Luật sư lên tiếng vụ nữ tài xế lăng mạ, túm áo CSGT

Theo luật sư, dựa vào những dấu hiệu pháp lý, nữ tài xế hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ ngày 17/7, một nữ tài xế lái ôtô đi vào làn ngược chiều đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TPHCM) bị Cảnh sát giao thông gõ cửa xe nhắc nhở, yêu cầu đi đúng đường. Không những không chấp hành, người phụ nữ này xuống xe với thái độ khá hung hăng, túm cổ áo chiến sỹ cảnh sát, có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. Một phần sự việc sau đó được một người dân quay hình, đưa lên mạng.

 Người phụ nữ có hành vi lăng mạ CSGT. (Ảnh: Cắt từ clip)

Sau khi đăng tải, clip đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận, đa số các ý kiến đều bất bình và phản ứng gay gắt cách cư xử của người phụ nữ này với Cảnh sát giao thông.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc này, trước đó cũng đã xuất hiện nhiều vụ việc tương tự khi đối tượng vi phạm giao thông đã xúc phạm, lăng mạ, thậm chí hành hung lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, cơ quan chức năng có khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ”? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định về tội Chống người thi hành công vụ: “1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Theo đó, để có căn cứ khởi tố vụ án này hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ các dấu hiệu pháp lý về các yếu tố cấu thành tội Chống người thi hành công vụ.

Cụ thể, về khách thể: Xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Trong trường hợp này, nữ tài xế đã gây cản trở, khó khăn đến việc điều tiết giao thông của trung úy Cảnh sát giao thông.

Về mặt khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Theo luật sư Hùng, nữ tài xế trên đã có hành vi dùng vũ lực là túm áo và dùng những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm tới trung úy Cảnh sát, gây cản trở đến việc thực hiện nhiệm vụ khiến giao thông càng thêm ùn ứ.

Về mặt chủ quan: Lỗi của người thực hiện phải là là lỗi cố ý trực tiếp. Trường hợp này, người phụ nữ có năng lực hành vi đầy đủ, rõ ràng, hoàn toàn nhận thức được việc gây cản trở tới trung úy Cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ nhưng chị ta vẫn thực hiện các hành vi trên. Do đó lỗi của ở đây lỗi cố ý trực tiếp.

Về chủ thể thực hiện hành vi: phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Ở đây nữ tài xế hoàn toàn có năng lực trách nhiệm hình sự.

“Dựa vào những dấu hiệu pháp lý trên, nữ tài xế hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng nhận định.

 Người phụ nữ chỉ mặt đòi Cảnh sát giao thông phải xin lỗi (ảnh phải) - Ảnh: Cắt từ clip của Facebook Huỳnh Nguyễn Diệu Hạnh

Theo luật sư Hùng, căn cứ theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ: “Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng”. Do đó, người phụ nữ trên còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền theo quy định tại Điều 20.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cũng cho rằng, mỗi vụ việc cần được nhìn nhận khách quan về mức độ, tính chất hành vi vi phạm. Và việc có khởi tố hay không khởi tố vụ án cần phải làm rõ về các dấu hiệu cấu thành tội phạm như phân tích ở trên, để đảm bảo pháp luật phải áp dụng đúng người, đúng hành vi vi phạm.

Trả lời câu hỏi khi gặp đối tượng có thái độ xúc phạm, lăng mạ, túm áo người thi hành công vụ thì Cảnh sát giao thông nên làm gì, ứng xử như thế nào? Luật sư Hùng cho biết, nữ tài xế dùng những lời lẽ khó nghe đối với lực lượng thi hành công vụ là hành vi rất đáng lên án. Trường hợp nhận thấy người vi phạm có thái độ không hợp tác, Cảnh sát giao thông cần có biện pháp cứng rắn xử lý để răn đe và kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hại cho chính bản thân người thi hành công vụ và người tham gia giao thông.

“Theo đó, trong trường hợp này, Cảnh sát giao thông có đủ thẩm quyền cưỡng chế để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết thêm./.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/luat-su-len-tieng-vu-nu-tai-xe-lang-ma-tum-ao-csgt-a84906.html