|
Những gì còn lại của cây cầu treo xóm Bệ. |
Xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có 3 chiếc cầu treo được dựng từ những năm 90 thế kỷ trước. Đến nay cả 3 cầu đều đã xuống cấp, đặc biệt cầu treo xóm Bệ nằm ở vị trí quan trọng nhất nhưng bị hư hỏng không thể lưu thông.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn, cho biết, trục tỉnh lộ 436 chạy qua địa bàn xã dài 4 km, nay đã xuống cấp trầm trọng, trời mưa lầy lôi, trời nắng thì bụi mù. Người dân nơi đây đánh giá, đường 436 bây giờ là con đường "xấu nhất họ từng đi".
Xã Lỗ Sơn có 12 xóm, có 1 con suối Cái chạy dọc chia đôi xã ra làm 2 bên. Có 6 xóm ở vùng ngoài và 6 xóm ở vùng trong. Xã có 3 cầu treo, bắc ngang suối Cái. Và cây cầu xóm Bệ nằm ở vị trí trung tâm xã, nối liền các xóm với tỉnh lộ 436, UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện và chợ. Nhưng đến nay cầu đã hư hỏng gần như hoàn toàn.
Cầu bị xuống cấp từ năm 2014. Tháng 4/2016, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo xã tháo dỡ mặt cầu, nhưng vẫn để lại thanh "xương". Tháo xong bỏ đấy, không sửa chữa cũng không làm cầu mới cho dân đi.
Do nhu cầu đi lại cấp thiết, người dân đã phải liều mình vượt suối bằng cách bám vào phần khung cầu còn lại. Năm 2016, Sở GTVT và UBND huyện lại chỉ đạo tháo dỡ nốt những thanh khung này. Lúc này người dân muốn qua suối phải đi đường vòng xa hơn 3-6 km. Mùa nước cạn dân chấp nhận lội suối, có lúc nước cao ngang ngực.
|
Không có cầu, đường đến trường của những đứa trẻ vô cùng gian nan. |
Học sinh đến trường lội suối tới ngực
Cô giáo Đinh Thị Trường - Hiệu trường Trường Tiểu học Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc) - cho biết, Trường Tiểu học Lỗ Sơn có 50% số học sinh sống ở vùng ngoài. Trước kia có cầu các em đi bộ qua cầu chỉ vài chục mét là tới trường, bây giờ cầu hỏng các em đến trường phải lội qua suối, "cực lắm nhà báo ạ", cô Trường than thở.
Nhà nào có điều kiện bố mẹ các em đưa đi đường vòng bằng xe máy, nhà nghèo thì trẻ đi bộ từ sáng sớm để đến trường nên thường xuyên bị muộn học.
Nhiều em không muốn đi bộ đường xa, chấp nhận liều mình cởi quần áo lội suối nước ngang đến ngực, đến bụng... để tới trường. Vào lớp học các em vẫn ướt sũng quần áo, có khi sách vở cũng chẳng còn khô. Đến mùa mưa lũ, rất nhiều em phải nghỉ học.
Cô Trường cho biết, cách đây không lâu có một em bị nước cuốn trôi, may có người lớn đang sửa bè cá gần đó cứu được.
Chủ tịch xã xấu hổ vì "nói dối" dân
Ngày 12/12/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tình trạng cầu hỏng ở xã Lỗ Sơn. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý dự án LRAMP khởi công cầu mới vào đầu năm 2017 nhằm phục vụ nhân dân đi lại.
Nhận được thông tin trên, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn đã nhiều lần phấn khởi thông báo tin vui tới bà con. Ai ai cũng phấn khởi mong chờ.
Nhưng đến nay, đã gần cuối tháng 8/2017, vẫn chưa thấy "tăm hơi" cầu mới.
|
"Nói thật với nhà báo, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ vì mình là Chủ tịch xã nhưng đã "nói dối" dân. Thực tế đã có nhiều người nói với tôi: “Các anh là lãnh đạo mà nói dối dân, chúng tôi rất là thất vọng”. Nông thôn chúng tôi như thế bị coi là nói lừa, nói dối đấy anh", vị Chủ tịch xã Lỗ Sơn trăn trở.
Ông Bùi Văn Sởn, người dân trong xã, cho biết, trước đây khi cầu hỏng, người dân thống nhất mỗi hộ góp 4 cây tre để tự sửa mặt cầu. Nhưng huyện Tân Lạc không cho sửa, bảo đợi để làm cầu mới. Đến bao giờ mới có cầu mới?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ: Chủ chương xây dựng cầu mới thay thế cầu treo xóm Bệ bị hư hỏng đã được chấp thuận trong danh sách cầu treo dân sinh.
Cụ thể: Khẩu độ nhịp cầu dài 40m, khổ cầu bề rộng 2,5m, đường dẫn cầu mỗi bên dài 20m, xuất vốn đầu tư 25 triệu/m2, tổng mức đầu tư (bao gồm cả phần cầu và đường dẫn cầu) khoảng 2 tỉ đồng.
Nguồn vốn do hiệp định tài trợ vốn ODA của Ngân hàng thế giới cho dự án LRAMP đã được Chủ tịch nước phê duyệt tại Quyết định số 2419/QĐ – CTN ngày 14/11/2016.
Báo cáo cũng nêu rõ: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý dự án LRAMP cố gắng khởi công cây cầu mới vào đầu năm 2017 nhằm thay thế cầu đã hư hỏng phục vụ nhân dân đi lại”.
Khát khao có cầu mới của người dân, nói như ông Bùi Văn Sởn: "Nếu ngành giao thông, tỉnh Hòa Bình, huyện Tân Lạc không đầu tư được thì để cho người dân chúng tôi tự sửa mặt cầu. 4 cây tre chứ 4 bụi tre tôi cũng đóng góp cho bọn trẻ nó đi học!".
Link nội dung: https://haiphong24h.org/cau-treo-rung-gan-het-tre-loi-suoi-ngang-nguc-toi-truong-a87678.html