Níu chân du khách bằng lễ hội văn hóa

Theo thông tin từ Sở Du lịch TT-Huế, lượng khách lưu trú đến Huế nửa đầu năm 2017 tăng chậm so cùng kỳ. Bình quân thời gian lưu trú của khách chỉ còn 1,78 ngày/lượt khách, thấp hơn so với thời kỳ 5 năm trước.

 Lễ hội diều trên cầu Tràng Tiền.

Lí giải bước “thụt lùi” về thời gian khách lưu trú, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch TT-Huế cho rằng, sản phẩm du lịch tại Huế còn thiếu nhiều yếu tố hút khách, đặc biệt là chưa phát huy hết các giá trị văn hóa trong đó có các lễ hội văn hóa.

Trong đó, sản phẩm du lịch về đêm và các dịch vụ vui chơi, giải trí vừa thiếu lại yếu, chưa thu hút, hấp dẫn được du khách, chất lượng dịch vụ không cao. Huế hiện chưa hình thành được không gian, với thiết chế văn hóa kết hợp khu ẩm thực hoàn chỉnh ở tuyến phố đẹp Lê Lợi.

Theo ông Minh, nguyên nhân khác khiến khách du lịch đến Huế chưa tăng mạnh do hạn chế của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn; nhất là về khai thác, kết nối khách du lịch từ các thị trường quốc tế.

Trong nửa đầu năm 2017, các đơn vị lữ hành tại Huế (khoảng 89 đơn vị) chỉ khai thác và phục vụ khoảng 50.000 lượt khách, chiếm khoảng 3% khách du lịch đến Huế. Khách tới Huế chủ yếu vẫn dựa vào các hãng lữ hành lớn ở Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, gần đây có một lượng khách đến Huế thông qua các công ty lữ hành tại Đà Nẵng và qua các trang mạng du lịch như TripAdvisor, Agoda, Traveloka... hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng.

Cũng ông Minh cho biết, Huế hiện thiếu các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm quốc gia và quốc tế (trừ sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế 2017 có quy mô tương đối lớn, tổ chức dịp lễ 30/4-1/5).

Trong khi, các địa phương lân cận có những sự kiện lớn và kéo dài để hút khách, như Đà Nẵng có Festival Pháo hoa kéo dài trong 2 tháng, nhiều hội nghị quốc tế lớn; Quảng Nam có Festival Di sản Văn hóa Quảng Nam, một số hội nghị quy mô lớn của tỉnh và trung ương phối hợp tổ chức.

“Du lịch biển từng mang lại lợi thế cho TT-Huế về lượng khách tham quan và lưu trú. Đặc biệt ở khu vực Lăng Cô và Thuận An. Tuy nhiên ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016 ít nhiều còn ảnh hưởng tâm lý du khách trong quyết định tham gia loại hình du lịch biển tại Huế.

Ngoài ra, so với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, chúng ta vẫn chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng biển, các dịch vụ bổ sung gắn với du lịch biển mang tính hấp dẫn, ngoại trừ khu Laguna”, ông Lê Hữu Minh thông tin.

Để du lịch Huế khởi sắc

Theo ông Lê Hữu Minh, để du lịch Huế khởi sắc, tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện theo hàng tháng, thử nghiệm trong năm 2018, rồi tổ chức trong các năm về sau nhằm thu hút khách. Huế cần có các sự kiện diễn ra theo chủ đề phù hợp từng thời điểm trong năm, đặc biệt là hướng đến tổ chức các lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hội sen hoa, lễ hội múa lân, lễ hội bia...

Tiếp đến, Huế cần đẩy mạnh việc khai thác dịch vụ thuyền trên sông Hương, ca Huế và các dịch vụ bổ sung gắn kèm, theo hướng chuyên nghiệp hóa. Sở Du lịch có trách nhiệm đẩy mạnh quảng bá du lịch Huế thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Vùng trung tâm Huế cần thường xuyên tổ chức các sự kiện, mở rộng phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để hút khách; đẩy mạnh các loại hình du lịch tiềm năng, như du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh…

Ngoài ra, Huế tiếp tục phát huy khai thác thị trường khách truyền thống, đẩy mạnh hút khách từ các thị trường hiện có thị phần lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản; nghiên cứu mở rộng thị trường Đài Loan và một số địa phương của Trung Quốc, để tăng lượng khách quốc tế đến Huế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Với nỗ lực “thắp sáng Đại nội Huế” về đêm nhằm níu chân du khách lưu trú, tạo thêm sản phẩm du lịch cho Huế, Trung tâm này cũng mong nhận được sự phối hợp từ thành phố Huế, Sở Du lịch. Đơn vị hiện chỉ bước đầu thực hiện đơn thuần, thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của các bên liên quan và tham gia kết nối từ những “vệ tinh” xung quanh.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/niu-chan-du-khach-bang-le-hoi-van-hoa-a86040.html