Lòng tham của Apple đang 'giết chết' Trái đất

iPhone có thể rất đẹp mắt nhưng được thiết kế chỉ để thay thế chứ không phải sửa chữa.

iPhone không phải là món đồ có thể trường tồn qua năm tháng. Dù bạn có bảo quản nó tốt đến thế nào, sẽ có một ngày chiếc smartphone này sẽ bị vỡ màn hình, bong pin, hoặc gặp phải một lỗi vật lý hay phần mềm nào đó. Một số bản cập nhật iOS sẽ làm cho không ít phiên bản trước trở nên lỗi thời. Và đó là lúc, bạn sẽ phải mua một cái iPhone mới.

Điều đó đồng nghĩa với chuyện ngoài việc mất đi vài trăm USD, hàng triệu người dùng đã vô tình làm tổn hại rất nhiều tài nguyên khoáng sản trên hành tinh này để chế tạo ra các linh kiện điện tử bên trong iPhone và để lại cho hậu thế hàng đống rác thải điện tử vô cùng nguy hiểm.

Theo Mashable, một báo cáo dài 43 trang mới được tổ chức Repair Association đưa ra gần đây, cho biết các tập đoàn như Apple đã vượt qua các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo để kinh doanh đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Cụ thể, Apple đã buộc người dùng phải thay thế các thiết bị vài năm một lần hoặc nâng cấp iPhone, sau mỗi 12 tháng.

Nhiều nhóm vận động và các tổ chức phi chính phủ đã thúc giục tập đoàn này áp dụng các chính sách giúp người dùng dễ dàng sửa chữa thiết bị như iPhone, iPad... nhưng không thành công. Nguyên nhân bởi các hãng công nghệ đã khéo léo lợi dụng các tiêu chuẩn về môi trường được phê chuẩn để kiếm lời bằng cách tìm hướng bán ra thật nhiều sản phẩm.

Kyle Wiens, Tổng giám đốc của iFixit, một công ty sửa chữa đồ dùng nổi tiếng từng nói: "Các nhà sản xuất nắm giữ hầu như tất cả các phiếu bầu. Họ về cơ bản viết ra các tiêu chuẩn".

 iFixit thường xuyên "mổ xẻ" iPhone.

Cụ thể hơn, các sản phẩm đang được thiết kế để chỉ có thể thay thế mà không thể sửa chữa. Cái gọi là "quyền sửa chữa" từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Logic rất đơn giản: Nếu người dùng dễ dàng thay thế pin của điện thoại thông minh hay sử dụng các công cụ rồi làm theo hướng dẫn để sửa chữa các thiết bị của mình, chúng sẽ hoạt động được lâu hơn. Điều này tốt cho người sử dụng, tốt cho hành tinh, nhưng lại là điềm xấu cho các công ty như Apple.

Bởi vậy, các công ty công nghệ hiện nay đều bán ra các sản phẩm khiến cho tiêu chuẩn sửa chữa và tái chế trở nên vô nghĩa. Điện thoại được chế tạo bằng các ốc vít độc quyền đòi hỏi các công cụ đặc biệt để thao tác, các linh kiện được gắn vào thiết bị bởi loại chất kết dính cực mạnh... Nhìn chung, các sản phẩm cuối cùng có thể rất đẹp mắt nhưng được thiết kế chỉ để thay thế chứ không phải sửa chữa.

Sarah Westervelt, Giám đốc chính sách của Mạng lưới Hành động Basel (Basel Action Network), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giảm thiểu thương mại độc hại cho biết: "Việc kéo dài đời sống của các sản phẩm đã qua sử dụng có nghĩa là các nhà sản xuất có thể bán ít sản phẩm mới hơn".

