Đài khí tượng Hong Kong: Cơ quan 'quyền lực' nhất mùa mưa bão

Ở một thành phố thường xuyên gặp bão như Hong Kong, thông tin phát ra từ trạm quan sát khí tượng sẽ quyết định việc trẻ em được nghỉ học còn các cửa tiệm mất ngày buôn bán.

Đầu ngày 23/8, đài quan sát khí tượng Hong Kong đưa ra cảnh báo mức 10 dành cho cơn bão Hato đang tiến về thành phố. Thông báo này đồng nghĩa với việc thành phố sẽ "đóng cửa" ngay lập tức để đón bão, trường học cho học sinh nghỉ, sàn giao dịch chứng khoán không hoạt động trong khi hàng loạt chuyến bay bị hủy. 

Đài quan sát được thành lập từ năm 1883, khi Hong Kong còn là thuộc địa của Anh. AFP nhận định nó trở thành một phần không thể thiếu của Hong Kong, thành phố với những cư dân bị ám ảnh bởi thời tiết và thường xuyên gặp bão. Trong ảnh, trạm radar cao nhất của đài quan sát khí tượng nằm trên Đại Mạo Sơn, ngọn núi cao nhất Hong Kong. 

Các radar thường được điều khiển từ xa. Tuy vậy, trong một số thời điểm quan trọng như lúc bão gần về, các chuyên viên của đài quan sát sẽ leo lên đỉnh núi cao gần 950 m để túc trực và đảm bảo xử lý mọi trục trặc có thể xảy ra với thiết bị. 

Ip Wing-sing, một kỹ sư đã làm việc tại đài quan sát 20 năm, cho biết việc leo lên trạm radar trong cơn bão thường là một trải nghiệm kịch tính và đầy căng thẳng với gia đình ông. Ông từng sửa một radar trong một cơn bão cấp 10. "Âm thanh của gió và mưa rất mạnh. Gia đình bạn luôn muốn bạn an toàn trong nhà khi ngoài kia có bão", ông nói. 

Trung tâm điều khiển của đài quan sát nằm ở Tiêm Sa Chủy, tòa nhà màu trắng xây từ thế kỷ 19 này được xem là một công trình lịch sử. Nó nằm trên một ngọn đồi vốn có thể quan sát bến cảng. Tuy nhiên, bao quanh trung tâm điều khiển ngày nay là những tòa nhà thương mại và khu chung cư chen chúc nhau. 

Bên trong trung tâm, hàng chục màn hình được gắn lên tường hiển thị các thông tin truyền về từ các trạm radar. 

Ông Shun Chi-ming, Giám đốc đài khí tượng, là người chịu trách nhiệm thông báo cấp độ bão cho Hong Kong. Ông nói rằng đài không nên đưa ra "báo động giả", nếu không người dân sẽ không xem trọng các thông báo đó nữa. "Cả thành phố sẽ đóng cửa vì tín hiệu tôi phát ra", ông nói, dù thừa nhận bản thân rất phấn khích được tăng mức cảnh báo bão lên. "Cấp 10 là mức cảnh báo yêu thích của tôi", ông nói. 

Shun cho biết khi ông còn là một nhân viên khí tượng trẻ, các ảnh chụp từ vệ tinh được truyền về đài mỗi 3 giờ. Ngày nay, cứ 10 phút họ lại nhận một ảnh mới. 

Hệ thống cảnh báo bão với thang từ 1-10 được thiết lập cách đây 100 năm. "Một số giám đốc tại đây không có cơ hội ra thông báo này trong nhiệm kỳ của họ", Giám đốc Shun cho biết. Bão Hato là lần thứ 15 đài khí tượng có cơ hội ra cảnh báo cấp 10. 

Trước đây, đài khí tượng sử dụng đại bác đặt bên bến cảng của Hong Kong để thông báo cho các thủy thủ về cơn bão sắp đến. Ngày nay, cư dân thành phố sử dụng ứng dụng MyObservatory để nhận tin tức về thời tiết. Ứng dụng này ra mắt năm 2010 và được tải xuống 6,5 triệu lượt, trong một thành phố với dân số 7,3 triệu như Hong Kong. 

Ứng dụng cung cấp các thông tin diễn biến bão, dự báo thời tiết trong 9 ngày, nhiệt độ và sức gió. Nó thường xuyên tạo ra tạo ra tranh luận trong cư dân, các cảnh báo nghiêm trọng thường dẫn đến việc thành phố bị đóng cửa và kéo theo lời than phiền từ các cửa hàng mất cơ hội buôn bán. Trong khi đó, nhiều người lại "tố" đài khí tượng thường chần chừ khi phát cảnh báo vào ngày làm việc vì sợ ảnh hưởng các doanh nghiệp. 

Cơn bão mạnh nhất từ ập đến thành phố là bão Wanda vào năm 1962. Bão làm chết 130 người và khiến 72.000 người mất nhà cửa. Kể từ đó, Hong Kong đã tìm cách thích nghi với những cơn bão. Các tòa nhà cao tầng được đảm bảo sẽ chịu được gió mạnh, một đường hầm lớn chạy dọc thành phố được hoàn thành năm 2012 để thoát nước. Dù vậy, Giám đốc Shun tự tin rằng đài khí tượng là một phần không tách rời của thành phố. "Việc trẻ con đến trường, người lớn đi học, tất cả phụ thuộc vào đài quan sát", ông nói.  

Ngày 23/8, siêu bão Hato đã quét qua Macau, Hong Kong và các khu vực ven biển của Trung Quốc. Siêu bão đem theo những cơn gió có tốc độ từ 125 tới 205 km/h, kéo theo sóng biển cao trên 14 m và có thể đánh đắm tàu biển trọng tải lớn, gây thiệt hại cho công trình xây dựng và hạn chế tầm nhìn tối đa. 

Bão Hato sau đó suy yếu và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc. Ít nhất 8 người ở Macau và 4 người ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã thiệt mạng vì bão. 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/dai-khi-tuong-hong-kong-co-quan-quyen-luc-nhat-mua-mua-bao-a88247.html