Bkav đánh trống khua chiêng
Điện thoại thương hiệu Việt đang được giới tiêu dùng trong nước quan tâm bởi sự góp mặt của "tay chơi mới" Bkav sau 2 năm lặng lẽ chuẩn bị cho kế hoạch tiếp tục tấn công thị trường từ cú ngã hồi năm 2015. Ngay tại sự kiện hôm 8/8, CEO của Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng đã thể hiện rõ trong thông điệp truyền tải về tương lai của Bphone, "Không thể thành công ngay mà mất đến vài năm hoặc vài chục năm". Điều đó cho thấy, đây là một kế hoạch dài hạn và hãng này phải làm rất nhiều để đạt được thành công.
Bphone 2017 ra mắt ngày 8/8 |
So với 2 năm về trước, sự kiện năm nay đã bớt "nổ" hơn, vị CEO của Bkav cũng thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thất bại của thế hệ đầu tiên. Nhưng xét trên phương diện quy mô tổ chức sự kiện, cách truyền thông, vẫn không kém và thậm chí còn rình rang hơn với quy mô 2.000 khách mời. Hãng này vẫn tiếp tục chiêu bài tạo sự ồn ào, đánh vào sự tò mò của người tiêu dùng để quảng bá thương hiệu.
Chẳng hạn, có những vết sạn, không biết rằng là chủ ý hay là vô tình như clip so sánh tốc độ kết nối 4G trước sự kiện ra mắt chỉ 2 hôm. Bkav tung clip cố chứng tỏ khả năng kết nối 4G chẳng thua kém siêu phẩm nhờ độ hoàn thiện cao của ăng-ten. Nhưng rồi, video đấy lại bị "bóc mẻ" một đoạn ngắn khi thử nghiệm phần 2, Bphone 2017 sử dụng mạng Wi-Fi để "đọ" 4G của hai đối thủ khác. Chính "vết sạn" ấy đã tạo ra nhiều tranh luận, rầm rộ từ Facebook này đến Facebook nọ, từ diễn đàn này đến diễn đàn nọ... Đây cũng là cách để tạo nên sự chú ý, tạo sự quan tâm, tò mò và xem thực chất, mẫu sản phẩm này có đúng như lời nói.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, sự ồn ào của Bphone 2017 năm nay và cách thuyền trưởng của Bkav thể hiện qua hành động, cho thấy sự quyết tâm của cả tập thể này trong việc tạo dựng nên một thương hiệu Việt đúng nghĩa thay vì chỉ là ở mức độ thử nghiệm, hay thăm dò.
Tất nhiên, sự góp mặt của Bkav và những thông điệp truyền tải lần này cũng được xem là liều thuốc kích thích của thương hiệu Việt khác trong sân chơi di động ở Việt Nam vốn đã ảm đạm trong thời gian vừa qua. Khi mà hầu như các thương hiệu Việt rời bỏ sân chơi, trong đó có HK Mobile tạm biệt sân chơi này, Q-mobile thì lay lắt từ cuối năm 2016 và đang dần mất hút... Còn lại mỗi MobiiStar là cái tên nổi nhất, bên cạnh một số thương hiệu đến từ các nhà cung cấp viễn thông VNPT, Viettel hay nhà sản xuất Masstel.
MobiiStar tiếp tục "lặng lẽ" đi tiếp?
Hậu sự kiện Bphone, giới truyền thông lại đổ dồn về MobiiStar, hãng thương hiệu Việt nằm trong top đầu tất cả các thương hiệu Việt hiện nay. Với 2,96% thị phần trên thị trường di động Việt, theo GFK tháng 7/2017, MobiiStar xếp vị trí thứ 4 chỉ sau Samsung, Oppo và Apple. Họ vượt mặt Sony, Huawei, Vivo và cả Asus.
Tuy nhiên, không phải "ngó" sang MobiiStar vì sự cạnh tranh và là đối thủ của Bkav mà đó là cách truyền thông, với hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Mobiistar có những bước đi không "ồn ào", không náo nhiệt như Bkav mà chỉ truyền thông trong lặng lẽ và có phần "rón rén".
Hình ảnh xuất hiện trên Facebook của CEO MobiiStar |
Tính sau ngày 8/8 đến nay, MobiiStar vẫn chưa có một động thái đúng nghĩa trong việc quảng bá về sản phẩm mới, những hướng đi mới để gây sự ồn ào trong thời điểm thương hiệu Việt đang được quan tâm nhờ hiệu ứng của Bphone.
Mới đây, ông Ngô Carl Nguyên Kha, CEO của MobiiStar đã "rò rỉ" về sản phẩm mới nhưng chỉ ở mức độ kín kẽ. Dựa vào các bức ảnh được chia sẻ trên trang cá nhân của CEO, có vẻ như MobiiStar đang họp bàn ra mắt sản phẩm mới sắp tới đây.