"Nếu khách hàng biết rằng các sản phẩm 'xanh' nhất bao gồm những sản phẩm được thiết kế để có thể tồn tại lâu dài và có thể dễ dàng sửa chữa hay nâng cấp, với pin dễ dàng thay thế, thì xã hội của chúng ta sẽ làm chậm lại 'product churn' - kiểu kinh doanh hướng tới việc bán ra nhiều sản phẩm hơn là mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", bà nói thêm. "Những vấn đề về chất thải là nguy hại lâu dài và không thể tưởng tượng được trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, điểm đến cuối cùng của các chất thải điện tử độc hại hiện nay".

 Điểm đến của rác thải điện tử thường là các nước đang phát triển.

Apple là công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Hãng công nghệ này rất thích phô trương sự "xanh tươi" của mình, như việc ghi chú trên trang web của hãng rằng hộp của iPhone 7 được tạo ra một phần từ bã mía. Nhưng đằng sau nó, Apple liên tục vận động hành lang để chống lại các đạo luật giúp người dùng có thể giữ các thiết bị điện tử có thể kéo dài sự sống lâu hơn, cũng như để duy trì quyền kiểm soát với các thiết bị được mua và sở hữu bởi người tiêu dùng.

Apple dường như cũng áp đặt tiêu chuẩn môi trường lên các đối thủ cạnh tranh của mình. Theo báo cáo của Repair Association, hãng điện thoại này đã phản đối mạnh mẽ một biện pháp để thưởng cho các công ty sản xuất ra điện thoại thông minh với pin có thể tháo rời.

"Một nhà sản xuất đã kiên quyết phản đối đề nghị này và từ chối bỏ phiếu cho việc đưa nó vào tiêu chuẩn. Đó là Apple", bản báo cáo nói. "Mặc dù nó chỉ là một tiêu chuẩn tùy chọn".

Mashable đã gửi tới cho Apple một bản xem trước bài viết của Repair Association trước khi cho xuất bản bài báo này. Để đáp lại, Apple gửi cho họ thông báo như sau:

"Thiết kế tích hợp cao cấp cho phép chúng tôi sản xuất những sản phẩm không chỉ đẹp, mỏng và mạnh mà còn bền, vì vậy chúng có thể hoạt động tốt trong nhiều năm. Và khi các sản phẩm đến cuối đời, Apple có trách nhiệm tái chế chúng một cách an toàn và có trách nhiệm.

Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào các phương pháp để thu hồi các nguyên liệu từ các sản phẩm của chúng tôi, như Liam, dòng robot phân tách linh kiện và khuyến khích khách hàng trả lại sản phẩm qua chương trình tái chế của Apple Renew. Nơi sản phẩm được sản xuất chỉ sử dụng các nguồn tái tạo hoặc vật liệu tái chế để giảm sự cần thiết phải khai thác vật liệu từ trái đất".

Apple tuyên bố hãng hỗ trợ tái chế điện tử, đồng thời cung cấp một vài chi tiết về việc đảm bảo vật liệu được xử lý có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong các sản phẩm được cho là "tái chế" được tìm thấy, rất nhiều khoáng chất quý hiếm không thể phục hồi. Các linh kiện điện tử thường bị "xé rách", trong một quy trình tái chế có tính phá hoại vì nó cho thấy nhiều nguyên liệu không thể lấy lại được. Liam, con robot được thiết kế để tách các bộ phận của iPhone một cách "có trách nhiệm", trên thực tế cũng chỉ có nhiệm vụ tháo rời các bộ phận và một phần trong số chúng được gửi trả lại trực tiếp cho Apple.

Mark Schaffer, tác giả của báo cáo nói rằng: "Chừng nào mà một nhà sản xuất vẫn kiểm soát được các tiêu chuẩn, việc sửa chữa vấn đề sẽ không được giải quyết".

Nói cách khác, nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo các tiêu chuẩn về môi trường cần có ảnh hưởng lớn hơn và không nhận được lợi ích gì từ việc đưa ra các quyết sách này. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra nếu không có áp lực đáng kể từ một tổ chức lớn, với ý thức mạnh mẽ về chủ nghĩa môi trường. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây rõ ràng là một chuyện không hề dễ dàng.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/long-tham-cua-apple-dang-giet-chet-trai-dat-a86716.html