Du lịch đường sông Đà Nẵng: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng nỗ lực phát triển du lịch đường sông, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động du lịch trên sông Hàn.

 Cần sớm có thêm các tiện ích, dịch vụ tại khu vực bến tàu để du khách có thể sử dụng trong khi chờ lên tàu.

Trong số 24 tàu đang hoạt động trên sông Hàn, ngoài một số tàu được đóng mới, một số tàu được hoán cải từ tàu cá, những chủ đầu tư đã mạnh dạn đưa về Đà Nẵng những con tàu lớn, chất lượng 5 sao như: tàu Harem của Công ty CP Đầu tư Hoàng Gia, tàu Marry Land của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy - tàu có vỏ làm bằng chất liệu composite đầu tiên của Đà Nẵng; mới đây nhất là sự xuất hiện của “công chúa” Han Princess của Công ty TNHH MTV Du thuyền Viet Princess - Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong số các tàu chất lượng đạt tiêu chuẩn 5 sao, chỉ còn tàu Han Princess đang hoạt động trên sông Hàn.

Theo anh Bùi Anh Tuấn, quản lý tàu Han Princess, khi quyết định đóng một con tàu lớn có chất lượng dịch vụ cao cấp tại Đà Nẵng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Du thuyền Viet Princess - Đà Nẵng đã khảo sát, tìm hiểu kỹ về hoạt động đường sông tại đây.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động mới thấy còn nhiều khó khăn. Tàu về Đà Nẵng đúng dịp Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017) vừa qua tưởng thuận lợi nhưng gặp khó do phải di dời bến neo đậu.

Han Princess muốn mang đến cho khách du lịch dịch vụ chất lượng, hướng đến đối tượng khách cao cấp, giá dịch vụ khá cao nhưng không được cấp tuyến từ cầu Trần Thị Lý ra vịnh Đà Nẵng; trong khi đó, lộ trình chạy từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý quá ngắn, không đủ chi phí để trang trải cho tàu hoạt động và cũng khó thu hút khách.

Các chủ tàu khác cho rằng, trước đây, khi có khách, các tàu đều có thể chở khách đi ban ngày, ra vịnh ngắm cảnh, ngắm bình minh hay hoàng hôn trên sông Hàn… Nay việc giới hạn thời gian đưa đón khách tham quan sông Hàn chỉ diễn ra vào ban đêm trong khoảng thời gian từ 19-23 giờ (ngày cuối tuần) cũng là hạn chế lớn; nếu khách đông, tàu chạy liên tục khoảng 3-4 lượt.

Theo ông Trần Văn Minh, chủ tàu Minh Trần, cầu Sông Hàn 23 giờ mới quay, du khách muốn đi xem nhưng hết giờ, cảng vụ không cấp lệnh xuất bến thì không thể chở khách đi. Thành phố có thể sớm cho mở lại các tour ngày đã được cấp tuyến và sớm mở các tour ra vịnh để các tàu phục vụ khách, làm sôi động dòng sông Hàn, đồng thời du khách cũng có thêm sản phẩm du lịch sử dụng khi đến Đà Nẵng.

Tại khu vực khách lên tàu còn có tình trạng một số doanh nghiệp cho người ra ngoài hàng rào an ninh để chèo kéo, mời chào khách. Anh Bùi Anh Tuấn cho rằng, bến đậu hiện nay chỉ là bến tạm, hạ tầng sơ sài, chưa đáp ứng được cho những con tàu lớn; vào mùa mưa bão phải tìm chỗ để neo đậu, tránh trú. Thành phố nên phân cấp các hạng tàu để tiện việc đón khách cũng như sớm có được bến cảng chuẩn và có thêm các dịch vụ như ăn uống, mua sắm.

Theo Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm, có khoảng 150.000 khách sử dụng dịch vụ đường sông; trung bình mỗi đêm có khoảng 850-1.000 khách, có những đêm cao điểm lên tới 2.000 khách. Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch, mới đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Trong đó có phát triển tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với các tuyến như tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn đi hòn Chảo, tuyến sông Hàn đi Cù Lao Chàm, tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai… Tuy nhiên, do đang chờ quy hoạch tổng thể hai bên bờ sông Hàn nên một số hạng mục của bến neo đậu vẫn là bến tạm, chưa đúng quy chuẩn, còn thiếu nhiều thứ.

Tới đây, khi các tàu về lại khu vực cảng sông Hàn cũ (trước khách sạn Novotel), thành phố sẽ triển khai các cầu tàu tạm tại các vị trí đã được phê duyệt, mở lại thời gian hoạt động ban ngày cho các tàu, đồng thời cho chạy theo tuyến (có điểm đi và điểm đến) hoặc chạy theo hợp đồng. Ngoài ra, sau khi các tàu đã ổn định cũng sẽ xúc tiến các hoạt động quảng bá, siết chặt quản lý về vệ sinh môi trường, ứng xử văn hóa, văn minh với du lịch, trang phục… để hoạt động đường sông thật sự bài bản và chuyên nghiệp.

150.000 là số lượng khách sử dụng dịch vụ đường sông trong 6 tháng đầu năm 2017; trung bình mỗi đêm có khoảng 850 - 1.000 khách, những đêm cao điểm lên tới 2.000 khách.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/du-lich-duong-song-da-nang-nhieu-kho-khan-can-thao-go-a86402.html