Phòng, chống sốt xuất huyết: Việc không của riêng ai

Ngày 4-8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 Người dân cần tự giác, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.

Số liệu không đúng do phần mềm chưa đồng bộ (?)

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận trên 3.870 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Tình hình SXH có dấu hiệu tăng nhanh từ tháng 7-2017, với trên 50 phường, xã có người mắc SXH với 267 ổ dịch. Các quận có số ca mắc SXH nhiều nhất là Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu... Phường Hòa Cường Bắc là địa phương có SXH phức tạp nhất quận Hải Châu.

Ông Phan Trọng Tính, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho biết, với hơn 270 khu đất trống trên toàn phường, dù luôn được cơ quan chức năng tiến hành xử lý môi trường nhưng tình trạng rác thải, các vật dụng chứa nước, cây dại mọc um tùm vẫn còn khá nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, muỗi sinh sôi nảy nở.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, tình hình SXH năm nay tăng sớm hơn mọi năm, nhưng cũng cần hiểu đúng về số liệu báo cáo của các đơn vị, địa phương gửi về. “Từ tháng 6-2016, tất cả các địa phương đều chạy phần mềm quản lý bệnh nhân SXH của Bộ Y tế, nhưng phần mềm này hiện nay chưa đồng bộ nên gây ra nhầm lẫn.

Có rất nhiều trường hợp được báo là mắc SXH nhưng khi chúng tôi tới cơ sở giám sát thì không tìm ra người bệnh. Cần phải hoàn thiện phần mềm, tránh tình trạng gây số liệu ảo như hiện nay. Ngoài ra, đỉnh dịch SXH năm 2016 vào tháng 12, một số lượng lớn bệnh nhân điều trị chuyển tiếp qua 2 năm, vô tình cộng dồn khiến số người mắc SXH trong năm 2017 tăng đột biến”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Ghi nhận từ một số lãnh đạo bệnh viện, số người mắc SXH hiện nay không tăng so với năm 2016. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngày 4-8 ghi nhận 32 trường hợp mắc SXH đang điều trị, các Trung tâm Y tế Sơn Trà, Cẩm Lệ cũng đang tiếp nhận điều trị trên dưới 15 bệnh nhân SXH.

 Các vật dụng chứa nước là môi trường bọ gậy dễ sinh sôi. Ảnh: PHAN CHUNG

Người dân thờ ơ, thụ động

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, trước tình hình SXH có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch.

“Ngành y tế đã tổ chức giám sát hoạt động diệt bọ gậy, đặc biệt là tại các điểm nóng và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất sẵn sàng chống dịch SXH, không để dịch lây lan diện rộng”, bác sĩ Hồng nói.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, người dân tuy đã nhận thức được nguyên nhân, tác hại của SXH nhưng lại rất ngại ra tay xử lý, chủ yếu giao phó hết cho cán bộ ngành y tế.

Trong quá trình diệt bọ gậy tại nhà dân, cán bộ y tế đã xử lý, úp các vật dụng chứa nước như chậu cây cảnh, lọ đựng thức ăn cho chim... nhưng cứ ít ngày sau quay lại kiểm tra thì thấy những vật dụng này vẫn được người dân lật lên để hứng nước và bọ gậy theo đó lại có chỗ sinh sôi. Ngoài việc không tuân thủ những hướng dẫn của cán bộ y tế, một số người dân cũng ngại cho lực lượng chức năng vào nhà phun thuốc diệt muỗi.

Đánh giá cao công tác phòng, chống SXH của ngành y tế Đà Nẵng trong thời gian qua nhưng ông Đặng Quang Tấn cũng đề nghị các sở, ngành của thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh.

“Việc phòng chống SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, bọ gậy bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống SXH”, ông Tấn khẳng định.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/phong-chong-sot-xuat-huyet-viec-khong-cua-rieng-ai-a86403.html