một huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, vì mắc sai phạm nên H đã bị cho thôi việc vào năm 2016. Vốn ham mê đỏ đen nên khi còn làm cán bộ, H đã thường xuyên vay mượn tiền bạn bè. Nhiều người nhận định, khi không vay mượn tiền được nữa, H đã đánh liều làm quyết định giả để lừa đảo người khác kiếm tiền tiêu xài.

Chúng tôi đến Viện KSND TP. Đà Nẵng để kiểm tra quyết định tuyển dụng anh Hồ Công L là thật hay giả. Sau khi xem "quyết định", ông Nguyễn Văn Hưng-Chánh văn phòng Viện KSND TP. Đà Nẵng cho biết, “Quyết định về việc bổ nhiệm nhân viên lái xe cho anh Hồ Công L là quyết định giả. Viện KSND TP. Đà Nẵng không có nhu cầu tuyển lái xe, nếu có tuyển thì chỉ cần Viện trưởng Viện KSND TP. Đà Nẵng ký chứ không cần gì phải quyết định của Viện KSND tối cao!”.

Điều khá bi hài, trong “quyết định” mà Hiếu đưa cho bà L có chữ ký của ông Nguyễn Hoà Bình-Viện trưởng Viện KSND tối cao. Còn trong “quyết định” đền bù đất viện dẫn Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 là không chính xác, bởi Nghị định 43/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 15/5/2014. Đồng thời, có rất nhiều lỗi chính tả, từ ngữ và thể thức văn bản trong 2 quyết định giả này.

Chiều ngày 1/7/2017, bà L chia sẻ với chúng tôi, “Khi tôi nói 2 quyết định H đưa là quyết định giả thì H hứa chiều 30/6/2017 sẽ đưa cho tôi “quyết định có dấu đỏ”. Tôi chờ đến tối vẫn không thấy H đến, tôi gọi điện thoại hỏi thì H hẹn ngày 1/7/2017 sẽ đưa. Tôi chờ cả ngày hôm nay nhưng anh ta vẫn không giữ lời hứa. Những lần giao tiền tôi đều nói H viết biên nhận nên anh ta không thể chối cãi hành vi của mình được”.

 Mỗi lần đưa tiền, bà L buộc H viết giấy biên nhận và bà chụp cả ảnh của H.

Qua báo, người dân bày tỏ nguyện vọng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc, nhận lại phần tài sản đã bị lừa đảo.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/cuu-can-bo-vien-kiem-sat-tuot-xich-dem-quyet-dinh-gia-lua-dan-a83797.html