Ông Lê Trường Lưu. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế
Trước đó, trả lời báo chí, ông Lưu xác nhận, Bí thư Huyện ủy A Lưới Hồ Xuân Trăng là anh cột chèo của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư, Chủ tịch huyện; Nguyễn Nam Sinh - Phó trưởng Công an huyện; Hồ Thanh Hà - Phó trưởng Phòng Tài chính.
Ngoài ra, vợ ông Trăng là bà Lê Thị Thêm cũng đang giữ chức Trưởng Phòng Văn hóa thông tin.
"Vị trí Bí thư, Chủ tịch do Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Những vị trí này được Đảng bộ, nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư, Chủ tịch từ đầu nhiệm kỳ vừa rồi. Các vị trí khác do huyện quản lý", ông Lưu cho biết.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế, thực tế, đối với vị trí chủ chốt có bà con, quan hệ họ hàng với nhau sẽ tạo dư luận trong cán bộ, nhân dân nghĩ đến chuyện có bè phái, cục bộ.
Anh em cột chèo không vi phạm?
"Luật Công chức không cấm anh em, người nhà cùng làm cán bộ ở một địa phương. Theo luật Công chức, 2 đồng chí này (ông Hồ Xuân Trăng và ông Nguyễn Mạnh Hùng) là anh em cột chèo thì không vi phạm qui định.
Tuy nhiên trong thực tế, đối với các vị trí chủ chốt có bà con, quan hệ họ hàng với nhau thì sẽ tạo ra dư luận trong cán bộ và nhân dân, người ta nghĩ đến chuyện bè phái, cục bộ trong đó", ông Lưu khẳng định.
Ông Lưu cũng cho biết, trước đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có trao đổi, bàn bạc một số lần liên quan đến vấn đề này để có điều chỉnh phù hợp.
“Đối với những trường hợp cán bộ thuộc huyện quản lí, tôi sẽ cho Ban Tổ chức kiểm tra lại”, ông Lưu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi: Có hay không việc Bí thư và Chủ tịch huyện bổ nhiệm họ hàng giữ các chức vụ, nhiều người trong gia đình làm quan, liệu có lo ngại vấn đề cấp trên bao che cho cấp dưới không, Bí thư Tỉnh ủy TT - Huế cho rằng, thực chất, một số cán bộ được bổ nhiệm từ trước đây. Thế nên, việc bổ nhiệm đúng qui định, đúng qui trình hay không cũng phải cho kiểm tra lại.
“Ví dụ như trường hợp vợ ông Trăng (bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa huyện A Lưới - PV), trước đây trưởng phòng giờ chuyển qua chỗ khác cũng trưởng phòng như thế thôi”, ông Lưu đơn cử.
Vẫn theo ông Lê Trường Lưu, việc cấp trên bao che cho cấp dưới cũng có thể xảy ra nếu nhiều người trong gia đình cùng làm lãnh đạo huyện.
“Để giải quyết việc này, phải tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương. Các công việc của địa phương phải qua cấp ủy, chính quyền, thông qua tập thể thường trực thường vụ.
Quy chế làm việc là phải công khai minh bạch, không phụ thuộc vào một vài cá nhân. Mọi việc đều thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ.
Đã công khai lấy ý kiến chung giữa tập thể thì sẽ hạn chế được và không có chuyện làm bậy", ông Lưu nói.
Tác giả bài viết: Quang Thành