Các bức ảnh mà CEO của MobiiStar chia sẻ cho thấy sự xuất hiện của bộ đôi camera kép ở mặt trước, có thêm tính năng chụp góc rộng...
Có thể nhận thấy MobiiStar có một hướng đi khác khi chọn tính năng đặc biệt để quảng bá và tiếp cận người dùng. Trái ngược hoàn toàn so với lối đi mà Bkav lựa chọn, đó là về việc định vị thương hiệu, đánh vào nhiều tính năng cao cấp được trang bị thay vì chọn một tính năng điển hình hoặc xu hướng để truyền thông.
Ông Kha vẫn "lặng lẽ" trong từng bước đi |
Về sự xuất hiện cùng những ồn ào của Bphone, ông Kha không bình luận thêm bởi mỗi hãng có một cách truyền thông cho thương hiệu khác nhau nhưng CEO của MobiiStar cho biết rất khâm phục đội ngũ của Bkav. "Cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực quay lại sân chơi di động của Bkav. Tôi nhìn thấy ở họ sự nỗ lực đưa sản phẩm Việt tới tay người tiêu dùng, đó mới ra là điều đáng trân trọng. Sự góp mặt của Bkav vừa là năng lượng tích cực, để chúng tôi cùng tiến, cùng vươn lên ở một thị trường di động vốn khó tính như Việt Nam".
Asanzo bình tĩnh nhập cuộc đua
Nối gót sau Bphone, một tay chơi mới cũng không kém phần quan tâm đó là Asanzo - tên tuổi mới trong mảng điện tử tiêu dùng trong nước, dự kiến cũng sẽ chào sân thị trường trong tháng 8 năm nay. Vẫn cách truyền thông truyền thống của ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo, "có gì nói nấy".
Ông Phạm Văn Tam quyết định tung smartphone trong giai đoạn nhiều thương hiệu rời bỏ cuộc chơi |
Khi được hỏi vì sao Asanzo lại chọn sản xuất smartphone trong thời điểm này bởi đã có quá nhiều thương hiệu trong nước đã rời bỏ cuộc chơi? Vẫn thái độ cởi mở quen thuộc, ông Tam nói: "Không thử thì không thể biết được có thành công hay không? Nhưng thử để biết được mình đã làm được đến đâu".
"Thị trường smartphone Việt Nam luôn có nhiều thách thức và đầy cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm trong nước mà còn đến từ các thương hiệu quốc tế. Cạnh tranh ở lĩnh vực này chắc chắn sẽ rất chông gai, đầy khó khăn và thách thức. Nhưng không có gì là không thể. Cứ thử đi". Ông Tam chia sẻ thêm.
Theo chia sẻ của CEO Asanzo, các sản phẩm sẽ hướng đến các khu vực là tỉnh thành và vùng nông thôn ở Việt Nam, tập trung vào phân khúc phổ thông, dưới 5 triệu đồng nhưng trang bị cấu hình mạnh cũng như thiết kế đẹp. Đây được xem là lối đi mà từ trước đến nay các thương hiệu Việt thường hay làm, thay vì cách lựa chọn phân khúc cao từ đầu của Bkav.
Đáng chú ý, cách phân phối của sản phẩm này cũng khác biệt so với hướng đi mà nhiều thương hiệu khi vào thị trường Việt. Ông Tam cho biết, sản phẩm Asanzo sẽ không đi theo lối truyền thống, tức thông qua các nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam như Thế giới Di động hay FPT Shop mà được bán thông qua các cửa hàng và hộ kinh doanh nhỏ. Những cửa hàng này nằm trong hệ thống phân phối sản phẩm của Asanzo trước đây, tập trung chủ yếu kinh doanh mặt hàng là TV và các thiết bị gia dụng của hãng này.
"Asanzo sẽ tập trung vào 6.000 cửa hàng thuộc hệ thống phân phối các mặt hàng sản phẩm của chúng tôi trên khắp cả nước. Tiết kiệm thêm chi phí và giúp đưa giá trị thực đến với người tiêu dùng. Asanzo cũng sẽ làm các bàn trưng bày, những buổi hoạt náo tại chính các cửa hàng để người dùng biết và tìm hiểu sản phẩm". Ông Tam cho biết.
Với sự gia nhập của thương hiệu Asanzo, thị trường di động Việt tiếp tục có thêm một "tân binh" tham gia cuộc chơi. Dẫu chưa biết thương hiệu này có đủ mạnh, đủ sức để tạo ra cuộc chơi hay không? Nhưng ít nhất, khi có thêm người nhảy vào cuộc chơi, sẽ tạo ra thêm nhiều cạnh tranh hơn và điều đó, cũng đồng nghĩa đem đến cho người dùng nhiều lợi ích hơn, giúp cho họ có thể mua sản phẩm đúng với giá trị vốn có của nó.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dien-thoai-thuong-hieu-viet-nguoi-on-ao-ke-lang-le-a87119.html