Không chịu được áp lực từ phía người dân, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có gần chục địa phương gửi kiến nghị lên Bộ GTVT đề nghị giảm phí qua các trạm BOT...
Không đi qua trạm vẫn phải trả phí
Tính đến thời điểm tháng 7-2017, tức là sau hơn 5 năm với hơn 60 dự án BOT đã được triển khai, song bất cập vẫn nảy sinh ở hết trạm thu phí này đến trạm thu phí khác. Vào cuối tháng 6-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi về Bộ GTVT “bộc bạch” về những tồn tại của các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong quá trình vận hành khai thác Trạm thu phí Bắc Hải Vân, nhiều phương tiện không đi qua 2 hầm Phước Tượng và Phú Gia nhưng lại đi qua Trạm thu phí và vẫn phải nộp phí.
Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Nguyễn Văn Cao cho biết: Có 3 nhóm đối tượng nằm trong diện trên gồm người dân sinh sống, thường trú tại Lăng Cô nhưng phải thường xuyên ra vào Đà Nẵng làm ăn, công tác; các tổ chức, các nhân có phương tiện vận tải từ cảng Chân Mây và Đà Nẵng và ngược lại; các địa phương tiện vận chuyển của Công ty cổ phần Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND cũng chỉ ra các hạn chế tại dự án BOT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại Dự án sửa chữa, nâng cấp, mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên Quốc lộ 20 (km 76+000 đến km 206+000) được Bộ GTVT triển khai theo hình thức BOT, liên doanh Công ty TNHH MTV7/5, Công ty TNHH Hùng Phát và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đại Phát là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án sử dụng trạm Bảo Lộc và Trạm Đinh Quán (đến ngày 24-9-2013 được dời về Tân Phú km 74+760). Tuy nhiên, đến ngày 1-7-2016, trạm thu phí Bảo Lộc đã được dừng thu phí và bàn giao tài sản về cho Cục Quản lý đường bộ IV. Do đó, việc sử dụng trạm thu phí giá sử dụng đường bộ Tân Phú (không nằm trong phạm vi dự án BOT) để hoàn vốn cho dự án sửa chữa, nâng cấp, mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên QL20 (km 76+000 đến km 206+000) là không phù hợp.
Tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Trảng Bom tại km 1842+000 QL1 để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến QL1 đoạn tránh TP Biên Hoà có mức thu hiện tại là 35.000 đồng cho phương tiện dưới 12 chỗ là khá cao so với các trạm thu khác tại khu vực (trạm cầu Đồng Nai thu 15.000 đồng, trạm thu QL1K 10.000 đồng; trạm QL51 thu 20.000 đồng).
Tại tỉnh Phú Yên, tình cảnh cũng diễn ra tương tự. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BOT và BT, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7 năm 2017.
Để hoàn vốn cho phần BOT của dự án, sau khi hầm đường bộ qua Đèo Cả hoàn thành, trạm thu phí Hầm Đèo Cả sẽ được đặt tại khu vực đường dẫn phía Bắc vào Hầm Đèo Cả (tương ứng tại Km 1354/QL1), dự kiến sẽ bắt đầu thu phí sau tháng 7-2017.
Để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí trên tuyến QL1, Bộ GTVT đã cho di chuyển trạm thu phí Bàn Thạch từ km 1350+150 (QL1 qua tỉnh Phú Yên) về phía Bắc đặt tại km 1298 +150/QL1 thuộc xã An Dân, huyện Tuy An (cách Trạm thu phí Hầm Đèo Cả khoảng 56km và cách trạm thu phí của Dự án mở rộng QL1 BOT Bình Định về phía bắc khoảng 86km) và bắt đầu thu phí tại vị trí mới từ 14-12-2016.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh ở chỗ, khi di dời trạm thu phí Bàn Thạch về km 1298+150 đã nằm trong khu vực đông dân cư thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An và phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Hằng ngày người dân khu vực trên phải qua lại và đóng phí nhiều lần ở Trạm thu phí Bàn Thạch, tạo ra sự đóng góp không bình đẳng giữa các vùng dân cư sống dọc theo tuyến QL1...
Để hoàn vốn cho phần BOT của dự án Hầm Đèo Cả, Bộ GTVT đã điều chỉnh lại vị trí một số trạm. |
Chính quyền không thể “làm ngơ”
“Đến nay, khoảng 110 phương tiện của cư dân sinh sống tại Lăng Cô thường xuyên đi vào Đà Nẵng đã được Bộ GTVT xem xét, miễn giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của người dân.
Để thuận lợi cho công tác quản lý, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện cơ chế, chính sách chung, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kính đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục quan tâm xem xét miễn giảm phí cho các trường hợp tương tự”, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế làm văn bản kiến nghị.
Trong khi đó, Đồng Nai lại kiến nghị Bộ GTVT xem xét di dời trạm thu phí giá sử dụng đường bộ Tân Phú về phạm vi của dự án cho phù hợp, tránh việc các phương tiện không đi qua dự án nhưng vẫn phải mua giá sử dụng đường bộ khi qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Tân Phú. Đồng thời kiến nghị Bộ GTVT xem xét giảm mức giá sử dụng đường bộ tại Trạm Trảng Bom cho tương đồng với các trạm thu tại khu vực, đồng thời có chính sách giảm giá sử dụng đường bộ cho các hộ dân sống gần trạm thu giá sử dụng đường bộ.
Với tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên xem xét, kiến nghị miễn thu phí đường bộ hoặc có chính sách ưu đãi cho các phương tiện của người dân trên địa bàn xã An Dân, huyện Tuy An và phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (hai địa phương ở hai đầu trạm thu phí) khi đi qua Trạm thu phí Bàn Thạch tại km 1298 +150 trên QL1.
Ngoài 3 địa phương kể trên, trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh An Giang cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ GTVT điều chỉnh một số điều kiện về giá phí qua các trạm BOT với mong muốn sớm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân lưu thông qua các trạm: T2 (km 50+050) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91; Trạm thu phí tại km 1064+730 QL1 thuộc địa bàn huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi; Trạm thu phí TASCO và Quán Hàu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Trạm BOT Quảng Trị...
Trước các đề xuất của địa phương, mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký công văn gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam, yêu cầu đơn vị này sớm xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải ưu tiên phối hợp với các địa phương, các Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án để thống nhất giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT đã có đề nghị phương án của địa phương, nhà đầu tư hoặc các trạm có nhiều ý kiến của người dân xung quanh trạm. |
Nhà đầu tư BOT “sợ” minh bạch thu phí Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng tổ chức đầu tháng 7, lãnh đạo Vụ Đối tác công-tư (PPP) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, 28 trạm thu phí BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành việc ký hợp đồng dịch vụ triển khai lắp đặt hệ thống ETC trước ngày 30-4-2017. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ thu giá của 13 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tiến độ dự án thu phí tự động không dừng của 28 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bị chậm, xuất phát từ tư duy của nhà đầu tư BOT chưa muốn minh bạch. “Hiện tại, tôi khẳng định, số liệu doanh thu thu phí của các trạm BOT vẫn chưa phải là chuẩn 100%, nếu tiến hành giám sát đột xuất vẫn có vấn đề. Bây giờ, Chính phủ đã có yêu cầu, Bộ GTVT đã chỉ đạo làm rất quyết liệt, các nhà đầu tư phải phối hợp thực hiện, không còn cách nào khác cả”, ông Huyện nói. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nhieu-dia-phuong-kien-nghi-mien-giam-phi-a84761.html