Người tiêu dùng vẫn đang “chịu trận” với nạn lạm dụng kháng sinh của người chăn nuôi. Ảnh: Bình Phương. |
Tại sao trẻ em dậy thì sớm?”
Sau chất cấm (Salbutamol, Vàng ô…) trong chăn nuôi- rộ lên thời gian qua như một loại “thần dược” giúp lợn “bung đùi, nở mông”, đến lượt việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản liên tục báo động đỏ. TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, người chăn nuôi đang sử dụng bừa bãi, vô tội vạ các loại kháng sinh, gây những hệ lụy nhức nhối với ngành chăn nuôi, lẫn sức khỏe con người. “Người nuôi cứ thấy lợn, gà ốm, không cần bác sĩ thú y kê đơn gì, bệnh tật ra sao đã “táng” cho mớ kháng sinh liều cao. Chưa kể, kháng sinh còn bị lạm dụng để phòng bệnh, dùng trong thức ăn để gây rối loạn chuyển hoá, tích nước, giúp tăng trọng”- ông Khanh cho biết.
Theo ông Khanh, nên sớm cấm việc dùng kháng sinh kích thích tăng tưởng trên cám hiện nay. “Nó có thể có lợi cho một số ít người, nhưng gây hại cho người tiêu dùng, xã hội nhiều vô kể, nhất là vấn đề nhờn kháng sinh... Tại sao trẻ em giờ dậy thì sớm? Tại sao điều trị thuốc mãi không khỏi?..”- ông Khanh đặt vấn đề.
Còn PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, dùng kháng sinh trong chăn nuôi là “con dao hai lưỡi”. Nếu dùng đúng toa, liều lượng sẽ chữa được bệnh, nhưng dùng sai có thể gây ra tình trạng gia súc, gia cầm nghiện kháng sinh, ốm yếu, chữa không được. Dù có rất nhiều kháng sinh, nhưng trên thế giới khuyến cáo, nếu không có nhu cầu chữa bệnh thì không dùng kháng sinh cho chăn nuôi. Do vậy, việc sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng ở Việt Nam cần hạn chế, tiến tới cấm sử dụng.
PGS Thịnh lưu ý, dùng kháng sinh trị bệnh cũng phải theo đơn của bác sĩ thú y, nhằm không gây tồn dư trên thịt. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng kháng sinh vô tội vạ, không kiểm soát được, gây nhờn thuốc, từ đó sẽ bế tắc khi chữa các bệnh nhiễm trùng. “Việc mua thuốc thú y, kể cả thuốc chữa bệnh cho người ở Việt Nam dễ như mua rau, trong khi ở nước ngoài không có đơn bác sĩ, nhà thuốc sẽ không bán”- PGS Thịnh nói.
Liên quan vấn đề trên, PGS TS Hoàng Văn Tiệu, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên thế giới, chủ yếu dùng kháng sinh để phòng bệnh, chữa bệnh, ít nơi dùng kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng kháng sinh trong cám phải giám sát chặt chẽ, vì các công ty cám có thể lợi dụng, không tuân thủ quy định về liều lượng dùng kháng sinh để “thúc” vào cám, nhằm quảng bá cám tốt, lợn, gà ăn nhanh lớn, ít bệnh tật.
Theo PGS Tiệu, khi người chăn nuôi dùng cám một hãng nào đó, nhất là các công ty nhỏ, cứ tưởng lợn, gà ăn vào ít bệnh hơn, nhưng thực ra, có thể họ đã dùng nhiều kháng sinh trong đó. Do vậy, cần tăng kiểm tra và với những sản phẩm “quá liều” nên cấm tiêu thụ và xử phạt thật nặng.
Mầm họa từ các cơ sở chăn nuôi. |
Rất nhức nhối
Những vi phạm trong kinh doanh, sử dụng kháng sinh chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gần đây đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết, có nhiều công ty nhập nguyên liệu kháng sinh, nhưng bán sai đối tượng; công ty chưa đủ điều kiện cũng mua kháng sinh về sản xuất trái phép thuốc thú y…
Theo ông Dũng, thậm chí, các hộ nuôi trồng thủy sản mua và cho trực tiếp nguyên liệu kháng sinh xuống ao nuôi, trong đó có kháng sinh cấm Enrofloxacin. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng mua kháng sinh về hòa tan trong nước, cho vật nuôi uống phòng bệnh. Sau khi phát hiện sai phạm, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 tháng đến 12 tháng đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện việc quản lý, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cũng như trên người đang rất nhức nhối mặc dù Bộ đã tăng cường quản lý. Năm 2017, Việt Nam sẽ không được sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi. Còn thức ăn phòng trị bệnh, chỉ quy định với gia súc non và đến năm 2020 cũng tiến đến chấm dứt.
Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Y tế, tổng rà soát danh mục các kháng sinh dùng cho người và động vật. Trong đó sẽ tách ra các nhóm kháng sinh sử dụng cho người và nhóm dùng cho động vật và hạn chế sử dụng kháng sinh dùng cho cả hai đối tượng trên, nhằm hạn chế vấn đề nhờn thuốc.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, ngoài việc cấm kháng sinh kích thích tăng trưởng theo lộ trình trên, với kháng sinh điều trị cho gia súc gia cầm phải dùng theo toa thuốc của bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề. Việc cấm không phải “nói không” với kháng sinh. “Quan trọng là sử dụng như thế nào, đảm bảo vật nuôi phát triển và sản phẩm không có tồn dư kháng sinh, không gây nhờn thuốc cho người”- ông Dương nói.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, không nhất thiết phải dùng kháng sinh để kích thích tăng trưởng, mà từ chất lượng con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… Chúng ta cũng có nhiều chế phẩm là nhóm thuốc từ thảo mộc, vi sinh nếu dùng hợp lý, kết hợp với quy trình chăn nuôi phù hợp, thì không cần kháng sinh kích thích, năng suất vẫn cao.
Để không còn tình trạng mua kháng sinh “dễ như rau”, ông Dương cho rằng: “Phải phối hợp chặt giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, dùng kháng sinh theo toa, đơn thuốc. Nếu một trong hai bộ phối hợp không tốt, mục tiêu tránh hiện tượng nhờn thuốc không khắc phục được”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện việc quản lý, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như trên người đang rất nhức nhối mặc dù Bộ đã tăng cường quản lý. Năm 2017, Việt Nam sẽ không được sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi. Còn thức ăn phòng trị bệnh, chỉ quy định với gia súc non và đến năm 2020 cũng tiến đến chấm dứt. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bua-an-ngap-khang-sinh-a87296.html