100 vụ lộ bí mật nhà nước

Thông tin này được công bố tại hội thảo \"Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia\" do Bộ Công an tổ chức ngày 25-8.

Tại hội thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận - Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an - cho biết tình trạng tấn công hệ thống mạng của Việt Nam ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi, cường độ cao, trong khi hệ thống hạ tầng và bảo mật thông tin tồn tại nhiều lỗ hổng về bảo mật.

 Hội thảo về bảo vệ an ninh mạng do Bộ Công an tổ chức Ảnh: LÊ HẠNH

Tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6-2017, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã có 4.605 trang/cổng thông tin điện tử có tên miền quốc gia (.vn) bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, chỉnh sửa nội dung; tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lo ngại là có 148 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước (.gov.vn). Còn nếu tính từ năm 2014 đến nay đã có hơn 18.000 trang/cổng thông tin điện tử bị tấn công. Khi xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981, ngay trong đêm đó, cổng thông tin Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã bị tin tặc tấn công, đăng thông tin giả mạo.

Chưa hết, theo ông Hoàng Phước Thuận, tin tặc cũng tấn công giả mạo lệnh chuyển tiền đối với ngân hàng TPBank; tấn công DDoS hệ thống mạng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) gây ra đình trệ toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ của tập đoàn này.

Đỉnh điểm là vụ tấn công, chiếm quyền điều khiển màn hình hiển thị tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tấn công vào hệ thống máy chủ của Vietnam Airlines. Sự cố đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm trễ gần 100 chuyến bay trong ngày 29-7-2016.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng an ninh mạng Việt Nam luôn trong tình trạng nguy hiểm, chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh thế giới... Từ đó đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí đe dọa đến an ninh quốc phòng.

Thông tin tại hội thảo cho thấy hệ thống mạng thông tin Việt Nam đang phải đối diện cùng lúc 8 thách thức lớn. Thứ nhất, nguy cơ gây rối loạn, mất kiểm soát hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng an ninh. Thứ hai, nguy cơ bị tấn công, chiếm đoạt, đánh cắp tài liệu, bí mật nhà nước từ hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng máy tính nội bộ.

Thứ ba, nguy cơ bị đình trệ, tê liệt hoạt động của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan Đảng, nhà nước. Thứ tư, tấn công mạng kéo theo nguy cơ gây rối loạn các giao dịch tài chính, hoạt động vận hành, điều khiển hàng không, điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ, xử lý hóa chất phục vụ cung cấp nước sinh hoạt, y tế…

Thứ năm, nguy cơ hệ thống điều khiển tự động hóa (SCADA) của các nhà máy lọc dầu, thủy điện, nhiệt điện, đường ống xăng dầu, khí đốt… bị tê liệt, rối loạn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Thứ sáu, nguy cơ hệ thống thông tin phục vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản của nhà nước bị kiểm soát, vô hiệu hóa.

Thứ bảy, nguy cơ bị kiểm soát, chiếm đoạt, phá hủy hệ thống thông tin phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, dân cư, xuất nhập cảnh… Thứ tám, nguy cơ tấn công mạng nhằm vào hạ tầng truyền dẫn vật lý khiến kết nối internet của Việt Nam với quốc tế bị gián đoạn hoặc ngừng.

Trình dự thảo Luật An ninh mạng vào tháng 10-2017

Bên lề hội thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, lan truyền thông tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn, công kích cũng thường xuyên diễn ra. Vì vậy, dự thảo Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an xây dựng, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới và thông qua vào năm 2018.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/100-vu-lo-bi-mat-nha-nuoc-a88410.html