Trầm Bê trước ngày xộ khám: 'Đánh đâu thắng đấy', ngàn tỷ rải khắp nơi

Khởi nghiệp từ lĩnh vực chế biến và xử lý nông lâm sản nhưng đại gia Trầm Bê nổi tiếng và trở thành ông trùm ngành ngân hàng và bất động sản, sở hữu khối tài sản hàng đầu Việt Nam. Tất cả các lĩnh vực trải qua, Trầm Bê đều thành công, cho đến thương vụ lịch sử thâu tóm Sacombank ông cũng được toại nguyện. Tài sản ngàn tỷ của ông này cho đến trước ngày bị bắt rải khắp: BĐS, ngân hàng, y tế, nông nghiệp...

Đại gia kín tiếng

Trước năm 2012, rất ít người biết đến cái tên Trầm Bê. Cho đến khi xuất hiện sau vụ thâu tóm Sacombank từ tay ông trùm ngành ngân hàng Đăng Văn Thành, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn về cái tên nghe khá lạ này.

Là một doanh nhân gốc Trung Quốc và nằm trong HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) từ 2004 nhưng ông Trâm Bê rất kỹ tính, hiếm khi phát biểu trước báo chí. Ông chỉ nổi bật sau khi thâu tóm Sacombank và sáp nhập thành công với SouthernBank.

Ông Trầm Bê. 

Ông Trầm Bê bắt đầu quá trình công tác năm 1986, với vị trí phó giám đốc một xí nghiệp tại quận 6 (TP.HCM). Đầu những năm 90, ông Trầm Bê khởi nghiệp vai trò Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Vài năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.

Sau đó, ông Trầm Bê lập ra doanh nghiệp hoạt động rất nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản: Công ty TNHH Sơn Sơn. Trong gần 10 năm, DN của ông Trầm Bê chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam. Thế độc quyền này mãi sau mới bị phá vỡ.

Với công nghệ hàng chục triệu USD nhập từ Mỹ, ông Trầm Bê đã kiếm lời rất nhiều từ thị trường Bình Thuận và các tỉnh lân cận khi mỗi năm xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thanh long đi các nước, trong đó có Mỹ.

Kiếm bộn tiền từ nông lâm sản, ông Trầm Bê nhanh chóng tấn công vào thị trường bất động sản khu vực miền Nam, bắt đầu bằng cú đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) và sau đó trở thành thành viên HĐQT.

BCI là một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại TP.HCM. Vài năm gần đây, nó là điểm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ trong nước. BCI hiện có quỹ lớn tại TPHCM với tổng diện tich hàng trăm hecta.

Khi đó, giới trong ngành nông nghiệp và bất động sản biết đến Trầm Bê như một ông trùm, doanh nhân đầu ngành. Sau khi đã vững mạnh, ông Trầm Bê đã có những bước đi đầy toan tính: tấn công vào lĩnh vực tài chính để tạo ra một đế chế kinh doanh 3 kiềng vững chắc: tài chính - bất động sản - nông nghiệp.

Cùng với việc lập ra và là chủ tịch HĐQT Bệnh viện Dân lập Triều An, ông Trầm Bê tấn công vào lĩnh vực ngân hàng với vị trí thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) từ 2004 và từ 2009 là phó chủ tịch ngân hàng này.

Ông Trầm Bê cũng đã lần lượt đưa các con của mình là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư.

 

 

Giàu có và tham vọng 

Gia nhập lĩnh vực ngân hàng đúng giai đoạn ngành có sự tăng trưởng vượt bậc với tín dụng tăng vài chục phần trăm/năm, ông Trầm Bê một lần nữa chứng tỏ mình là người thức thời. Đó là những năm 2005-2007, thị trường chứng khoán Việt Nam sốt xình xịch với chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao lịch sử gần 1.200 điểm năm 2007.

Giàu có và tham vọng. 

Nắm trong tay một ngân hàng với lợi nhuận đạt vài trăm tỷ đồng ngay vào những năm đó, ông Trầm Bê đã có thể dễ dàng hơn trong việc triển khai các dự án bất động sản và lấn sâu hơn nữa vào thị trường tài chính.

Sau khi hoạt động của ngân hàng mẹ đã đi vào ổn định, ông Trầm Bê cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Ông Trầm Bê tiếp tục củng cố vị trí của mình tại SouthernBank với việc đưa con gái Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu của các con tại ngân hàng này lên tổng cộng hơn 17%.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, ông Trầm Bê cũng nắm giữ chức phó chủ tịch và 2008 đưa con gái Trầm Thuyết Kiều lên giữ chức Phó giám đốc. Vài năm sau đó, ông Trầm Bê đưa con trai út Trầm Khải Hòa khi đó mới 24 tuori lên giữ chức chủ tịch HĐQT PNS, một CTCK từng lọt top 10 thị phần môi giới tại HOSE, đứng trên cả VND, FPT,...

Như vậy vẫn chưa đủ. Khi thị trường bất động và tài chính rơi vào khó khăn năm 2011, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank để củng cố vị thế trong ngành ngân hàng. Lý do đơn giản vì Sacombank khi đó là ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Việt Nam và giá cổ phiếu xuống rất thấp: khoảng 11 ngàn đồng/cp, thay vì 2x như phần lớn thời gian trước đó. Đây cũng là ngân hàng thuộc nhóm 1, có tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất.

Điều đáng nói là các vị trí chủ chốt tại Sacombank khi đó nắm giữ cổ phiếu khá mỏng. Chủ tịch Đặng Văn Thành cũng chỉ nắm khoảng 4%, con trai Đặng Hồng Anh chỉ năm 3,5%, phó chủ tịch Huỳnh Quế Hà hơn 1%,...

Đầu năm 2012, giới đầu tư ngã ngửa khi thấy Eximbank của ông Lê Hùng Dũng cho biết đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông Trầm Bê đã thành công trong việc thâu tóm Sacombank, sau khi nắm quyền chi phối ở 2 ngân hàng - một hiện tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Tới giữa tháng 7/2015, ông Trầm Bê đã toại nguyện khi cổ đông cả 2 NH SouthernBank và Sacombank đã thông qua phương án sáp nhập. SouthernBank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ 1/10/2015 và cái tên NH Phương Nam chính thức bị xóa bỏ. Ông Trầm Bê sở hữu ngân hàng lớn thuộc tốp 5 tại Việt Nam với tổng tài sản gần 300 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ván cờ đã thay đổi vào phút chót. Ngày 12/8/2015, NHNN cho biết, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank, Sacombank, sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ số cổ phần tại Southern Bank, Sacombank và NH sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, cũng như sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành NH sau sáp nhập, đảm bảo NH này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu của hai NH.

Ngày 11/11/2015, HĐQT Sacombank đã có Nghị quyết thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank kể từ ngày 11/11 theo nguyện vọng cá nhân.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/tram-be-truoc-ngay-xo-kham-danh-dau-thang-day-ngan-ty-rai-khap-noi-a86152.html