Theo Bộ Tài chính, trong các Hiệp định tự do song và đa phương (FTAs), cụ thể là Hiệp định ATIGA giữa các nước ASEAN, Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết linh kiện ô tô xuống 0% vào năm 2018. Các Hiệp định FTA khác vẫn duy trì mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số dòng linh kiện, phụ tùng từ 24% đến 77%.
Thuế nhập về 0%, cần bỏ thuế nhập linh kiện
Với các nước thuộc Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), mức cam kết giảm thuế cuối cùng đối với linh kiện, phụ tùng ô tô là từ 0% - 30% tùy theo linh kiện. Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản... Việt Nam không cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nhập rất nhiều linh kiện ô tô từ Nhật và Hàn Quốc, đa số là cụm động cơ, điều khiển không sản xuất được trong nước.
Bộ Tài chính đề nghị bỏ và giảm thuế đối với linh kiện và cụm linh kiện ô tô nhập khẩu để tăng cạnh tranh của xe trong nước. |
Bộ Tài chính cho hay, hình thức áp thuế hiện được nhiều nước sử dụng để ưu đãi thuế quan tương đương là thuế suất tối huệ quốc (MFN). Đây là hình thức ưu đãi thuế khi một nước dành cho một nước thành viên nào đó trong khối, tổ chức cùng tham gia (như WTO) thì cũng phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các nước thành viên khác trong đó.
Với Việt Nam, mức thuế MFN nhập linh kiện tùy theo thị trường đối với xe dưới 9 chỗ trung bình khoảng 14 - 18%.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2007-2017, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô được quy định với nguyên tắc có sự chênh lệch lớn giữa thuế suất của xe ô tô nguyên chiếc với mức thuế suất MFN trung bình tính cho cả bộ linh kiện (mức chênh lệch từ 50-60% đối với xe chở người; ô tô tải từ 18%-50%).
Cụ thể, nếu so sánh mức thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA của xe nguyên chiếc với thuế suất MFN trung bình tính cho cả bộ linh kiện thì mức chênh lệch năm 2017 giảm xuống còn khoảng 12-15% đối với xe chở người và thuế về âm đối với chủng loại xe tải.
Từ năm 2018, mức chênh lệch sẽ là âm đối với tất cả các loại xe ô tô do thuế suất ATIGA của xe ô tô nguyên chiếc các loại đều giảm về 0%. Tuy nhiên thuế suất thuế nhập khẩu MFN của linh kiện ô tô vẫn được quy định ở mức thuế suất nhất định lớn hơn 0%.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu thuế nhập linh kiện lớn hơn thuế nhập xe nguyên chiếc sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong nước và giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt so với hàng nhập khẩu tại sân nhà. Chính vì vậy, phương án là bỏ thuế nhập khẩu linh kiện.
Quan điểm Bộ Tài chính là không giảm thuế nhập khẩu linh kiện đại trà cho tất cả các chủng loại xe mà tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với Việt Nam và có ràng buộc với 3 doanh nghiệp: dự kiến là Toyota, Trường Hải và Hyundai Thành Công.
Bỏ thuế linh kiện rời và giảm thuế với cụm linh kiện
Trước mắt, giảm thuế nhập khẩu sẽ tập trung vào xe chở người đến 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống và xe tải từ 5 tấn trở xuống. Cả hai loại xe này đều phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (vào giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.
Cụ thể, bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 05 năm từ năm 2018-2022: Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 02 nhóm xe trên về 0%.
Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 02 nhóm xe trên xuống 0%.
Mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện sẽ được giảm từ 14-16% hiện nay xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Theo Bộ Tài chính, lợi ích của giảm thuế nhập khẩu sẽ nâng cao sự cạnh tranh so với xe ô tô nhập khẩu, tăng sản lượng tiêu thụ trong nước và tiến tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước. Cuối cùng là khuyến khích xuất khẩu ô tô sang thị trường ASEAN.
Về thu ngân sách khi bỏ thuế nhập linh kiện, Bộ Tài chính cho biết, nếu thực hiện hai phương án trên, có thể khiến tổng số thuế nhập khẩu giai đoạn 2018 - 2022 giảm từ 3.000 - 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thuế thu nhập DN thu được tăng lên hơn 530 tỷ đồng.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/quyet-dau-xe-thai-indonesia-bo-tai-chinh-xin-bo-thue-nhap-linh-kien-a88246.html